Kết quả ngành dược phân hóa trước làn sóng Covid lần 2
Kết quả kinh doanh quý 3/2020 của các doanh nghiệp dược phẩm tiếp tục ghi nhận đà phân hóa. Trong khi phân nửa doanh nghiệp có lãi tăng trưởng, nhiều doanh nghiệp khác phải chịu cảnh kinh doanh đi lùi, thậm chí là thua lỗ như trường hợp của DBT và LDP.
Theo dữ liệu VietstockFinance, trong quý 3/2020, 18 doanh nghiệp dược niêm yết đã tạo ra gần 8,796 tỷ đồng doanh thu thuần và 530 tỷ đồng lãi ròng, lần lượt giảm 4.9% và tăng 7.6% so cùng kỳ.
Kết quả kinh doanh quý 3/2020 của các doanh nghiệp dược niêm yết. Đvt: Tỷ đồng
DHG và IMP lập hat-trick tăng trưởng lợi nhuận 3 quý
Trong quý 3/2020, có 8 đơn vị ngành dược báo lãi tăng so cùng kỳ. Thống kê cho thấy DHG và IMP là 2 doanh nghiệp duy nhất tăng trưởng lãi trong cả 3 quý đầu năm.
Biên lãi gộp quý 3/2020 của Dược Hậu Giang (HOSE: DHG) cải thiện lên mức 45.9% (cùng kỳ đạt 42.3%), giúp Công ty thu được 397 tỷ đồng lãi gộp. DHG cho biết doanh thu hàng sản xuất quý 3 tăng 22 tỷ đồng, tương ứng tăng 3.1% so cùng kỳ.
Kết thúc quý 3/2020, DHG có lãi ròng hơn 166 tỷ đồng, tăng 41% so cùng kỳ. Như vậy xét theo con số tuyệt đối, DHG tiếp tục nắm chắc lá cờ đầu về lợi nhuận ngành dược.
Lãi ròng của DHG từ quý 1/2019 đến quý 3/2020. Đvt: Tỷ đồng
Về chi phí, IMP đã tiết giảm 24% chi phí bán hàng và quản lý so với quý 3 năm trước. Cùng với việc được giảm thuế TNDN từ dự án đầu tư mở rộng nhà máy Bình Dương, IMP báo lãi ròng quý 3 gần 51 tỷ đồng, tăng 23%. Cộng với 2 quý đầu năm, IMP có lãi ròng lũy kế 9 tháng đạt hơn 139 tỷ đồng, tăng 26% so với kết quả cùng kỳ năm trước. Về kế hoạch năm 2020, hãng dược này đã thực hiện được 50% chỉ tiêu doanh thu và 63% về lợi nhuận.
Nếu xét về con số tương đối, Dược phẩm Cửu Long (HOSE: DCL) mới chính là đơn vị dẫn đầu trong quý 3/2020 với tỷ lệ tăng trưởng lãi ròng 169%, đạt gần 16 tỷ đồng lãi ròng. Kết quả tích cực của DCL chủ yếu do lợi nhuận của các công ty con sau khi trừ giao dịch nội bộ làm tăng lãi sau thuế hợp nhất 12 tỷ đồng (so với quý 3/2019).
Ngoài ra còn có nhiều doanh nghiệp dược cũng báo lãi tăng trưởng trong quý 3/2020 như TRA, DBD, PME, VMD hay DHT.
Tiếp tục ngấm đòn Covid
Ở chiều ngược lại, có 8 đơn vị sụt giảm lãi so với quý 3 năm trước, dẫn đầu bởi MED, SPM và DMC (xét theo tỷ lệ).
Theo DMC, vì đã dự trữ nguyên phụ liệu cho những tháng cuối năm, nên Công ty sẽ không thay đổi kế hoạch sản xuất kinh doanh đáng kể so với dự kiến. Sau 9 tháng đầu năm, DMC đã thực hiện 69% kế hoạch doanh thu và 58% kế hoạch lợi nhuận.
Tương tự, SPM (HOSE: SPM) cũng gặp khó trước ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19. Trong kỳ, SPM đem về gần 156 tỷ đồng doanh thu thuần và chưa tới 700 triệu đồng lãi ròng, lần lượt tăng 17% và giảm 62% so cùng kỳ. Giá vốn và chi phí tăng cao là nguyên nhân cho kết quả đi lùi của chủ nhãn hàng viên sủi MyVita.
Biên lãi gộp của DMC và SPM sụt giảm trong quý 3/2020
Suy yếu lợi nhuận quý 3 nhiều nhất chính là Dược Trung ương Mediplantex (HNX: MED) với tỷ lệ giảm 81% lãi ròng. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã dẫn đến tình hình cung ứng và tiêu thụ sản phẩm gặp nhiều khó khăn, doanh thu thuần trong kỳ giảm 29%. MED chia sẻ rằng các nhà phân phối gia công, cắt lô sản phẩm của Công ty cũng sụt giảm doanh số ở mức lớn, hệ thống phân phối 3 miền không đạt nhiều kết quả khả quan.
Đáng buồn với ngành dược là việc có 2 đơn vị thua lỗ trong quý 3/2020, gồm LDP và DBT.
Mới đây, sau 11 năm niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), 13.5 triệu cp DBT đã chính thức niêm yết lên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) vào ngày 28/10/2020, giá tham chiếu là 15,000 đồng/cp.
Có thể thấy, một lần nữa việc chuỗi cung ứng nguyên liệu sản xuất đã tác động tiêu cực vào lợi nhuận của các doanh nghiệp dược trong nước. Vấn đề này có lẽ chỉ được tháo gỡ một khi dịch Covid-19 trên toàn cầu được kiểm soát hiệu quả hơn nữa, đặc biệt là tại các nước cung cấp nguyên liệu sản xuất dược phẩm chính như Trung Quốc và Ấn Độ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận