Kế hoạch năm 2022
Nhằm phát huy vai trò, nâng cao vị thế của ngành Xây dựng trong tình hình mới, trong năm 2022 các đợn vị trực thuộc Bộ Xây dựng, các đơn vị ngành Xây dựng tại địa phương sẽ có những kế hoạch, phương hướng cụ thể nhằm phát triển ngành Xây dựng theo hướng hiện đại, nhanh, bền vững trên nền tảng khoa học - công nghệ và đổi mới, sáng tạo.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng: Công tác phòng, chống tham nhũng và hoàn thiện thể chế là 2 nhiệm vụ mũi nhọn
Năm 2021, dưới sự chỉ đạo của Thanh tra Chính phủ, Bộ Xây dựng, Thanh tra Bộ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, có đóng góp quan trọng trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư xây dựng, bảo đảm trật tự, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của ngành Xây dựng.
Phát huy vai trò là đơn vị chủ trì tham mưu thực hiện công tác thanh tra tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; phát huy truyền thống tốt đẹp trong những năm qua, với tinh thần “đoàn kết, sáng tạo, kỷ cương, trách nhiệm”, Thanh tra Bộ sẽ thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cơ quan Thanh tra trong sạch vững mạnh, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao.
Ông Phạm Văn Bắc - Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng: Hoàn thiện cơ chế chính sách
Năm 2022 là năm bản lề trong việc thực hiện các Nghị quyết của Đại hội lần thứ XIII của Đảng, căn cứ Quyết định số 804/QĐ-BXD ngày 12/7/2021 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Chương trình hành động của ngành Xây dựng thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Trên cơ sở đó, năm 2022 Vụ Vật liệu xây dựng tập trung hoàn thiện có chế chính sách để quản lý nhà nước lĩnh vực VLXD ngày một hoàn thiện hơn.
Theo đó, Vụ Vật liệu xây dựng tiếp tục thực hiện tổ chức lập "Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm VLXD thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050"; Tổ chức triển khai chương trình phát triển VLXD không nung đến năm 2030 khi được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định ban hành; Tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện Đề án "Xây dựng lộ trình dừng sử dụng amiăng trắng để chấm dứt sản xuất tấm lợp amiăng vào năm 2030"; rà soát lại các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong lĩnh vực VLXD để bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn trong công việc quản lý nhà nước.
Đồng thời phổ biến và triển khai thực hiện các Chiến lược, đề án phát triển VLXD; đôn đốc triển khai các dự án phát triển VLXD xanh, thân thiện với môi trường. Xây dựng và chọn lựa có trọng tâm các đề án để phục vụ hiệu quả công tác quản lý ngành VLXD.
Ông Lê Văn Cư - Viện trưởng Viện Kinh tế Xây dựng: Tăng cường tư vấn về kinh tế xây dựng
Năm 2022, Viện Kinh tế xây dựng tiếp tục tổ chức xây dựng phương pháp xác định một số chỉ tiêu vĩ mô của ngành Xây dựng; Tổ chức thực hiện Báo cáo các giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm tư vấn đầu tư xây dựng; Hoàn thiện cách thức xác định một số chỉ tiêu có tính chất tổng hợp (suất vốn đầu tư, giá xây dựng tổng hợp, chỉ số giá xây dựng) để khắc phục bất cập trong việc sử dụng dữ liệu tính toán chỉ tiêu.
Tiếp tục rà soát, sửa đổi và bổ sung, hoàn thiện hệ thống định mức xây dựng hiện hành, đáp ứng yêu cầu quản lý chi phí đầu tư xây dựng. Xây dựng Đề án về kinh tế đô thị; Nghiên cứu đề xuất một số giải pháp về kinh tế để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp; Nâng cao chất lượng báo cáo đánh giá diễn biến thị trường BĐS phục vụ nhiệm vụ quản lý nhà nước. Nghiên cứu xây dựng lộ trình áp dụng BIM theo nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ giao; Nghiên cứu đề xuất các điều kiện, giải pháp để thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số ngành Xây dựng.
Ông Phạm Minh Hà - Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng: Đẩy mạnh thanh, kiểm tra để kiểm soát chất lượng công trình
Năm 2021, Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng đã chủ động triển khai và hoàn thành nhiệm vụ được giao, đảm bảo chất lượng và tiến độ yêu cầu. Trong đó, Cục đã chủ trì soạn thảo và trình ban hành 01 nghị định, 04 thông tư, 01 quyết định của Thủ tướng Chính phủ; thường xuyên trao đổi, làm việc về công tác quản lý chất lượng và an toàn xây dựng với các cơ quan chuyên môn ở địa phương, Bộ, ngành. Tổ chức kiểm tra công tác quản lý chất lượng, công tác nghiệm thu nhiều công trình quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp theo thẩm quyền. Trong đó, có trên 30 công trình quan trọng quốc gia được Thủ tướng Chính phủ giao cho Hội đồng kiểm tra Nhà nước về công tác nghiệm thu theo dõi. Cục đã chủ trì biên soạn và trình ban hành QCVN về an toàn trong thi công xây dựng thay thế cho QCVN 18:2021/BXD; tham mưu cho Bộ ban hành hướng dẫn tăng cường phòng chống dịch trên công trường xây dựng…
Trong năm 2022, Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau: Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật trong quản lý chất lượng và an toàn xây dựng; tăng cường công tác thanh, kiểm tra sự tuân thủ pháp luật đối với các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng; tiếp tục rà soát, cải cách và thực hiện giải quyết thủ tục hành chính đảm bảo hiệu quả, đúng quy định.
Bên cạnh đó, kiện toàn bộ máy giúp việc, quy trình kiểm tra nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động của Hội đồng kiểm tra Nhà nước về công tác nghiệm thu. Tiếp tục nghiên cứu, xây dựng trình ban hành các văn bản, quy trình hướng dẫn công tác đánh giá an toàn công trình trong quá trình khai thác sử dụng và các nội dung quan trọng của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong thi công xây dựng.
Ông Hoàng Quang Nhu - Cục trưởng Cục Quản lý hoạt động xây dựng: Đơn giản hóa thủ tục hành chính trong xây dựng
Năm 2022, với quyết tâm cao và tập trung, trách nhiệm, Cục Quản lý hoạt động xây dựng phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được lãnh đạo Bộ giao trong quản lý nhà nước về hoạt động xây dựng và thực hiện nhiệm vụ của cơ quan chuyên môn về xây dựng.
Cục tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau đây: Thực hiện Quyết định số 1963/QĐ-TTg ngày 22/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng. Đồng thời, tiếp tục rà soát, xây dựng phương án cắt giảm, đơn giản điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc các lĩnh vực hoạt động xây dựng.
Chủ trì nghiên cứu, xây dựng dự thảo Nghị định quy định cơ sở dữ liệu quốc gia về hoạt động xây dựng. Tiếp tục hoàn thiện dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định tổ chức lễ động thổ, lễ khởi công và khánh thành công trình xây dựng.
Xây dựng và hoàn thiện Quy chế phối hợp thẩm định dự án, thiết kế và dự toán xây dựng công trình của cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Xây dựng ban hành theo Quyết định số 1198/QĐ-BXD ngày 20/11/2017 để phù hợp với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng (Luật số 62/2020/QH/14).
Ông Nguyễn Thanh Hải - Phó giám đốc Sở Xây dựng Quảng Trị: Nâng cao chất lượng quy hoạch
Năm 2022, ngành Xây dựng Quảng Trị tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; Tăng cường thanh tra, kiểm tra, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong các lĩnh vực của Ngành, đặc biệt là trong quản lý đầu tư xây dựng và phát triển đô thị; Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và nâng cao tỷ lệ phủ kín quy hoạch; Phát triển đô thị một cách đồng bộ, theo quy hoạch, kế hoạch; Huy động các nguồn lực để phát triển NƠXH, nhà ở cho các đối tượng thu nhập thấp tại đô thị; Quản lý phát triển công nghiệp sản xuất VLXD theo hướng chế biến sâu, sản phẩm thân thiện với môi trường.
Đồng thời, tổ chức triển khai có hiệu quả, bảo đảm tiến độ thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Tỉnh ủy và UBND tỉnh phân công; Tập trung tham mưu, đề xuất UBND tỉnh ban hành các văn bản quy phạm pháp luật nhằm tăng cường quản lý quy hoạch xây dựng, quản lý chất lượng công trình, hạ tầng kỹ thuật đô thị, VLXD…
Ông Nguyễn Đại Viên - Giám đốc Sở Xây dựng Huế: Triển khai ứng dụng GIS Huế trong quản lý đô thị
Năm 2022, Sở Xây dựng Huế tiếp tục triển Quy hoạch chung đô thị Huế đến năm 2040, tầm nhìn năm 2060; Triển khai lập các đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng khu đô thị du lịch sinh thái các xã ven biển; Thẩm định và trình phê duyệt các đồ án quy hoạch và thiết kế đô thị trọng tâm; Quy hoạch phân khu Khu đô thị Thanh Tiên; Quy hoạch phân khu xây dựng Khu sân golf kết hợp đô thị biển Vinh Xuân (huyện Phú Vang); Điều chỉnh Quy hoạch phân khu Khu trung tâm phía Nam TP Huế; Quy hoạch phân khu các phường An Tây, An Đông, Thủy Biều... và các phường mới nhập địa giới hành chính TP Huế.
Triển khai ứng dụng GIS Huế trong quản lý không gian, kiến trúc đô thị; Triển khai Đề án ứng dụng công nghệ GIS 3D trong quản lý không gian đô thị, hạ tầng kỹ thuật đô thị… Tập trung triển khai đề án phân loại đô thị Phong Điền đạt tiêu chí đô thị loại V; Phân loại đô thị Huế đạt tiêu chí đô thị loại I trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế.
Triển khai Chương trình phát triển đô thị tỉnh Huế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt. Tham mưu UBND tỉnh phê duyệt Chương trình phát triển đô thị của các địa phương như: TP Huế mở rộng, thị xã Hương Trà, thị xã Hương Thủy, đô thị Phong Điền, đô thị Chân Mây - Lăng Cô. Tiếp tục nâng cấp các đô thị mới Thanh Hà (huyện Quảng Điền) và Vinh Hiền (huyện Phú Lộc) đạt tiêu chí đô thị loại V.
Ông Đào Vũ Việt - Giám đốc Sở Xây dựng Thanh Hóa: Tập trung 5 nhiệm vụ trọng tâm
Bước sang năm 2022, năm có ý nghĩa quan trọng, tạo cơ sở thực hiện mục tiêu kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, đặc biệt trong bối cảnh Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 37/2021/QH15 về một số cơ chế, chính sánh đặc thù phát triển Thanh Hóa.
Nắm bắt thời cơ thuận lợi, ngành Xây dựng Thanh Hóa đặt mục tiêu: Năm 2022, tổng giá trị gia tăng theo giá cố định đạt 19.939 tỷ đồng, tăng 13,6% so với thực hiện năm 2021 (trong 11,5% tăng trưởng kinh tế toàn tỉnh); tỷ lệ dân số đô thị được dùng nước sạch đạt 96%, tỷ lệ đô thị hóa đạt 37%; hoàn thành suất sắc nhiệm vụ được giao.
Để đạt được mục tiêu trên, Sở Xây dựng Thanh Hóa xác định 5 nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 gồm: Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; lập và quản lý quy hoạch xây dựng; Tăng cường công tác phát triển NƠXH; quản lý chi phí đầu tư xây dựng; quản lý trật tự xây dựng.
Ông Lê Tuấn Anh - Giám đốc Sở Xây dựng Quảng Bình: Tích cực quản lý về xây dựng
Năm 2022, Sở Xây dựng Quảng Bình tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao, với các chỉ tiêu: Tỷ lệ dân số được sử dụng nước sạch đạt 97% và tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 40%...
Nhiệm vụ trọng tâm năm 2022: Phổ biến sâu rộng Luật Xây dựng, Luật Kiến trúc, Luật Nhà ở, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Kinh doanh bất động sản… Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực xây dựng trên địa bàn; tăng cường quản lý quy hoạch xây dựng, nâng cao chất lượng các đồ án quy hoạch, cũng như nâng cao tỷ lệ phủ kín quy hoạch.
Tăng cường kiểm tra quản lý chất lượng công trình và công tác nghiệm thu công trình xây dựng; thực hiện thẩm định dự án, thiết kế cơ sở, thiết kế bản vẽ thi công, dự toán chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật. Khảo sát, công bố định kỳ giá VLXD; tiếp tục tăng cường hoạt động cấp thoát nước, hạn chế việc úng ngập trên địa bàn.
Đẩy mạnh triển khai chương trình phát triển nhà ở tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2021 - 2030. Tính đến việc hình thành một số đô thị đặc thù, gắn kết nhu cầu NƠXH, nhà ở công nhân lao động hoặc khu đất NƠXH, thu hút dân cư lấp đầy đô thị bằng các chính sách hỗ trợ. Hơn hết, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, đạo đức công vụ của cán bộ trực thuộc.
Ông Vương Tuấn Nghĩa - Giám đốc Sở Xây dựng Bắc Giang: Quy hoạch tạo động lực phát triển kinh tế
Bắc Giang đã khẳng định được tiềm năng trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, hướng tới xây dựng một trung tâm kinh tế năng động, với hàng chục KCN trên địa bàn tỉnh. Với yêu cầu phát triển đó, trong năm 2022, Sở Xây dựng Bắc Giang đặt trọng tâm vào 3 lĩnh vực: Quy hoạch, NƠXH và thiết lập trật tự trong xây dựng.
Trong quy hoạch, Bắc Giang tập trung quy hoạch mở rộng TP Bắc Giang, phát triển quy hoạch vùng, quy hoạch chung đô thị và bảo đảm phủ kín quy hoạch trên toàn tỉnh. Bên cạnh đó, Bắc Giang tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển NƠXH cho công nhân và NƠXH cho các đối tượng có thu nhập thấp, phấn đấu trong năm 2022 sẽ có 3 dự án NƠXH cho công nhân và 3 dự án NƠXH cho các đối tượng khác được triển khai.
Trật tự xây dựng là vấn đề quan trọng khi Bắc Giang đẩy mạnh phát triển các KCN, khu đô thị lớn trong thời gian tới. Để nâng cao chất lượng quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, Sở Xây dựng Bắc Giang đang xây dựng kế hoạch trực tiếp kiểm tra, giám sát đối với các hoạt động xây dựng trên địa bàn, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giải quyết dứt điểm các tồn tại vướng mắc, nhất là đối với các dự án xây dựng trọng điểm.
Ông Nguyễn Thành Hưng - Giám đốc Sở Xây dựng Hải Phòng: Xây dựng thành phố thông minh
Năm 2022, ngành Xây dựng Hải Phòng tập trung thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị, Chương trình hành động số 76-CTr/TU ngày 08/7/2019 của Ban Thường vụ Thành ủy, Kế hoạch số 86/KH-UBND ngày 19/3/2020 của UBND Thành phố về xây dựng, phát triển Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVI.
Hoàn thành và triển khai Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050. Tổ chức lập, triển khai Chương trình phát triển đô thị TP Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2035 và Đề án chỉnh trang đô thị, phân loại đô thị thành phố giai đoạn 2020 - 2025 nhằm mục tiêu xây dựng, chỉnh trang đô thị đến năm 2025 theo các tiêu chí đô thị loại I, hướng tới đô thị loại đặc biệt…
Tiếp tục tham mưu hoàn thiện thể chế, chính sách lĩnh vực xây dựng đảm bảo tuân thủ Luật, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Lệnh, Quyết định của Chủ tịch nước, Nghị định của Chính phủ và phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo chỉ đạo của UBND Thành phố.
Ngành Xây dựng đã đưa định hướng phát triển hạ tầng đô thị thông minh vào nội dung Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TP Hải Phòng đến năm 2040, định hướng đến năm 2050 (kỳ này) để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, làm cơ sở triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khung, hạ tầng công nghệ thông tin truyền thông (ICT), đưa ứng dụng công nghệ thông tin vào các bước lập quy hoạch đô thị cũng như quản lý thực hiện quy hoạch, xây dựng. Ngành Xây dựng chủ động phối hợp với ngành Thông tin và truyền thông để hoàn thiện “Đề án nhiệm vụ, giải pháp xây dựng TP Hải Phòng là thành phố thông minh giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030”.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận