Kết nối tiêu thụ và xuất khẩu nông - thủy sản sang Algeria và Senegal
Ngày 11/8, Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương và Thương vụ Việt Nam tại Algeria kiêm nhiệm Senegal, Tunisia, Mali, Gambia và Niger đã tổ chức Phiên tư vấn xuất khẩu sang thị trường Algeria và Senegal cho hơn 100 doanh nghiệp Việt Nam.
Hoạt động này nằm trong khuôn khổ hội nghị trực tuyến kết nối tiêu thụ, xúc tiến xuất khẩu nông sản, thủy sản khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên 2021 do Bộ Công Thương chủ trì tổ chức với sự tham gia của đông đảo các công ty của Algeria và Senegal trong các phiên giao thương với các doanh nghiệp Việt Nam, nhằm cung cấp các thông tin về thị trường Algeria và Senegal.
Theo phóng viên TTXVN tại Algiers, tại sự kiện, ông Hoàng Đức Nhuận, Tham tán thương mại đã giới thiệu về tiềm năng của thị trường Algeria và Senegal, đặc biệt trong lĩnh vực xuất nhập khẩu nông sản và thủy sản, cũng như những lưu ý về tìm kiếm, giao dịch và thanh toán với các đối tác tại 2 thị trường này, đồng thời giải đáp các thắc mắc của các doanh nghiệp tham dự.
Đối với Algeria, ông Hoàng Đức Nhuận cho biết hàng hoá Việt Nam có nhiều điểm thuận lợi khi xuất khẩu sang thị trường này, do Algeria chủ yếu tập trung vào ngành công nghiệp dầu lửa, nên phải nhập khẩu khá nhiều mặt hàng khác; dân số tương đối đông, với hơn 44 triệu người; quan hệ chính trị truyền thống giữa hai nước thuận lợi, trước khi dịch COVID-19 xảy ra, hai nước thường xuyên trao đổi các đoàn giao thương; hàng hoá Việt Nam được đánh giá cao về chất lượng và giá cả; Thương vụ Việt Nam Algeria tại thường xuyên tổ chức các hoạt động kết nối doanh nghiệp giữa hai bên; Algeria và Việt Nam có đại sứ quán tại thủ đô của nhau nên thuận lợi cho việc xin visa cho các doanh nghiệp...
Trong đó, Việt Nam có nhiều mặt hàng còn nhiều tiềm năng xuất khẩu sang Algeria, đặc biệt là cà phê. Một năm Algeria nhập khẩu khoảng 130.000 tấn, chủ yếu là cà phê chưa qua chế biến, loại robusta. Cà phê Việt Nam chiếm trên 50% thị phần tại Algeria với khoảng 70.000 tấn, kim ngạch trung bình đạt 100 triệu USD/năm. Mặt hàng này tiếp tục có nhu cầu khá cao tại Algeria và vẫn sẽ là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam trong thời gian tới.
Tiếp đến là gạo, mỗi năm Algeria nhập khẩu 100.000 tấn gạo chủ yếu là gạo 5% tấm, gạo đồ, phục vụ cho người châu Á sinh sống và làm việc tại Algeria. Gạo là mặt hàng được trợ giá nên thuế nhập khẩu khá thấp so với mặt bằng chung, chỉ 16%. Ngoài ra, các loại gia vị như hạt tiêu, quế cũng là những loại nông sản có nhu cầu cao tại Algeria cùng với hạt điều nhân.
Thủy hải sản cũng nằm trong tốp 5 mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch lớn nhất của Việt Nam sang Algeria, với kim ngạch từ 9-10 triệu USD/năm. Cá tra của Việt Nam được bán với giá khoảng 5 USD/kg, tương đương với loại cá biển đánh bắt rẻ nhất của Algeria là cá trích (Sardine), do vậy hàng Việt Nam có tính cạnh tranh cao. Hơn nữa, mỗi năm Algeria nhập khẩu khoảng 30.000 tấn thuỷ-hải sản. Như vậy, lĩnh vực này cũng còn nhiều dư địa cho doanh nghiệp thuỷ hải sản Việt Nam cạnh tranh, khai thác.
Về thị trường Senegal, theo ông Hoàng Đức Nhuận, mặc dù là thị trường có quy mô nhỏ với dân số khoảng 16 triệu người, thu nhập bình quân đầu người 1.400 USD/người/năm, song so với nhiều quốc gia khác thuộc châu Phi, nền kinh tế Senegal khá mở, hội nhập sâu rộng ở cấp độ quốc tế cũng như trong khu vực. Senegal nằm trong Liên minh Kinh tế và Tiền tệ Tây Phi (UEMOA), gồm 8 nước nói tiếng Pháp, đồng thời là thành viên của Cộng đồng kinh tế Tây Phi gồm 15 quốc gia. Senegal có lợi thế là tình hình chính trị ổn định, cơ sở hạ tầng khá tốt, có sân bay quốc tế, cảng biển và là nơi trung chuyển hàng hoá sang các nước không có biển.
Dù Chính phủ Senegal chủ trương đẩy mạnh sản xuất lúa gạo và tiến tới tự túc lương thực nhưng sản lượng không đủ, hằng năm vẫn phải nhập khẩu 900.000 tấn - 1 triệu tấn gạo, chủ yếu là gạo tấm giá rẻ. Năm 2019, trước khi diễn ra đại dịch COVID-19, Việt Nam xuất khẩu gạo sang thị trường này đạt kim ngạch 32 triệu USD/năm. Ngoài gạo, nước ta còn xuất sang Senegal nhiều mặt hàng khác như hạt tiêu, bánh kẹo và sản phẩm ngũ cốc, sắt thép các loại ... Senegal có nhiều nhà hàng của người Việt Nam và người châu Á, và cộng đồng người Việt ở đây cũng khá đông nên có cơ hội cho hàng Việt Nam, nhất là đồ khô như bánh tráng, bánh đa, nước mắm thâm nhập sâu hơn vào thị trường này.
Theo ông Hoàng Đức Nhuận, mặc dù là thị trường có nhiều tiềm năng xuất khẩu cho doanh nghiệp Việt Nam, nhưng thuế nhập khẩu ở một số nước châu Phi cũng tương đối cao, chẳng hạn tại Algeria là 30% chưa kể thuế VAT là 19%. Bên cạnh đó, Algeria còn áp dụng thuế phòng vệ bổ sung, dao động từ 30-200% tuỳ vào từng mặt hàng.
Ngoài ra, ông Hoàng Đức Nhuận cũng lưu ý rằng khi xuất khẩu sang châu Phi nói chung, Algeria và Senegal nói riêng, các doanh nghiệp Việt Nam cần tìm kiếm đối tác qua các kênh uy tín như tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ, triển lãm quốc tế, các diễn đàn doanh nghiệp, các cuộc giao thương trực tiếp; qua giới thiệu từ các cơ quan xúc tiến thương mại, các Thương vụ Việt Nam tại châu Phi và bạn hàng quen thuộc,...
Trước khi tiến hành giao dịch, doanh nghiệp cần đề nghị đối tác cung cấp giấy phép đăng ký kinh doanh, thẻ xuất nhập khẩu, bản sao hộ chiếu, thẻ căn cước của người đại diện để các cơ quan chức năng như các Thương vụ Việt Nam tại châu Phi có thể hỗ trợ tư vấn, xác minh. Về thanh toán khi xuất khẩu sang châu Phi, nên áp dụng phương thức tín dụng thư (L/C) không hủy ngang có xác nhận của ngân hàng uy tín châu Âu, châu Mỹ hoặc phương thức nhờ thu chứng từ (DP at sight) có đề nghị khách hàng đặt cọc từ 25% trở lên giá trị tiền hàng, không chấp nhận phương thức trả chậm và D/A.
Bên cạnh đó, nếu nhập khẩu hàng từ châu Phi về Việt Nam, doanh nghiệp cần tiến hành kiểm định hàng hóa thông qua tổ chức giám định quốc tế có uy tín tại nước sở tại (như Bitec International SA, Văn phòng Veritas) trước khi đưa hàng lên tàu. Doanh nghiệp Việt Nam cũng nên cố gắng đàm phán với nhà cung cấp để không phải đặt cọc tiền hoặc đặt cọc ở mức tối thiểu, đồng thời đối với những đơn hàng đầu tiên, chỉ nên mua với khối lượng nhỏ. Tốt nhất, trong giai đoạn đầu nên sang trực tiếp để gặp gỡ nhà cung cấp, giám sát việc thu mua và chất hàng lên tàu. Nếu có tiềm lực, công ty Việt Nam có thể xem xét sang mở văn phòng đại diện, kho ngoại quan tại địa bàn sở tại.
Liên quan đến thông tin trên nhãn mác, bao bì tại Algeria và một số nước Bắc Phi thường được viết bằng 2 thứ tiếng là tiếng Arab và một ngôn ngữ khác (tiếng Pháp hoặc tiếng Anh). Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần tìm hiểu thị hiếu, văn hoá người tiêu dùng tại các quốc gia Hồi giáo, quan tâm đến giấy chứng nhận Halal (giấy chứng nhận xác nhận sản phẩm không có các chất cấm theo yêu cầu Luật Hồi giáo) đối với các thực phẩm làm từ gia súc, gia cầm hoặc có chứa thịt.
Tại phiên tư vấn này, ông Hoàng Đức Nhuận cũng thông tin cho các doanh nghiệp Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, ngành hàng như nông sản, gia vị, thực phẩm, đồ uống, thủy sản, hàng tiêu dùng, về triển vọng thị trường, quy định và chứng từ nhập khẩu, thủ tục và phương thức thanh toán, hình thức giao nhận, vận tải hàng hóa từ Việt Nam, cách xác thực doanh nghiệp và sử dụng đại lý, môi giới kinh doanh tại Algeria và Senegal cũng như một số nước châu Phi khác.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận