Kén chọn vắc-xin khiến cuộc chiến chống Covid-19 gặp khó khăn
Nhiều người dân tại Brazil vẫn từ chối tiêm chủng nếu vắc-xin đó không đúng loại họ mong muốn. Điều này đã đẩy cuộc chiến chống Covid-19 tại nước này gặp rất nhiều khó khăn.
Đẩy lùi nỗ lực trong cuộc chiến chống Covid-19
Brazil là một trong 3 quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới do dịch Covid-19. Hiện quốc gia này ghi nhận tổng cộng trên 19 triệu ca nhiễm và trên 532 nghìn ca tử vong. Tuy nhiên, nhiều người dân tại Brazil vẫn trì hoãn việc tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 để đợi đúng loại vắc-xin mà họ mong muốn.
Truyền thông địa phương gọi họ là “những người kén chọn vắc-xin”. Mặc dù chưa có số liệu chính thức về “những người kén chọn vắc-xin” tại Brazil song hàng chục thành phố ở quốc gia này đã có hành động để mạnh tay xử lý.
Tại hai thành phố Bernado do Campo và Caetano do Sul của bang Sau Paulo, những người từ chối một số loại vắc-xin cụ thể sẽ bị đưa xuống cuối danh sách tiêm chủng. Những người này sẽ chỉ được tiêm vắc-xin sau khi tất cả người đủ 18 tuổi trở lên đã được tiêm chủng.
Thành phố Recife tại bang Pernambuco thông báo những người kén chọn, từ chối tiêm vắc-xin sẽ phải chờ ít nhất 60 ngày trước khi có thể đăng ký tiêm chủng lại.
Tuần trước, lãnh đạo thành phố Guarapari tại bang Espírito Santo cho biết, người dân sẽ không được thông báo về loại vắc-xin họ sẽ được tiêm khi đặt lịch hẹn tiêm chủng.
Các chuyên gia y tế cộng đồng Brazil nhận định thực trạng này cùng với việc tiếp nhận những thông tin sai lệch đang đe dọa phá hoại chiến dịch tiêm chủng của quốc gia.
Alexandre Naime Barbosa, giáo sư về bệnh truyền nhiễm tại Đại học São Paulo cho biết: “Những người đó đang tự đặt mình vào tình thế nguy hiểm và dẫn đến khiến toàn bộ hệ thống gặp nguy hiểm. Điều này cho thấy sự thiếu đồng cảm, đó là sự ích kỷ lớn”.
Xu hướng này diễn ra khi nhiều quốc gia đã tiêm chủng cho phần lớn dân số của họ và đang dần dỡ bỏ các hạn chế.
Vắc-xin tốt nhất chính là loại sẵn có
Hiệp hội Tiêm chủng Brazil cho biết hầu hết việc kén chọn là do mọi người từ chối tiêm vắc-xin Sinovac của Trung Quốc hoặc AstraZeneca. Thay vào đó, họ muốn được tiêm vắc-xin của Pfizer và Johnson & Johnson.
“Ban đầu, nhiều người không muốn tiêm vắc-xin CoronaVac của Sinovac và giờ đây tới lượt AstraZeneca. Họ đã tiếp cận với một số nguồn tin không chính xác”, y tá Luiz Carlos de Souza e Silva tại một phòng khám ở Rio de Janeiro, chia sẻ.
Mặc dù trước đó, trong các đợt thử nghiệm, vắc-xin CoronaVac chỉ đạt tỷ lệ hiệu quả 50% trong việc ngăn ngừa lây nhiễm có triệu chứng, so với 76% đối với Astrazeneca và 95% đối với Pfizer song trên thực tế, giới chuyên gia y tế cộng đồng khẳng định CoronaVac hiệu quả khi giảm số lượng người nhập viện và tử vong.
“Khi xét đến số người nhập viện và các trường hợp tử vong, tất cả các loại vắc-xin mà Brazil sử dụng đều có tính hiệu quả cao”, ông Barbosa cho biết.
Tại Serrana, một thị trấn ở bang Sao Paulo, nơi gần như toàn bộ dân số trưởng thành được tiêm vắc-xin CoronaVac. Theo nghiên cứu, tỷ lệ tử vong đã giảm 95%, nhập viện giảm 86% và nhiễm trùng có triệu chứng giảm 80%.
Các chuyên gia sức khỏe cộng đồng Brazil cũng nhấn mạnh rằng nguy cơ hình thành cục máu đông do tiêm vắc-xin AstraZeneca là cực kỳ hiếm.
Dimas Covas, Chủ tịch Viện Butantan - một trong những trung tâm nghiên cứu y sinh hàng đầu của Brazil, nhấn mạnh: “Kén chọn vắc-xin là một hành động thiếu hiểu biết và thiếu cam kết vì sức khỏe cộng đồng”.
“Vi rút đang hoành hành dữ dội, rất nhiều người đã nhiễm nhưng chỉ một số ít được tiêm chủng và hầu như mới tiêm một liều. Việc chờ đợi loại vắc-xin này hay vắc-xin kia là cực kỳ nguy hiểm cho bản thân họ và cả cộng đồng”, Atila Iamarino, chuyên gia vi rút học tại Đại học Sao Paulo, cảnh báo.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận