Khả năng ngăn lũ lớn của đập Tam Hiệp Trung Quốc bị nghi ngờ
Tình trạng ngập lụt nghiêm trọng trên diện rộng ở Trung Quốc khiến nhiều người nghi ngờ về khả năng ngăn lũ của đập Tam Hiệp.
Trong khi chính phủ Trung Quốc đang tính toán mức độ thiệt hại từ đợt mưa lũ lớn nhất trong hơn 30 năm qua, vai trò của Đập Tam Hiệp, công trình thủy điện vốn được thiết kế với mục tiêu kiềm chế dòng sông Trường Giang, đang bị dư luận đặt câu hỏi nghi ngờ.
Sau khi những cơn mưa lớn liên tiếp lập kỷ lục rơi xuống lãnh thổ Trung Quốc, chính phủ nước này nhấn mạnh nhà máy thủy điện lớn nhất thế giới đập Tâm Hiệp đã giúp giảm mực nước lũ và hạn chế tối đa thiệt hại về kinh tế cũng như giảm số người thiệt mạng và công tác sơ tán khẩn cấp người dân tới khu vực an toàn.
Nhưng không ít người cho rằng, tình trạng mực nước trên sông Trường Giang đang ở mức lịch sử, cũng như hàng loạt sông hồ lớn vượt mức báo động cho thấy, đập Tam Hiệp đang không làm đúng chức năng được thiết kế.
“Một trong những chức năng chính của đập Tam Hiệp là kiểm soát lũ, nhưng chưa đầy sau 20 năm công trình này hoàn thành xây dựng, chúng ta lại đang chứng kiến mực nước lũ ở mức cao nhất lịch sử. Thực tế đập Tam Hiệp không thể ngăn chặn những đợt lũ lớn như này”, Reuters dẫn lời ông David Shankman, nhà nghiên cứu tình trạng lũ lụt ở Trung Quốc tại Đại học Alabama.
Song hôm 13/7, ông Ye Jianchun, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Nước Trung Quốc đã có bài phát biểu tóm tắt “lịch trình chi tiết” hoạt động xả nước từ các hồ chứa đặc biệt là ở đập Tam Hiệp. Theo ông Ye, hoạt động xả lũ đã phát huy hiệu quả ngăn chặn lũ lụt trong năm nay.
Ông Ye nói thêm 64,7 tỉ m3 nước lũ đã được chứa trong 2.297 hồ chứa bao gồm 2,9 tỉ m3 nước tại đập Tam Hiệp.
Trước đó, hôm 11/7, công ty vận hành đập Tam Hiệp nhấn mạnh lượng nước xả xuống khu vực hạ lưu đã giảm một nửa kể từ ngày 6/7, “tạo hiệu quả giảm tốc độ và mức nước tăng ở các vùng trung và hạ lưu của sông Trường Giang”.
Công ty còn cho biết tổng lượng nước hiện chứa trong hồ chứa của đập Tam Hiệp chiếm 88% tổng công suất của công trình này.
Song thực tế, nhiều khu vực của sông Trường Giang, các nhánh sông và hồ chứa quy mô lớn như hồ Động Đình và hồ Bà Dương lại đang chứng kiến mực nước dâng cao chưa từng thấy trong lịch sử.
Ông Fan Xiao, nhà địa chất học từng nhiều lần lên tiếng chỉ trích các dư án đập thủy điện quy mô lớn cho rằng, công suất chứa nước của đập Tam Hiệp chỉ là chưa tới 9% lượng nước lũ thông thường.
“Đập Tam Hiệp chỉ có thể ngăn chặn một phần và tạm thời lượng nước lũ trên thượng lưu và hoàn toàn vô dụng hỗ trợ ngăn lũ lụt xuất hiện sau khi những cơn mưa lớn đổ xuống các nhánh ở trung và hạ lưu sông Trường Giang”, ông Fan nhấn mạnh.
Cũng theo ông Fan, đập Tam Hiệp và các dự án thủy điện quy mô lớn khác có thể khiến tình hình lũ lụt trở nên nghiêm trọng hơn do làm thay đổi dòng chảy lớp trầm tích dưới sông Trường Giang. Đập Tam Hiệp cần cả yếu tố sản xuất điện và kiểm soát lũ, ông Fan cho hay.
“Khi con người chỉ cân nhắc tới việc sử dụng các hồ chứa để giải quyết vấn đề kiểm soát lũ, họ thường bỏ qua năng lực tự nhiên của các sông và hồ vốn làm công tác điều tiết lũ”, ông Fan nói thêm.
Còn theo ông Shankman, đập Tam Hiệp có thể hỗ trợ điều phối nước lũ trong những năm mưa lũ ở mức bình thường. Nhưng công trình này không thể phát huy hiệu quả trong những lần thiên tai khắc nghiệt hơn và còn khiến một lượng lớn nước lũ đổ xuống vùng hạ lưu.
“Hồ chứa ở đập Tam Hiệp không có đủ công suất để giảm tác động từ những trận lụt lớn nhất”, ông Shankman kết luận.
Video: Cảnh báo vàng lần đầu tiên được Trung Quốc công bố trong năm nay do lũ lớn trên sông Trường Giang
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận