Kết quả kinh doanh ngành ngân hàng quý 2/2022
Nhiều ngân hàng đã bắt đầu công bố kết quả kinh doanh quý 2/2022 và 6 tháng đầu năm, trong đó có ngân hàng ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận lên tới ba con số.
Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank - SSB)
Mới đây nhất, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) đã công bố kết quả kinh doanh hợp nhất với lợi nhuận trước thuế hai quý đầu năm đạt 2.806 tỷ đồng, tăng trưởng 180% so với cùng kỳ năm 2021, hoàn thành 115% kế hoạch 6 tháng đầu năm 2022.
Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank - TPB)
TPBank cho biết lợi nhuận quý 2/2022 đạt gần 2.200 tỷ đồng, tăng gần 600 tỷ, tương ứng tăng gần 34% so với quý 1/2022. Điều này đã đưa lợi nhuận lũy kế đến 30/6/2022 của TPBank đạt 3.788 tỷ đồng, tăng gần 26% so với cùng kỳ năm trước.
Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (HOSE: EIB)
Trong khi đó, ban lãnh đạo Eximbank ước tính lợi nhuận 6 tháng đầu năm của ngân hàng đạt khoảng 1.800 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 2,7 lần cùng kỳ năm ngoái. Riêng lợi nhuận trước thuế trong quý 2/2022 của ngân hàng này tăng gấp 3 lần cùng kỳ năm ngoái, theo Báo Đầu tư.
Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (HOSE: VCB)
Dù chưa có con số cụ thể, Phó Tổng Giám đốc Vietcombank, ông Phạm Mạnh Thắng dự báo có mức tăng trưởng lợi nhuận đột phá sau 2 năm chấp nhận giảm lãi hỗ trợ khách hàng. Trong 5 tháng đầu năm, ngân hàng tăng trưởng lợi nhuận 30%.
Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng quý 3/2022 của Ngân hàng Nhà nước cũng cho thấy đúng như kỳ vọng tại kỳ điều tra trước, các tổ chức tín dụng đánh giá kết quả hoạt động kinh doanh trong quý 2/2022 có tăng trưởng tốt hơn nhiều so với quý 1/2022.
Mặt khác, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam dự báo lợi nhuận ròng quý 2/2022 của các nhà băng sẽ tăng 36% so với cùng kỳ năm trước, song giảm 9% so với quý trước đó.
Trong đó, công ty chứng khoán ước tính thu nhập ngoài lãi ròng của toàn ngành sẽ giảm 30% so với quý trước đó, hoặc giảm 5% sau khi đã điều chỉnh lại khoản thu nhập bất thường, do sự chậm lại trong hoạt động tín dụng và đầu tư trong quý 2/2022.
Thực tế, nhiều ngân hàng thương mại đã chạm hạn mức tín dụng ban đầu ngay từ cuối quý 1/2022 do room tín dụng cấp đầu năm ở mức tương đối thấp. Giới phân tích cho rằng triển vọng tăng trưởng của ngành ngân hàng 6 tháng cuối năm phụ thuộc rất nhiều vào việc cấp room tín dụng thời gian tới.
Nhiều công ty chứng khoán dự báo đợt nâng room tín dụng trên sẽ rơi vào trung tuần tháng 7, qua đó giúp thúc đẩy hoạt động cho vay của toàn ngành. Dù vậy, mức room mới được cho là sẽ không tăng quá mạnh do Ngân hàng Nhà nước đang thắt chặt dòng tiền để kiểm soát lạm phát.
Báo cáo ngành ngân hàng 6 tháng cuối năm 2022 của CTCP Chứng khoán SSI cho rằng hạn mức được cấp thêm có thể chỉ ở mức vừa phải, đi cùng với điều kiện các ngân hàng phải hạn chế giải ngân cho các phân khúc rủi ro.
Bên cạnh đó, mức lợi nhuận tuyệt đối của các ngân hàng trong 6 tháng cuối năm 2022 có thể sẽ thấp hơn so với 6 tháng đầu năm 2022. Tuy nhiên, mức tăng trưởng so với cùng kỳ vẫn rất hấp dẫn do mức lợi nhuận tương đối thấp trong 6 tháng cuối năm 2021.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận