Kế hoạch sống chung với "căn bệnh đặc hữu" Covid-19 của Đông Nam Á
Các quốc gia Đông Nam Á như Indonesia, Malaysia, Campuchia, Thái Lan... đang từng bước mở cửa nền kinh tế nhằm sống chung đại dịch Covid-19 về lâu dài.
Theo tờ The Straits Times, Malaysia đang chuẩn bị sống chung với dịch Covid-19 và từng bước mở cửa nền kinh tế, xem như Covid-19 bước vào giai đoạn ''bệnh đặc hữu'', nghĩa là người dân phải có trách nhiệm hơn khi cả nước sống chung với SARS-CoV-2.
Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Quốc tế Malaysia Mohamed Azmin Ali hôm qua cho biết, nước này sẽ bắt đầu ứng phó với Covid-19 như một ''căn bệnh đặc hữu'' vào khoảng cuối tháng 10. Trước đó vào đầu tháng 9, tân Bộ trưởng Y tế Khairy Jamaluddin cũng đưa ra kế hoạch dài hạn nhằm đối phó Covid-19, sau khi quốc gia này trải qua nhiều lần phong tỏa trong suốt 1 năm qua, gây thiệt hại cho nền kinh tế.
Theo trang The Edge Markets, Kế hoạch Phục hồi quốc gia Malaysia gồm 4 bước. Trong đó, bước 1 áp dụng giới hạn di chuyển toàn bộ trong thời điểm đại dịch diễn biến phức tạp khiến hệ thống y tế rơi vào tình trạng áp lực cao.
Vào giai đoạn 2, hệ thống y tế đã được giảm áp lực với số bệnh nhân tại các giường chăm sóc tăng cường giảm xuống mức trung bình, đây là thời điểm hoạt động kinh tế từng bước mở cửa và 80% lao động đi làm. Tuy nhiên cũng chỉ một số lĩnh vực hoạt động trở lại dựa trên quyết định của chính phủ, ví dụ như sản xuất xi măng phục vụ xây dựng, bán máy tính và thiết bị điện tử phục vụ làm việc tại nhà. Ở giai đoạn 2, vẫn chưa có hoạt động xã hội và đi lại liên bang.
Vào giai đoạn 3, mọi hoạt động kinh tế được phục hồi, trừ những lĩnh vực nguy cơ lây nhiễm Covid-19 cao và buộc phải tập trung đông người.
Chính phủ sẽ cân nhắc giai đoạn 4, cũng là giai đoạn cuối cùng, mở cửa mọi hoạt động thường ngày, cho phép nhiều hoạt động xã hội hơn và phục hồi đi lại liên bang, du lịch nội địa.
Các giai đoạn sẽ áp dụng theo từng khu vực và dựa theo đó bang Melaka sẽ bước vào giai đoạn 2, bang Negri Sembilan áp dụng giai đoạn 3 từ ngày 4/9.
Trong khi đó, tại nhiều khu vực của Indonesia, như thành phố Solo ở Trung Java và Malang ở Đông Java đã nới lỏng các biện pháp hạn chế kể từ ngày 31/8. Trước đó, giới chức cũng triển khai tương tự với Greater Jakarta, Bandung, Surabaya và một số khu vực khác.
Các điểm thờ tự được phép mở cửa trở lại với sức chứa 25% hoặc tối đa 30 người. Tương tự, nhà hàng có thể nhận 25% so với lượng thực khách tối đa. Trung tâm thương mại hoạt động với nửa công suất tổng thể. Ông Luhut Pandjaitan - Bộ trưởng Điều phối hàng hải và các Vấn đề đầu tư, cho biết số ca nhiễm toàn quốc đã giảm 90,4% kể từ 15/7. Tình hình sáng sủa hơn ở các đảo Java và Bali đông dân. Lượng người mắc mới giảm 94%.
Indonesia cũng đưa vào sử dụng ứng dụng PeduliLindungi nhằm hiển thị chứng chỉ tiêm chủng và tình hình dịch bệnh ở khu vực xung quanh người dùng. Đây là một phần trong chiến dịch nới lỏng các biện pháp giãn cách. Tất cả công ty và nhà máy được hoạt động nếu chia ca nhân viên, báo cáo qua ứng dụng PeduliLindungi và thực hiện một số biện pháp khác.
Còn tại Thái Lan, đặc biệt là ở các tỉnh thành, nơi sinh sống của 40% dân số, chiếm hơn 75% tổng sản lượng quốc nội (GDP), đang bị hạn chế nghiêm ngặt. Chính phủ đóng cửa tất cả cơ sở kinh doanh không thiết yếu, hạn chế đi lại giữa các tỉnh, chỉ cho phép người dân ra khỏi nhà từ 4 giờ đến 21 giờ.
Thời gian tới quốc gia Đông Nam Á này sẽ thận trọng mở cửa trở lại. Sự thay đổi chiến lược của nước này phản ánh bài phát biểu hồi tháng 6 của Thủ tướng Prayuth Chan-Ocha. Thủ tướng cho biết phần còn lại của đất nước sẽ được mở cửa trở lại vào tháng 10, nhằm giảm bớt những tổn thất của người dân mất thu nhập và yêu cầu người dân "sẵn sàng sống chung với một số rủi ro".
Hôm 30/8, người phát ngôn chính phủ Thanakorn Wangboonkongchan cho biết, dự kiến nước này sẽ mua được 140 triệu liều vaccine các loại vào cuối năm nay. Thủ tướng Prayut Chan-o-cha cũng chỉ đạo Bộ Y tế mua thêm vaccine tiêm cho trẻ em từ 12 - 18 tuổi nhằm chuẩn bị mở cửa trường học an toàn. Tuần trước, chính phủ nêu kế hoạch cấp "Thai Covid Pass" (hộ chiếu Covid-19 Thái Lan) cho người đã tiêm chủng, cho phép tới một số địa điểm như nhà hàng.
Tại Campuchia, Người Phát ngôn Bộ Y tế Or Vandine chia sẻ với Khmer Times rằng Bộ đang làm việc về chiến lược nới lỏng các biện pháp hạn chế.
Chiến lược này bao gồm việc chấp nhận Covid-19 sẽ còn kéo dài, và người dân cần thực hiện đúng chỉ dẫn của chính quyền cũng như có suy nghĩ tích cực hơn về dịch bệnh.
Bộ trưởng Kinh tế Aun Pornmoniroth đã trình “Lộ trình khôi phục du lịch Campuchia trong và hậu cuộc khủng hoảng Covid-19” cho Thủ tướng Hun Sen hôm 2/9, với 3 giai đoạn từ nay cho đến năm 2025. Mở cửa trở lại đất nước là điều vô cùng quan trọng để hồi phục kinh tế, trong bối cảnh du lịch đóng góp 12,1% vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2019.
“Nền kinh tế toàn cầu đang học cách chung sống với Covid”, nhà kinh tế cao cấp Katrina Ell của Moody’s Analytics nói với Khmer Times. “Một thành phần quan trọng đối với một nền kinh tế muốn phát triển mạnh trong một thế giới Covid là tiêm chủng. Campuchia đang đi đúng hướng, với gần 70% dân số trưởng thành được tiêm chủng đầy đủ. Hiệu quả thực sự của vaccine sẽ được thử nghiệm trong ngắn hạn đến trung hạn, khi các nền kinh tế dần loại bỏ những biện pháp kiểm soát di chuyển khi tỷ lệ tiêm chủng tăng lên.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận