Kế hoạch kinh tế mới của Trung Quốc có gì đặc biệt?
Thay vì giải cứu thị trường bất động sản, các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc đang mạnh tay đầu tư vào nhà máy và cố gắng giúp đỡ các chính quyền địa phương, theo tờ New York Times.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang dần chèo lái nền kinh tế sang hướng đi mới. Nước này không còn có thể tiếp tục dựa vào bất động sản và nợ địa phương để kích thích tăng trưởng. Thay vào đó, các nhà hoạch định chính sách đang mạnh tay đầu tư cho sản xuất và tăng nợ vay của chính quyền trung ương.
Dữ liệu công bố tuần trước cho thấy lần đầu tiên kể từ năm 2005, các ngân hàng do nhà nước kiểm soát đã bắt đầu hạn chế cho lĩnh vực bất động sản vay vốn. Thay vào đó, tín dụng đang được chuyển cho các nhà sản xuất, đặc biệt là trong những lĩnh vực tăng trưởng nhanh như xe điện và chip bán dẫn.
Xu hướng chuyển dịch từ cho vay bất động sản sang sản xuất cho thấy rõ sự ngần ngại của Bắc Kinh trong việc giải cứu thị trường bất động sản. Ngành xây dựng và nhà ở, chiếm khoảng 25% nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đang chứng kiến đợt lao dốc nặng nề nhất, cả về giá nhà, doanh số và đầu tư.
Cú hích đầu tư cho ngành sản xuất có thể sẽ thúc đẩy tăng trưởng đi lên trong những tháng tới, bù đắp thiệt hại mà lĩnh vực bất động sản gây ra.
Tuy nhiên, việc chính quyền trung ương tăng cường vay nợ thay cho chính quyền địa phương sẽ không giải quyết được núi nợ lớn đang đè nặng lên tăng trưởng dài hạn của Trung Quốc.
Ông Ding Shuang, nhà kinh tế cấp cao của Standard Chartered, nhận xét: “Tôi không nghĩ sự phát triển của nền kinh tế Trung Quốc sẽ gặp rắc rối trong ngắn hạn, nhưng chúng ta phải lo ngại về trung và dài hạn. Thị trường bất động sản vẫn chưa tạo được đáy”.
Cuộc khủng hoảng nhà đất ở Trung Quốc có nguồn gốc từ tình trạng đầu cơ nợ nần kéo dài 4 thập kỷ, đẩy giá nhà lên cao hơn nhiều so với mức bình thường có thể được biện minh bằng tiền thuê nhà hoặc thu nhập hộ gia đình. Các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc đã gây ra sự suy thoái gần đây của lĩnh vực này bằng cách bắt đầu hạn chế cho vay từ vài năm trước, và hiện tại không muốn giải cứu lĩnh vực này bằng cách tung ra một đợt cho vay mua nhà tràn lan khác.
Chính phủ tin rằng nền kinh tế Trung Quốc sẽ phục hồi trở lại vào năm 2023 sau khi các nhà lãnh đạo nước này dỡ bỏ hầu hết các hạn chế “không có Covid” vốn đã phá hủy nền kinh tế vào năm 2022. Nhưng sau đợt bùng nổ hoạt động ban đầu, tốc độ tăng trưởng đã chậm lại vào mùa xuân và mùa hè. Các lỗ hổng vẫn còn: Hoạt động sản xuất lại sụt giảm vào tháng trước, sau khi cho thấy sự tăng trưởng trong tháng 8 và tháng 9.
Tuần trước, tại một hội nghị do Chủ tịch Tập Cận Bình chủ trì, các quan chức Trung Quốc đã thảo luận về chính sách tài chính. Theo tuyên bố chính thức được phát hành sau đó, hội nghị đã ra chỉ thị rằng nguồn lực tài chính nên được phân bổ thêm cho các lĩnh vực sản xuất tiên tiến cũng như hỗ trợ cho các chính quyền địa phương.
Trong khi thị trường nhà đất gặp khó khăn, các nhà máy lại đang mọc lên nhanh chóng nhờ vào sự hỗ trợ tài chính của Bắc Kinh.
Trung Quốc đã xây dựng đủ nhà máy sản xuất tấm pin mặt trời để đáp ứng toàn bộ nhu cầu của thế giới. Nước này cũng có đủ nhà máy để chế tạo lượng ô tô mà thị trường nội địa, châu Âu và cả Mỹ cần. Và đến cuối năm 2024, Trung Quốc sẽ xây dựng được số nhà máy hóa dầu bằng với châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc cộng lại.
Các nhà kinh tế được mời đến sự kiện do Quỹ Tài chính Quốc tế tổ chức ở Quảng Châu thừa nhận rằng Trung Quốc đang đối mặt với khó khăn lớn nhất kể từ thập niên 1980. Song, họ kỳ vọng rằng các khoản đầu tư lớn và công nghệ sản xuất mới sẽ đem lại trái ngọt.
Các ngân hàng Trung Quốc đã cho lĩnh vực sản xuất vay ròng 680 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm 2023, tăng vọt từ mức 63 tỷ USD cùng kỳ năm 2019. Một phần số tiền được sử dụng để xây dựng ngành công nghiệp chất bán dẫn nhằm giúp Bắc Kinh đối phó với các hạn chế xuất khẩu của Mỹ cũng như để phục vụ cho những lĩnh vực như sản xuất ô tô và chế tạo tàu thuyền.
Nhiều nhà kinh tế lo ngại rằng việc đổ thêm tiền vào ngành sản xuất có thể sẽ không giúp giải quyết các vấn đề lớn của nền kinh tế tỷ dân.
Lĩnh vực ô tô đóng góp khoảng 6 - 7% cho GDP Trung Quốc, trong khi đó thì theo một số ước tính, bất động sản và những lĩnh vực liên quan lại chiếm đến 25% - 30% GDP. Do đó, việc bù đắp thiệt hại mà ngành bất động sản gây ra không hề dễ dàng.
Việc Trung Quốc vung tiền xây dựng nhà máy cũng có nguy cơ khiến những nước khác phản ứng. Rất có thể phần lớn sản lượng tăng thêm sẽ được bán ra nước ngoài bởi các hộ gia đình Trung Quốc đã cắt giảm chi tiêu.
Tuy nhiên, Mỹ và châu Âu không muốn thâm hụt thương mại với Trung Quốc tiếp tục tăng lên. Liên minh châu Âu (EU) đã mở cuộc điều tra nhắm vào trợ cấp chính phủ Trung Quốc dành cho xe điện, gây ra rạn nứt mối quan hệ giữa Brussels và Bắc Kinh.
Nhận thức được những rủi ro trên, Trung Quốc đang thu hút các nước đang phát triển. Ngành sản xuất của nhiều quốc gia có quy mô lớn nhưng đã quá cũ kỳ, tạo cơ hội cho hàng hóa xuất khẩu từ các nhà máy mới của Trung Quốc.
Mặt khác, kế hoạch kinh tế mới của Trung Quốc vẫn có một điểm cũ: dựa vào nợ vay để kích thích tăng trưởng. Nợ của các chính quyền địa phương đã leo lên gần 8.000 tỷ USD vào năm 2022. Khối nợ ẩn của các địa phương cũng có quy mô lên đến hàng nghìn tỷ USD. Tỷ lệ nợ/GDP của Trung Quốc cao hơn Mỹ và nhiều nước phát triển khác.
Yao Yang, Giám đốc Trường Phát triển Quốc gia tại Đại học Bắc Kinh, nhận xét rằng các nỗ lực kiểm soát nợ của chính phủ trong những năm qua vẫn chưa đem lại thành công.
Ông cho hay: “Giai đoạn 2014 - 2018 là cơ hội tốt để giảm khối nợ trong nền kinh tế, nhưng thay vào đó, nợ lại tăng vọt. Tình hình càng trở nên tồi tệ sau năm 2020. Điều này cho thấy những biện pháp giảm nợ trước đây không hiệu quả và thậm chí còn phản tác dụng trong một số trường hợp”.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận