Kẹt cứng ở sân bay Tân Sơn Nhất: Tổ chức, điều hành quá kém!
Cảnh hành khách rồng rắn chen chúc, nhiều lúc chỉ nhích từng chút ở khâu soi chiếu an ninh cảng HKQT Tân Sơn Nhất kéo dài chưa được giải quyết khiến nhiều doanh nghiệp hàng không - lữ hành, người dân "kêu trời".
Nếu để tiếp tục kéo dài, theo nhiều doanh nghiệp, sẽ cản trở nhu cầu đi lại của hành khách, thậm chí ảnh hưởng đến sự phục hồi của ngành hàng không và du lịch. Ngoài lý do về năng lực tổ chức, điều hành, ùn tắc trầm trọng còn liên quan đến một quy định mà Cục Hàng không Việt Nam vừa "áp" xuống?
Mệt nhoài ở sân bay!
Anh Nguyễn Văn Năng (Q.Bình Thạnh), hành khách có chuyến bay từ TP.HCM - Đà Nẵng, cho biết đến sân bay lúc 5h sáng để kịp khởi hành chuyến bay 6h30. Anh đã check-in online và khai báo y tế đầy đủ.
Sáng 17-4, anh tính chỉ tốn 10-15 phút để hoàn tất thủ tục an ninh, vẫn dư thời gian để tranh thủ ăn sáng. Tuy nhiên, anh sững sờ khi đến sân bay và chứng kiến dòng người đông nghẹt đang xếp hàng dài chờ đợi.
Ngay cả lối đi ưu tiên cũng đông kín khách, người già, trẻ em cùng hành khách cận giờ bay chật vật chờ "giải cứu".
"Tôi nhích từng chút, tới được 50% đoạn đường tới lối soi chiếu là mướt mồ hôi vì chật chội chen lấn rất nóng nực. Nhiều người phản ứng thủ tục an ninh quá chậm, không có phương án giải tỏa khách. Xếp hàng gần 40 phút chưa xong. Để kịp giờ chuyến bay, tôi muối mặt vừa nói lời xin lỗi, vừa len tới nơi soi chiếu vì sắp trễ giờ dù biết nhiều người khó chịu. Khi qua được khu soi chiếu, tôi mới thực sự hoàn hồn. Đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến cảnh này" - anh Năng nói.
Nhiều hành khách khác lại không được may mắn như anh Năng. Như chị Thu Thủy (Q.6) đi chuyến bay của Vietnam Airlines từ TP.HCM - Huế sáng 15-4.
Chị Thủy cho biết đã bị "choáng" tới 2 lần, một là xếp hàng chờ ở lối lên cầu thang hướng vào khu soi chiếu. Hai là đến sảnh soi chiếu thì đối diện với trùng điệp người "chôn chân".
Chị Thủy đã mất tới 45 phút để chờ tới lượt qua soi chiếu. Đến cửa ra máy bay thì chị nhận thông báo như "sét đánh ngang tai": máy bay đã lăn ra khỏi đường băng và chị bị lỡ chuyến bay. Nhân viên hướng dẫn chị quay lại quầy đại diện của hãng để được hỗ trợ mua vé khác, nếu có nhu cầu bay tiếp.
"Khách phải đóng phí sử dụng dịch vụ cảng, phí soi chiếu... mà chất lượng phục vụ từ phía sân bay lại gây hậu quả lỡ chuyến, gây thiệt hại cho khách. Cuối cùng chỉ khách hàng chịu thiệt thòi là không công bằng. Tôi cho rằng chất lượng phục vụ của sân bay chưa tốt, nếu thấy đông đúc, có nguy cơ vỡ trận thì phải phản ứng nhanh như tăng thêm nhân viên, bố trí lối đi phù hợp" - chị Thủy bức xúc nói.
Thực tế, ghi nhận của Tuổi Trẻ nhiều ngày qua tại cảng HKQT Tân Sơn Nhất cho thấy tình hình đi lại của hành khách luôn đông đúc, trong khi nhiều hành khách vẫn còn lúng túng trong việc khai báo y tế. Không ít khách sợ trễ chuyến, nhốn nháo chen lấn khiến tình hình thêm căng thẳng.
Riêng trong ngày 17-4, đã có 40 - 60 hành khách của Vietjet, Bamboo Airways lỡ chuyến bay vì một số lý do, trong đó có người bị kẹt ở khâu an ninh.
Càng ùn tắc hơn khi thêm quy định mới
Đại diện cảng HKQT Tân Sơn Nhất lên tiếng cho biết tình trạng ùn tắc ở sân bay này là do nhu cầu đi lại của hành khách tăng mạnh, trong đó có khách du lịch.
Cảng này dẫn số liệu thống kê cho thấy khách hàng đi lại đông như ngày 14-4 có khoảng 64.000 lượt khách, ngày 15-4 đón 77.000 lượt khách, ngày cuối tuần 17 và 18-4 đạt 80.000 - 85.000 lượt khách đi đến/ngày. Trung bình mỗi ngày Tân Sơn Nhất đạt 500 - 570 chuyến bay.
Tuy nhiên, tìm hiểu của Tuổi Trẻ, lý do mà đại diện cảng HKQT lý giải việc ùn tắc ở khâu soi chiếu do khách đi lại đông chỉ đúng một phần và chưa đầy đủ. Bởi lượng hành khách đi lại ở Tân Sơn Nhất hiện nay vẫn nằm trong khả năng đủ đáp ứng, nếu tổ chức tốt.
Ghi nhận của Tuổi Trẻ cho thấy từ ngày 15-4, ngoài việc kiểm tra thủ tục giấy tờ, soi chiếu hành lý, lực lượng an ninh ở sân bay còn "gánh" thêm một nhiệm vụ là kiểm tra ngẫu nhiên trực quan 10% hành khách qua khâu soi chiếu an ninh.
Theo tìm hiểu, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu cảng HKQT Tân Sơn Nhất từ ngày 15-4 thực hiện theo quy định của thông tư 41 của Bộ GTVT: kiểm tra bổ sung ngẫu nhiên tối thiểu 10% (bao gồm kiểm tra trực quan hoặc kiểm tra bằng dụng cụ, thiết bị...) sau kiểm tra an ninh hàng không lần đầu đối với hành khách, hành lý xách tay.
Việc kiểm tra trực quan ngẫu nhiên được thực hiện tại điểm kiểm tra an ninh hàng không hoặc đưa hành khách vào buồng lục soát khi có yêu cầu (của hành khách hoặc cấp có thẩm quyền).
Việc kiểm tra trực quan bảo đảm tỉ lệ kiểm tra được phân đều, liên tục trong thời gian hoạt động của điểm kiểm tra an ninh trong ngày. Việc kiểm tra bổ sung ngẫu nhiên 10% này đang thí điểm tại Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất trong tháng 4.
Một cán bộ an ninh soi chiếu ở sân bay Tân Sơn Nhất cho rằng việc triển khai này vô hình trung gây ra khó khăn cho khách hàng. Kiểm tra ngẫu nhiên 10% số lượng hành khách xuất phát từ Tân Sơn Nhất mỗi ngày là rất lớn, chắc chắn sẽ thêm ùn tắc trầm trọng.
Trường hợp tổ chức kiểm tra 10% ngẫu nhiên, theo vị này là phải tính ở thời điểm nào, máy soi nào chứ không phải tổ chức tất cả, thậm chí cần bố trí thêm nhân sự hoặc có bàn, làn kiểm tra riêng để tránh trường hợp hành khách bị bất ngờ hoặc cho rằng nhân viên an ninh làm khó dễ...
Khách đông hay năng lực quản lý quá kém?
Tuy vậy, theo tìm hiểu, năng lực bố trí giải tỏa khách cũng như năng lực soi chiếu của hệ thống máy ở sân bay Tân Sơn Nhất vẫn chưa hoạt động hết công suất.
Về hạ tầng, riêng ga quốc nội Tân Sơn Nhất mới đây đã mở rộng sảnh nhà ga, tăng máy soi chiếu, tổng cộng gồm 24 máy. Trung bình một máy soi chiếu phục vụ 180 khách/giờ, nếu hoạt động đúng công suất, 24 máy sẽ phục vụ cho hơn 100.000 lượt khách/ngày.
Thực tế hiện nay sản lượng khai thác ở sân bay Tân Sơn Nhất cao điểm đạt 70.000 - 80.000 khách/ngày. Mới đây, 1-3 là ngày cao điểm, lượng khách qua Tân Sơn Nhất đạt 85.492 lượt hành khách, nhưng cơ bản không ùn tắc.
Như vậy, có thể thấy số lượng hành khách qua Tân Sơn Nhất có tăng nhưng không nhiều đến nỗi để phải ùn tắc kéo dài như hiện nay. Nên có ý kiến đặt vấn đề quản lý quá kém ở cảng.
Hãng bay, công ty phục vụ mặt đất thì đang phải tính tốn thêm nhân sự, đội thêm chi phí. Như đại diện Pacific Airlines cho biết đã nắm bắt tình hình ùn ứ ở sân bay nên hãng tăng cường thêm nhân viên hỗ trợ, tìm kiếm khách hàng cận giờ bay để ưu tiên phối hợp với an ninh nhanh chóng hoàn tất thủ tục. Vị này cho rằng tình trạng này nếu không được giải quyết sẽ diễn ra trầm trọng hơn vào dịp lễ 30-4 và 1-5.
Doanh nghiệp lo lắng
Nhiều doanh nghiệp du lịch lữ hành bày tỏ lo ngại việc ùn tắc ở sân bay Tân Sơn Nhất trong vài ngày qua sẽ ảnh hưởng đến việc đi lại của hành khách trong dịp lễ 30-4 và dịp hè tới, cản trở sự phục hồi của ngành du lịch, hàng không hậu COVID-19.
Bà Trần Thị Bảo Thu - giám đốc tiếp thị và truyền thông Lữ hành Fiditour - cho rằng cứ dịp lễ hay cao điểm du lịch, đơn vị lữ hành tổ chức tour không tránh khỏi việc nhóm khách bị kẹt ở an ninh hoặc chuyến bay bị delay... Điều này gây tâm lý không vui vẻ cho khách hàng, ảnh hưởng cả một chuyến đi du lịch mặc dù việc này công ty lữ hành hoàn toàn bị động.
Theo bà Thu, hình ảnh kẹt ở khâu an ninh sẽ là điều bất tiện trước sự kỳ vọng đón lại thị trường khách inbound (khách nước ngoài đến Việt Nam) lưu thông ở thị trường nội địa. Do đó, bà Thu cho rằng ngành hàng không phải tính toán các phương án tốt nhất, sẵn sàng để phục vụ dịp cao điểm sắp tới.
Sẽ tổ chức lại cho phù hợp
Lãnh đạo cảng hàng không Tân Sơn Nhất xác nhận có tình trạng ùn tắc và cho hay việc kiểm tra ngẫu nhiên 10% sẽ được tổ chức lại cho phù hợp.
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 18-4, một lãnh đạo cảng HKQT Tân Sơn Nhất cho biết hiện tại cảng đã tăng cường nhiều biện pháp để giảm ùn tắc ở sân bay.
Sẽ tính lại...
Vị này xác nhận việc kẹt ở khâu soi chiếu vào những thời điểm trong ngày khi số lượng chuyến bay tăng dồn dập. Đến thời điểm ngày 18-4, vị này cho biết công tác điều phối đã được triển khai nên bớt căng thẳng. Việc kiểm tra ngẫu nhiên 10% sẽ được tổ chức lại, phân bổ thời gian cho phù hợp.
Đại diện cảng HKQT Tân Sơn Nhất cũng cho hay đã có những biện pháp dự phòng đáp ứng phục vụ khách đi lại cao điểm lễ 30-4 và dịp hè. Cụ thể, sắp tới sẽ bổ sung phương án thêm một nơi để khách đi vào trong nhà ga nhanh hơn. Yêu cầu các hãng kiểm soát đúng hành lý xách tay của hành khách để giảm bớt "tay xách nách mang" nhiều hành lý qua khu vực soi chiếu, gây tốn thời gian. Ngoài ra, sẽ tăng thêm hàng chục nhân viên chỉ dẫn, trợ giúp cho hành khách.
"Sang tuần, chúng tôi sẽ phối hợp với các hãng bay xem xét tổng số lượng khách trên chuyến bay nhằm tính toán khả năng đáp ứng. Nếu trường hợp cần thiết, cảng sẽ mở thêm một phần ở ga quốc tế phục vụ hành khách. Khi mở sang hướng phục vụ một phần ở nhà ga quốc tế, chi phí tăng lên rất nhiều. Tất nhiên, chúng tôi nghiên cứu để làm sao có phương án phục vụ tốt nhất cho hành khách" - vị này nói.
Với ý kiến cho rằng sân bay Tân Sơn Nhất tổ chức, quản lý yếu kém, vị lãnh đạo sân bay Tân Sơn Nhất cho rằng khó có thể nói hết được nguyên nhân dẫn đến việc này. Còn năng lực, chất lượng phục vụ khách hàng thì hệ thống của Cục Hàng không Việt Nam và cảng... sẽ đánh giá chính xác hơn.
Không để tăng chi phí
Trao đổi với Tuổi Trẻ, tổng giám đốc của một công ty kinh doanh trong sân bay cho biết việc ùn ứ ở sân bay không chỉ hành khách mà cả hãng hàng không, đơn vị dịch vụ mặt đất cũng bị ảnh hưởng, đội chi phí.
Vị này cho biết việc kiểm tra trực quan 10% ngẫu nhiên khó có thể nói nên hay không trong thời điểm này. Một số nước có an ninh chính trị bất ổn hay áp dụng, Việt Nam áp dụng nhưng cũng không nên cứng nhắc.
"Nếu có mặt bằng, bố trí kiểm tra 10% cần ra chỗ khác để bớt ùn ứ. Dịp hè kỳ vọng du lịch phát triển, ngành hàng không cũng có cơ hội khôi phục. Chọn áp dụng thời điểm này sẽ gây khó khăn cho các đơn vị hàng không" - vị này nói và cho rằng áp dụng ở thời điểm nào, nên chọn lúc hạ tầng đã đáp ứng được.
Một lãnh đạo doanh nghiệp cũng lo ngại sẽ đội chi phí của các đơn vị liên quan như hãng bay, đơn vị phục vụ mặt đất vì phải tăng thêm nhân sự hỗ trợ khách hàng. Máy bay cứ trễ 5 phút là gia tăng thêm chi phí cho hãng... Đồng thời, việc khai báo y tế cũng cần được tinh giản, không cứng nhắc như hiện nay. "Hàng không có kiến nghị đối với nhóm khách là gia đình sẽ được phép khai chung thông tin cùng 1 mã QR Code để giảm tải bớt việc riêng lẻ từng người nhưng vẫn không được chấp thuận" - vị này nói.
"Do anh em làm gắt quá"
Trước thực tế tại sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM), trả lời Tuổi Trẻ, ông Đinh Việt Thắng - cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam - cho biết cục đã cử đoàn công tác vào bàn phương án giải tỏa hành khách qua khu vực soi chiếu an ninh.
Ông Thắng thừa nhận nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân kiểm tra trực quan xác suất 10% mà báo Tuổi Trẻ ghi nhận.
Không phải chờ quá 30 phút?
Theo ông Thắng, từ ngày 17, 18-4, kết quả bấm giờ của cán bộ Cục Hàng không cho thấy không còn khách nào quá 30 phút chờ làm thủ tục soi chiếu an ninh tại sân bay Tân Sơn Nhất.
Ông Thắng cho rằng việc ùn ứ tại khu vực soi chiếu an ninh Tân Sơn Nhất mấy ngày trước đây có nhiều nguyên nhân. Thứ nhất là nhà ga quốc nội Tân Sơn Nhất nhỏ, quá tải, mặt bằng khu vực soi chiếu an ninh nhỏ và không thể lắp thêm số cửa soi chiếu.
Ông Thắng công nhận có lý do nữa là sắp tới dịp lễ 30-4 và 1-5 cần tăng cường an ninh nên ngành hàng không kiểm tra, soi chiếu an ninh chặt hơn. Việc kiểm tra trực quan xác suất 10% với hành khách đi máy bay (10 người đi thì kiểm tra xác suất 1 người) được thực hiện theo quy định quốc tế.
"Việc này bắt buộc phải làm với phương châm vừa đảm bảo an ninh, vừa đảm bảo cho khách đi lại thuận tiện. Nhưng mấy hôm đầu anh em làm gắt quá cũng là một nguyên nhân gây ùn tắc. Sau đó cục cử đoàn công tác vào họp xử lý điều chỉnh lại" - ông Thắng cho biết và tái khẳng định 2 nguyên nhân chính khiến soi chiếu an ninh ở sân bay Tân Sơn Nhất ùn ứ mấy ngày qua là khách đông đột biến và nhiều người tới nơi mới khai báo y tế.
Cụ thể, mấy hôm vừa rồi khách đi máy bay nội địa tăng đột biến lên tới 80.000 khách/ngày, cao hơn 30% so với cùng kỳ những năm trước, kể cả những năm chưa xảy ra đại dịch COVID-19. Lượng khách đi nội địa gần bằng tổng lượng khách bay quốc tế lẫn nội địa so với cùng kỳ nhưng chỉ làm thủ tục tại nhà ga nội địa.
Hầu hết khách đi máy bay nội địa chủ yếu tập trung vào đầu giờ buổi sáng khiến khu vực soi chiếu an ninh ga nội địa Tân Sơn Nhất thêm quá tải.
Thứ nữa là nhiều hành khách đến sân bay mới khai báo y tế dù Cục Hàng không đã thông báo rộng rãi quy định khai báo y tế trước khi đến sân bay; yêu cầu các hãng thông báo cho khách khi mua vé trên website, qua đại lý; khi hành khách làm thủ tục tại quầy, tại kiốt ở sân bay cũng có người nhắc nhở, ai không biết khai thì hướng dẫn nhưng nhiều người coi thường việc này, nhiều khi viết không đúng vào tờ khai. "Khi còn ở nhà, chưa ra sân bay thì 1 người có thể khai báo y tế cho 5-7 người cũng được, người không biết khai thì nhờ con cháu khai hộ rồi in tờ khai, chụp lại mã khai báo mang đến sân bay kiểm tra sẽ thuận lợi hơn đến sân bay mới khai" - ông Thắng cho biết.
Huy động tất cả nhân viên
Để giải quyết tình trạng trên, cục trưởng Đinh Việt Thắng cho biết mấy hôm vừa rồi sân bay Tân Sơn Nhất đã huy động tất cả nhân viên an ninh hàng không, các bộ phận liên quan ra trực, hỗ trợ khách đi máy bay.
Tại khu vực soi chiếu an ninh nhà ga quốc nội cũng đã triển khai hết mặt bằng phục vụ khách, đưa cả máy soi chiếu lối đi nội bộ vào phục vụ hành khách...
Ông Thắng cho biết sân bay Tân Sơn Nhất đã huy động nhân viên an ninh hàng không làm việc tại khu vực nhà ga quốc tế sang làm việc tại ga quốc nội nên không cần huy động an ninh hàng không từ các sân bay ít khách đến Tân Sơn Nhất. Nguyên nhân chính là hạ tầng của nhà ga quốc nội Tân Sơn Nhất quá chật so với lượng khách tăng, không còn mặt bằng để bố trí thêm các làn, cửa soi chiếu an ninh. Việc này sẽ được giải quyết triệt để khi có thêm nhà ga hành khách T3.
Tính trưng dụng thêm một phần nhà ga quốc tế
Để đảm bảo việc hành khách đi lại được thuận tiện, giảm thời gian chờ làm thủ tục soi chiếu an ninh tại sân bay Tân Sơn Nhất trong dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5, cục trưởng Đinh Việt Thắng cho biết Cục Hàng không và cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đang tính phương án lấy một phần nhà ga quốc tế (hiện gần như không khai thác bởi COVID-19) để phục vụ khách đi nội địa. "Nhưng việc này phải làm phương án kỹ vì liên quan đến phân chia lại khu vực làm thủ tục của các hãng, phân luồng khách, thông báo cho khách biết, nếu làm không kỹ dễ rối loạn".
Về tình trạng ùn ứ tại khu vực soi chiếu an ninh, ông Đinh Việt Thắng khẳng định chỉ căng ở sân bay Tân Sơn Nhất vì khách đông và hạ tầng nhà ga hạn chế. Còn sân bay Nội Bài ít khách hơn sân bay Tân Sơn Nhất, lại có nhiều lối vào khu soi chiếu an ninh hơn và khu vực soi chiếu an ninh rộng hơn, dễ sắp xếp bàn ghế, kiểm tra trực quan nhanh chóng hơn nên không ảnh hưởng việc đi lại dịp lễ, tết.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận