menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Lê Nguyễn Trường Giang

Kế hoạch của Nga và Trung Quốc nhằm thiết lập một trật tự thế giới mới

Đối với Moskva và Bắc Kinh, cuộc khủng hoảng Ukraine là một phần của cuộc đấu tranh nhằm làm suy giảm quyền lực của Mỹ và khiến cho thế giới trở nên an toàn hơn đối với các nhà lãnh đạo chuyên quyền.

Liên minh phương Tây đã đe dọa sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt quy mô lớn chưa từng có nếu Nga tấn công Ukraine. Tuy nhiên, khi cuộc khủng hoảng Ukraine lên đến đỉnh điểm, các nỗ lực của phương Tây nhằm cô lập và trừng phạt Nga nhiều khả năng sẽ bị cản trở bởi sự ủng hộ của Trung Quốc – nước láng giềng khổng lồ của Nga.

Khi tới Bắc Kinh để tham dự lễ khai mạc Thế vận hội mùa Đông vào ngày 4/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, nhà lãnh đạo đã trở thành đồng minh quan trọng nhất của ông. Trong một cuộc điện đàm giữa Putin và Tập Cận Bình hồi tháng 12/2021, nhà lãnh đạo Trung Quốc ủng hộ yêu cầu của Nga rằng Ukraine không bao giờ được tham gia NATO. Một thập kỷ trước, một mối quan hệ như vậy dường như không thể xảy ra: Trung Quốc và Nga vừa là đối tác, vừa là đối thủ. Nhưng sau một thời gian cả hai nước liên tục xung đột với Mỹ, sự ủng hộ của Tập Cận Bình dành cho Putin phản ánh sự tương đồng ngày càng lớn về lợi ích và thế giới quan giữa Moskva và Bắc Kinh. Theo các phương tiện truyền thông Trung Quốc, ông Tập Cận Bình đã nói với ông Putin rằng “một số lực lượng quốc tế đang tùy tiện can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc và Nga, dưới chiêu bài dân chủ và nhân quyền”.

Như lời nhận định mà Tập Cận Bình đưa ra với Putin đã cho thấy rõ, các nhà lãnh đạo Nga và Trung Quốc đàon kết với nhau bởi niềm tin rằng Mỹ đang có âm mưu phá hoại và lật đổ chính phủ của họ. Trong thời kỳ hoàng kim của chủ nghĩa cộng sản, Nga và Trung Quốc đã hỗ trợ các lực lượng cách mạng trên khắp thế giới. Nhưng ngày nay, Moskva và Bắc Kinh đã đi theo luận điệu phản cách mạng. Khi tình trạng bất ổn bùng phát ở Kazakhstan gần đây, Putin cáo buộc Mỹ đang cố gắng tài trợ cho một cuộc “cách mạng màu” – một thuật ngữ được dùng để chỉ các phong trào phản kháng tìm cách thay đổi chính phủ – ở một quốc gia có biên giới với cả Nga và Trung Quốc. Các bộ trưởng cấp cao của Trung Quốc cũng nhắc lại những nhận định đó.

Washington – kẻ giấu mặt

Theo cách nhìn nhận của Nga và Trung Quốc, cuộc nổi dậy ở Kazakhstan tuân theo một mô hình có sẵn. Điện Kremlin từ lâu đã lập luận rằng Mỹ là kẻ giấu mặt đằng sau cuộc nổi dậy Maidan ở Ukraine từ năm 2013 – 2014, cuộc nổi dậy đã lật đổ một nhà lãnh đạo thân Nga. Trung Quốc cũng khẳng định rằng các lực lượng nước ngoài (ám chỉ Mỹ) đứng sau các cuộc biểu tình lớn ở Hong Kong năm 2019, mà cuối cùng đã kết thúc bằng một cuộc đàn áp theo lệnh của Bắc Kinh. Cả Putin và Tập Cận Bình đều cho thấy rõ họ tin rằng mục tiêu cuối cùng của Mỹ là lật đổ chính phủ Nga và Trung Quốc, và các lực lượng ủng hộ dân chủ sở tại là “con ngựa thành Troy” của Mỹ.

Năm 1917, Tổng thống Mỹ Woodrow Wilson đã nói về việc “làm cho thế giới an toàn đối với nền dân chủ”. Năm 2022, Putin và Tập Cận Bình quyết tâm làm cho thế giới an toàn đối với chế độ chuyên quyền.

Tuy nhiên, tham vọng của Nga và Trung Quốc không hoàn toàn mang tính phòng thủ. Cả Putin và Tập Cận Bình đều tin rằng việc Nga và Trung Quốc dễ bị tổn thương trước các cuộc “cách mạng màu” bắt nguồn từ những thiếu sót cơ bản trong trật tự thế giới hiện tại – sự kết hợp của các thể chế, ý tưởng và cấu trúc quyền lực quyết định cách thức hoạt động của chính trị toàn cầu. Do đó, họ có chung quyết tâm tạo ra một trật tự thế giới mới phù hợp hơn với những gì mà họ xác định là các lợi ích của Nga và Trung Quốc.

Hai đặc điểm của trật tự thế giới hiện tại mà Nga và Trung Quốc thường phản đối là tính đơn cực và tính phổ quát. Nói một cách đơn giản hơn, hai nước này tin rằng cách sắp đặt hiện tại mang lại cho Mỹ quá nhiều quyền lực – và họ quyết tâm thay đổi điều đó. “Đơn cực” có nghĩa là, sau khi Liên Xô sụp đổ, thế giới chỉ còn lại một siêu cường là Mỹ. Fyodor Lukyanov, một nhà lý luận chính sách đối ngoại của Nga có quan hệ thân cận với Tổng thống Putin, cho rằng tính đơn cực “đã mang lại cho Mỹ năng lực và khả năng làm bất cứ điều gì họ cho là phù hợp trên trường thế giới”. Ông lập luận rằng thời kỳ bá quyền mới của Mỹ được mở ra bởi cuộc chiến tranh vùng Vịnh năm 1991 – trong đó Mỹ đã tập hợp một liên minh toàn cầu để đánh bật Iraq dưới thời Saddam Hussein ra khỏi Kuwait.

Sau Chiến tranh vùng Vịnh là một loạt các cuộc can thiệp quân sự do Mỹ dẫn đầu diễn ra trên khắp thế giới – bao gồm cả ở Bosnia và Kosovo vào những năm 1990. Việc NATO ném bom thủ đô Belgrade của Serbia vào năm 1999 từ lâu đã được Nga coi là một phần trong lập luận chứng minh rằng NATO không phải là một liên minh phòng thủ thuần túy. Sự kiện NATO ném bom vào đại sứ quán Trung Quốc ở Belgrade cũng chưa bị Bắc Kinh quên lãng.

Sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001 ở New York và Washington, NATO viện dẫn Điều 5 – điều khoản bảo vệ lẫn nhau – và tiến hành tấn công Afghanistan. Một lần nữa, theo Lukyanov, Mỹ đã thể hiện sự sẵn sàng và khả năng “làm thay đổi thế giới bằng vũ lực”. Nhưng thất bại của Mỹ ở Afghanistan, mà biểu trưng là cuộc rút lui hỗn loạn khỏi Kabul vào mùa Hè năm 2021, đã khiến người Nga hy vọng rằng trật tự thế giới do Mỹ lãnh đạo đang sụp đổ. Lukyanov lập luận rằng việc Kabul rơi vào tay Taliban có “tính lịch sử và biểu tượng không kém gì sự sụp đổ của Bức tường Berlin”.

Các học giả có ảnh hưởng của Trung Quốc cũng có quan điểm tương tự. Diêm Học Thông, Hiệu trưởng Trường quan hệ quốc tế thuộc Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh (trường cũ của ông Tập Cận Bình), viết rằng “Trung Quốc tin rằng việc vươn lên vị thế cường quốc cho phép họ có một vai trò mới trong các vấn đề thế giới – một điều không thể dung hòa với sự thống trị không thể nghi ngờ của Mỹ”. Giống như Lukyanov, Diêm Học Thông tin rằng “trật tự thế giới do Mỹ lãnh đạo đang mất dần đi. Thay thế cho nó sẽ là một trật tự đa cực”. Chủ tịch Tập Cận Bình còn phát biểu ngắn gọn hơn, với tuyên bố được ông nhắc nhở lại nhiều lần: “Phương Đông đang trỗi dậy và phương Tây đang suy yếu”.

Đối với Nga và Trung Quốc, việc xây dựng một trật tự thế giới mới không chỉ đơn giản là vấn đề sức mạnh thuần túy, mà còn là một trận chiến về tư tưởng. Trong khi truyền thông tự do phương Tây thúc đẩy ý tưởng về nhân quyền phổ quát, các nhà tư tưởng Nga và Trung Quốc đưa ra lập luận rằng các truyền thống văn hóa và “nền văn minh” khác nhau nên được phép phát triển theo những cách khác nhau.

Vladislav Surkov, từng là cố vấn có ảnh hưởng của Putin, đã chê bai “những nỗ lực lặp đi lặp lại không có kết quả của Nga để trở thành một phần của nền văn minh phương Tây”. Thay vào đó, theo Surkov, Nga nên chấp nhận ý tưởng rằng họ đã “tiếp thu từ cả phương Đông và phương Tây” và tâm lý người Nga “có sự pha trộn”. Tương tự, các nhà tư tưởng ủng hộ chính phủ ở Bắc Kinh cho rằng sự kết hợp giữa Nho giáo và chủ nghĩa cộng sản khiến Trung Quốc luôn chú trọng đến quyền của tập hơn là quyền của cá nhân. Họ cho rằng thành công của Trung Quốc trong việc kiềm chế đại dịch COVID-19 phản ánh tính ưu việt của việc Trung Quốc chú trọng hành động và quyền của tập thể.

Bắc Kinh và Moskva cho rằng trật tự thế giới hiện nay thể hiện đặc trưng về nỗ lực của Mỹ nhằm áp đặt các ý tưởng phương Tây về dân chủ và nhân quyền với các nước khác, có thể thông qua can thiệp quân sự nếu cần. Trong khi đó, trật tự thế giới mới mà Nga và Trung Quốc đang đòi hỏi sẽ dựa trên các phạm vi ảnh hưởng riêng biệt. Mỹ sẽ phải chấp nhận sự thống trị của Nga và Trung Quốc đối với khu vực lân cận các nước này và từ bỏ việc ủng hộ nền dân chủ hay các cuộc cách mạng màu có thể đe dọa chế độ của Putin hay Tập Cận Bình.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Lê Nguyễn Trường Giang

Bấm theo dõi để nhận thêm nội dung bổ ích từ chuyên gia này.

Tìm hiểu thêm về chuyên gia.

Hãy chọn VIP/PRO hàng đầu để nhận kho bài viết chuyên sâu

5 Yêu thích
16 Bình luận 5 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại