24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Phượng Hồng
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Kết nối để chủ động tiêu thụ nông sản chứ không chờ giải cứu

Nông sản được nâng niu về giá trị để người tiêu dùng thấy đây không phải là một sản phẩm giải cứu, để từ đó có thái độ, trách nhiệm sử dụng hiệu quả hơn.

Mục tiêu lớn nhất của mô hình kết nối tiêu thụ nông sản là giúp người tiêu dùng hiểu đúng giá trị của nông sản, biết được nông dân sản xuất ra sao và người nông dân phải thay đổi tư duy sản xuất thế nào để xã hội chung vai sát cánh, hợp tác tiêu thụ nông sản, chứ không phải bằng sự ban phát hay giải cứu.

Đó là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan sau cuộc làm việc giữa Bộ NN-PTNT với T.Ư Hội Nông dân Việt Nam, T.Ư Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và T.Ư Đoàn ngày 2.6 tại Hà Nội, bàn về mô hình điểm tiêu thụ nông sản an toàn mùa dịch Covid-19, sẽ được triển khai từ ngày 8.6.

Giải cứu làm mất giá trị nông sản

* Dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nhiều nông sản đang chờ được tiêu thụ. Ngay ở Hà Nội những ngày qua xuất hiện các điểm “giải cứu” nông sản diễn ra trên vỉa hè. Bộ trưởng nghĩ sao khi thấy những hình ảnh như thế?

- Ông Lê Minh Hoan: Chúng tôi rất tôn trọng tinh thần thiện nguyện, lá đành đùm lá rách, tương thân tương ái của người dân Việt Nam. Nhưng làm thiện nguyện không đúng cách sẽ nảy sinh những bất cập. Hình ảnh nông sản không còn đẹp đẽ khi bày dưới vỉa hè. Thậm chí, tôi còn nghe “giải cứu nông sản” bị lợi dụng để ép, hạ giá bán của người nông dân. Nếu không giải cứu, giá cả nông sản không đến nỗi xuống giá thấp.

Bộ NN-PTNT thấy cần phải có một mô hình mới để giữ được giá trị nông sản, bằng cách xây dựng mô hình kết nối cung cầu chính quy. Nông sản được nâng niu về giá trị để người tiêu dùng thấy đây không phải là một sản phẩm giải cứu, để từ đó có thái độ, trách nhiệm sử dụng hiệu quả hơn.

Người tiêu dùng không phải trên cương vị người bỏ tiền ra mua nông sản giúp bà con, mà là mua vì sức khỏe, quyền lợi của chính mình vì được sử dụng sản phẩm có chất lượng.

* Trước đây, để kích cầu tiêu thụ nông sản, Bộ NN-PTNT chọn doanh nghiệp có hệ thống, chuỗi phân phối lớn, nhưng lần này vì sao lại chọn các tổ chức đoàn thể để tổ chức kết nối tiêu thụ nông sản, thưa ông?

- Tôi biết T.Ư Hội Nông dân Việt Nam, T.Ư Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, T.Ư Đoàn đều có những điểm kết nối, tiêu thụ nông sản giúp nông dân. Ở mô hình này, Bộ NN-PTNT cùng với các đoàn thể sẽ gây dựng hình mẫu điểm tiêu thụ nông sản, vừa đảm bảo sự chuẩn mực về kết nối, đảm bảo quy định phòng dịch Covid-19.

Mục tiêu lớn nhất là mong muốn mọi người dân biết được giá trị của nông sản, biết được nông dân sản xuất ra sao. Và người nông dân thay đổi tư duy sản xuất để xã hội chung vai sát cánh tiêu thụ nông sản bằng sự hợp tác, cung - cầu chứ không phải bằng sự ban phát qua “giải cứu”. Người tiêu dùng có thể muốn “giải cứu”, muốn tiêu thụ giúp nhưng cách làm như thế nào để bảo vệ hình ảnh nông sản là rất quan trọng. Mô hình này sẽ tạo ra một hình ảnh khác cho nông sản chứ không phải là “giải cứu” gây tổn thương cho nền nông nghiệp, tổn thương cho nông dân.

Qua mô hình này, Bộ NN-PTNT khẳng định bên cạnh việc tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu, chúng tôi cũng quan tâm đến thị trường nội địa 100 triệu dân, đồng thời định hình lại toàn bộ chuỗi cung - cầu sao cho chủ động hơn, bớt dần sản xuất tự phát, giải cứu tự phát. Tôi hy vọng mô hình này sẽ tạo thành hệ sinh thái, giúp cho mục tiêu phát triển bền vững, không phải là nền nông nghiệp chỉ phụ thuộc vào giải cứu mà là sự phát triển minh bạch, có sự tham gia của tất cả các bên.

Không để thu hoạch xong mới đi tìm nơi bán!

* Việc kết nối tiêu thụ nông sản do Bộ NN-PTNT và các đoàn thể thực hiện sẽ có tác động ra sao đến hoạt động “giải cứu nông sản” tự phát trước đây do các cá nhân, đơn vị tự tổ chức, và nếu làm thì họ sẽ phải đáp ứng các điều kiện ra sao để chuẩn hóa, định vị lại việc này, thưa Bộ trưởng?

- Chúng tôi chọn khẩu hiệu xây dựng Điểm tiêu thụ nông sản an toàn trong dịch Covid-19 lần này là: Nâng niu giá trị nông sản Việt - San sẻ yêu thương - Vượt qua đại dịch. Bộ nhận diện các điểm này sẽ có logo của 4 đơn vị để chứng minh rằng đây là một điểm kết nối tiêu thụ nông sản được tổ chức bài bản, chứ không phải “giải cứu”. Nói cách khác, vẫn là giúp nông dân tiêu thụ nông sản nhưng làm bài bản, chính quy hơn.

Chúng ta không có quyền cấm các cá nhân, tổ chức thiện nguyện tiêu thụ nông sản giúp nông dân, thậm chí ở một thời điểm nào đó, việc này góp phần giảm bớt áp lực. Điều quan trọng, chúng ta cần hướng những điểm thiện nguyện này vào một cách làm chuyên nghiệp.

Bản thân Bộ NN-PTNT hay các tổ chức chính trị - xã hội không thể nào đảm đương được hết câu chuyện kết nối cung cầu tiêu thụ nông sản cho nông dân. Chúng ta vẫn cần nhiều mô hình kết nối cung cầu một cách tự nguyện nhưng hướng tới những mô hình có sự chuẩn hóa, có sự rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa đảm bảo chất lượng, mẫu mã...

* Nông nghiệp Việt Nam đã có nhiều “giải cứu” từ mùa vụ này cho đến mùa vụ khác, và với mô hình lần này, Bộ NN-PTNT kỳ vọng sẽ giải quyết dứt điểm câu chuyện này như thế nào, thưa Bộ trưởng?

- Trong tuần tới, Bộ NN-PTNT làm việc với 9 tập đoàn bán lẻ lớn, bàn kế hoạch thành lập Hiệp hội Tiêu thụ nông sản Việt Nam. Để kết nối tốt giữa cung - cầu, Bộ NN-PTNT sẽ chủ động xây dựng cơ sở dữ liệu đầu cung cụ thể về quy mô sản lượng bao nhiêu, chất lượng như thế nào, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, chứng nhận tiêu chuẩn an toàn ra sao và để các trung tâm bán lẻ, tập đoàn phân phối lớn kết nối được dữ liệu đầu cung để có kế hoạch tiêu thụ chủ động hơn.

Thời gian tới, chúng tôi quyết tâm không để tình trạng nông sản thu hoạch xong mới tìm nơi bán, mà ngay từ đầu vụ, các địa phương phải cung cấp cho Bộ NN-PTNT các dữ liệu kế hoạch sản xuất, dự kiến sản lượng, tiêu chuẩn chất lượng… Bộ NN-PTNT sẽ giao Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản chuyển dữ liệu này cho các hiệp hội để cùng phân tích lên phương án tiêu thụ.

Tôi cho rằng khi đã chuẩn hóa trong kết nối cung - cầu thì nông dân cũng phải thay đổi quy trình canh tác, có trách nhiệm với sản phẩm mình làm ra. Mô hình tiêu thụ nông sản không chỉ áp dụng trong mùa dịch Covid-19, mà còn đặt nền tảng, cơ sở để thay đổi tư duy làm nông nghiệp của người dân. Tôi tin khi ấy nông nghiệp không còn rủi ro mùa vụ, đứt quãng cung cầu.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả