menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Huỳnh Dương Bốn

Kế hoạch phục hồi kinh tế hậu Covid-19: Liên minh EU vẫn chưa đi đến đồng thuận

Trong cuộc họp thượng đỉnh giữa các nước thành viên liên minh châu Âu (EU) diễn ra giữa tháng 7, lãnh đạo của 27 nước thành viên đã không thể đi đến nhất trí về kế hoạch cho gói kích thích kinh tế trong giai đoạn hậu Covid-19.

Sau ngày đầu tiên của Hội nghị thượng đỉnh EU, các nhà lãnh đạo của khối vẫn chưa đạt được đồng thuận về kế hoạch phục hồi kinh tế đầy tham vọng cho thời kỳ hậu Covid-19, do vấp phải ý kiến phản đối từ nhóm nước theo chủ trương “thắt lưng, buộc bụng” mà đứng đầu là Áo và Hà Lan.

Gói kích thích kinh tế này đã được đưa ra đề xuất từ cuộc họp giữa tháng 6 vừa qua của liên minh EU. Theo đó, Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất gói ngân sách 1.100 tỷ euro của EU giai đoạn 2021-2027 và quỹ phục hồi kinh tế sau đại dịch trị giá 750 tỷ euro (tương đương 857 USD), giúp các nước thành viên khắc phục hậu quả kinh tế - xã hội do Covid-19. Gói kích thích kinh tế trị giá 750 tỷ euro được kỳ vọng sẽ giúp châu Âu vượt qua giai đoạn khủng hoảng nghiêm trọng nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới lần thứ 2. Tuy nhiên, đúng như lo ngại của giới quan sát, sau 12 giờ đàm phán căng thẳng cả ở phiên toàn thể và trong các nhóm nhỏ trong các cuộc họp diễn ra ngày 16/7, lãnh đạo của 27 nước thành viên đã không thể đi đến nhất trí về kế hoạch cho gói chi tiêu này.

Hiện nay, các vấn đề chính của thỏa thuận đang gây tranh cãi và chưa thể dẫn đến sự thống nhất giữa các thành viên trong khu vực liên quan đến các vấn đề còn tồn tại nhiều bất đồng gồm quy mô của quỹ hồi phục kinh tế, tỷ lệ giữa các khoản trợ cấp không phải hoàn trả và các khoản cho vay phải được hoàn trả, quy mô khoản tiền phải được hoàn trả trong ngân sách của EU đối với các nước giàu, cùng các quy định pháp lý liên quan đến các khoản tài trợ của quỹ.

Điểm gây tranh cãi nhất liên quan tới bản chất của việc cấp tiền cho những nước chịu ảnh hưởng nhất từ dịch Covid-19. Theo kế hoạch, Thủ tướng Đức - Angela Merkel mong muốn 500 tỷ euro sẽ được phân bổ như các khoản trợ cấp, trong khi 250 tỷ euro sẽ dưới hình thức các khoản vay dựa trên điều kiện mà các quốc gia có thể áp dụng. Để hưởng lợi từ chương trình, các nước sẽ phải xây dựng một kế hoạch đầu tư và cải cách phù hợp với những ưu tiên chính trị của EC, cụ thể là "thỏa thuận xanh". Kế hoạch phục hồi như vậy được coi là có lợi nhất cho Italy và Tây Ban Nha, hai quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất của đại dịch nhưng luôn bị đánh giá là những nước có kỷ luật ngân sách lỏng lẻo nhất. Kế hoạch này đang nhận được sự ủng hộ từ phía Pháp và Đức.

Tuy nhiên, phản đối lại đề xuất trên, 4 quốc gia theo chủ trương “thắt lưng, buộc bụng” gồm Hà Lan, Áo, Đan Mạch, Thụy Điển và sau đó thêm cả Phần Lan cho rằng, giá trị các khoản trợ cấp là quá cao, đồng thời yêu cầu đảo ngược lại lô-gic của kế hoạch, thậm chí là chỉ dưới hình thức các khoản vay, đã bày tỏ sự bất bình đối với đề xuất này. Cụ thể, Thủ tướng Áo Sebastian Kurz phản đối đề xuất hiện nay về gói hỗ trợ kinh tế, trong khi Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte từ chối rút lại yêu cầu về việc phải kiểm soát chặt chi tiêu đối với các quốc gia ở Nam Âu như Tây Ban Nha và Italia. Mặc dù vậy, đối với Tây Ban Nha và Italia, thì việc phải vay mượn để phục hồi lại đặt ra những vấn đề rủi ro, thậm chí là nguy hiểm về khả năng trả nợ trong dài hạn.

Một vấn đề gây chia rẽ khác là điều kiện cấp khoản vay. Hà Lan và những nước cùng trận tuyến cho rằng, châu Âu phải có quyền giám sát việc chi tiêu của những nước được hưởng lợi, bởi phần lớn số tiền này là từ ngân sách chung của khối. Không chỉ 4 nước kể trên tỏ ra không hài lòng, nhiều nước Đông Âu lo ngại họ sẽ chỉ nhận được những hỗ trợ không đáng kể trong kế hoạch phục hồi kỷ lục này của EU.

Phát biểu sau cuộc họp, Thủ tướng Séc Andrej Babis xác nhận giữa lãnh đạo các nước thành viên EU còn tồn tại nhiều quan điểm khác biệt và hiện không có bất cứ sự đồng thuận nào về quy mô gói cứu trợ giúp khôi phục kinh tế châu Âu. Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng thừa nhận khác biệt giữa các bên là rất lớn. Một số nguồn tin ngoại giao cho biết Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đã đề xuất cơ chế dùng “phanh khẩn cấp” đối với các khoản chi tiêu để giảm bớt lo ngại cho những nước có lập trường thận trọng như Hà Lan.

Theo kế hoạch, các nhà lãnh đạo EU sẽ nhóm họp trở lại để cố gắng tìm giải pháp phá vỡ thế bế tắc hiện nay. Thủ tướng Áo cho biết đã thảo luận với người đồng cấp Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bên lề hội nghị thượng đỉnh EU và để tìm ra một đề xuất mới.

Như vậy, trong bối cảnh nền kinh tế châu Âu đang chịu ảnh hưởng nặng nề do tác động của dịch Covid-19, cuộc khủng hoảng cũng một lần nữa cho thấy những chia rẽ sâu sắc không dễ hóa giải của liên minh hơn 70 năm tuổi này.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả