Kênh bán lẻ trước 'phép thử'... dịch bệnh
Kênh bán lẻ đang phải chịu tác động tiêu cực trong ngắn hạn từ dịch bệnh virus Corona trong bối cảnh nhu cầu mua sắm yếu đi (ngoại trừ nhóm hàng thực phẩm thiết yếu). Đây cũng là lú các nhà bán lẻ cần hoàn thiện mô hình bán hàng đa kênh của mình trước “phép thử” này.
Hồi trước Tết Nguyên đán, dù là mùa cao điểm, nhưng lúc bước vào Diomond Plaza, điều khá thất vọng là thiếu đi cảnh nhộn nhịp mua sắm tại một trung tâm thương mại lâu năm ở ngay trung tâm quận 1 (Tp.HCM).
Đổi thói quen tiêu dùng
Còn thời điểm sau Tết hiện nay, với việc phòng tránh nguy cơ lây dịch virus Corona, nhất là tại những địa điểm đông người, khi trở lại trung tâm thương mại này thì thấy lượng khách lại càng đìu hiu hơn.
Ghi nhận của Thời báo Kinh Doanh những ngày qua tại một số trung tâm thương mại lớn ở Tp.HCM cho thấy tình trạng chung là vắng vẻ, thiếu đi bước chân của khách mua hàng do có tâm lý lo ngại dịch bệnh lây lan, giảm tụ tập và chi tiêu bên ngoài. Tương tự, không khí mua sắm tại chợ, siêu thị sau Tết cũng không quá đông đúc, sôi động, lượng khách tham quan mua sắm không nhiều.
Ngành bán lẻ được CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) dự báo là một trong 9 nhóm ngành bị ảnh hưởng tiêu cực của virus Corona. SSI lưu ý thói quen tiêu dùng có thể sẽ chuyển từ chợ truyền thống sang hình thức thương mại hiện đại hơn cũng như mua sắm trực tuyến để đảm bảo an toàn vệ sinh.
Anh Nguyễn Hữu Công, chủ một xưởng gia công trang sức bạc ở quận 6 (Tp.HCM), cho biết với dịch Corona cũng có chút ít lo lắng vì đầu ra sản phẩm đang gắn chặt với một số cửa hàng tại các trung tâm thương mại vốn đang chịu cảnh vắng khách. Tuy nhiên, thời gian qua, anh linh động phát triển thêm kênh bán hàng trực tuyến (online) để bán trực tiếp các trang sức bạc, nên đầu ra sau Tết được duy trì phần nào.
Trong khi đó, theo báo cáo nhanh mới đây của Bộ Công Thương về tình hình cung ứng hàng hoá thực phẩm thiết yếu tại hệ thống bán lẻ có cho rằng các doanh nghiệp (DN) dự báo nhu cầu của người dân đối với hàng hóa của hệ thống bán lẻ hiện đại sẽ tăng trong giai đoạn dịch bệnh, nên các siêu thị đã có kế hoạch chuẩn bị nguồn cung để đáp ứng nhu cầu tăng thêm này.
Cụ thể, hệ thống siêu thị BigC đã tăng gấp 3 lượng hàng dự trữ tại các kho để cung ứng cho thị trường; hệ thống siêu thị Saigon Co.op đã tăng 50% lượng hàng cung ứng cho hệ thống; hệ thống siêu thị Vinmart cũng tăng 30-50% lượng hàng cung ứng cho thị trường.
Ngoài ra, Bộ Công Thương chia sẻ qua trao đổi nhanh với một số hệ thống DN phân phối khác như Hệ thống siêu thị Lotte mart, Hệ thống siêu thị MM Megamarket, họ cho biết nguồn cung hàng hóa thực phẩm thiết yếu trong hệ thống vẫn được bảo đảm giá ổn định do chủ động hợp tác với nông dân và có các nguồn hàng từ các tỉnh phía Nam như Đà Lạt nên nguồn cung ổn định.
Gặp khó trong ngắn hạn
Bên cạnh việc cung ứng các mặt hàng thực phẩm thiết yếu phục vụ đời sống của người dân, các siêu thị cũng đã và đang làm việc với các nhà cung cấp khẩu trang (cả khẩu trang y tế và khẩu trang vải), nước sát khuẩn để tăng mạnh lượng cung cho thị trường.
Để hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng nông sản xuất khẩu đang bị ùn ứ do việc tạm đóng các cửa khẩu phụ, đường mòn lối mở, các siêu thị này cũng đang làm việc với các nhà cung cấp để tăng lượng bán và mở các đợt bán hàng cao điểm cho các mặt hàng như thanh long, dưa hấu trong hệ thống của mình (Big C dự kiến sẽ mở chiến dịch tiêu thụ 1.200 tấn thanh long, 2.000-3.000 tấn dưa hấu trên toàn hệ thống).
Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) đã xuống làm việc và kiểm tra nguồn hàng thực phẩm thiết yếu tại một số hệ thống siêu thị lớn (Big C, Saigon Co.op, Vinmart), cho thấy nguồn hàng thực phẩm thiết yếu của các siêu thị hiện được bày bán khá dồi dào, giá ổn định như trước Tết.
Giới quan sát cho rằng nhóm hàng hoá thực phẩm thiết yếu có thể giúp kênh bán lẻ hiện đại tiêu thụ tốt hơn so với nhóm hàng hóa lâu bền và bán lẻ xa xỉ có thể sẽ phải chịu ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh như hiện nay.
Theo lịch sử từ các dịch bệnh trong quá khứ, ngành bán lẻ hàng hóa tiêu dùng lâu bền, xa xỉ cũng sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực trong bối cảnh nhu cầu mua sắm yếu đi. Các nhà bán lẻ hay các nhà phân phối các sản phẩm hàng hóa tiêu dùng lâu bền, trang sức cũng như bất động sản bán lẻ có thể sẽ gặp khó khăn nếu dịch bệnh chưa được kiểm soát.
Mặt khác, kênh bán hàng online được dự kiến sẽ tăng mạnh khi người tiêu dùng hạn chế đến các siêu thị, trung tâm thương mại để tránh khả năng lây nhiễm virus Corona. Điều này khiến cho lượt khách mua sắm tại các cửa hàng bán lẻ truyền thống sẽ giảm. Vì vậy, kênh bán lẻ sẽ chịu tác động tiêu cực trong ngắn hạn.
Trước “phép thử” từ dịch virus Corona, giới chuyên gia nhận định mạng lưới bán lẻ trực tuyến sẽ càng có cơ hội để vượt mặt kênh bán lẻ ngoại tuyến khi mà thói quen mua sắm đề cao sự tiện lợi, đảm bảm an toàn cho khách hàng đã và đang trở thành xu hướng mới.
Mặc dù vậy, do chỉ chịu tác động trong ngắn hạn từ dịch bệnh, nên đây là lúc các DN bán lẻ cần hoàn thiện mô hình bán hàng của mình, nhất là mô hình bán lẻ đa kênh để vừa cạnh tranh vừa giảm thiểu rủi ro.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận