Kazakhstan chen chân vào thị trường dầu mỏ châu Âu
Kazakhstan đã đồng ý bắt đầu vận chuyển dầu tới Hungary mà không qua Ukraine khi quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) này đang tìm kiếm các lựa chọn thay thế nguồn cung từ Nga, Upstream Online đưa tin.
Theo số liệu của EU, khối này hiện đã là thị trường lớn đối với dầu khí của Kazakhstan, với sản lượng xuất khẩu dầu khí của quốc gia Trung Á này chiếm phần lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu trị giá 29,8 tỷ euro (32 tỷ USD) sang khối vào năm 2022.
Kazakhstan gần đây cũng tăng cường xuất khẩu dầu thô sang Đức, sau khi nhà điều hành đường ống dẫn dầu do nhà nước kiểm soát Kaztransoil kết nối đường ống xuất khẩu truyền thống với mạng lưới truyền dẫn dầu của Nga được sử dụng để vận chuyển dầu thô của họ tới châu Âu.
Trong diễn biến mới nhất, Bộ trưởng Ngoại giao Hungary Peter Szijjarto cho biết trong chuyến thăm thủ đô Astana của Kazakhstan vào tuần trước rằng, Hungary dự kiến nhập khẩu hơn 4,6 triệu thùng dầu thô Kazakhstan trước cuối năm nay.
Tuy nhiên, số dầu này sẽ không được gửi qua tuyến của Nga được sử dụng để vận chuyển dầu thô Kazakhstan đến Đức.
Thay vào đó, dầu thô sẽ được gửi qua đường ống nối Atyrau-Samara truyền thống tới cảng Novorossiysk của Nga, nơi có bến cảng được sử dụng để xuất khẩu dầu thô Kazakhstan được đưa đến từ đường ống Caspian từ 3 mỏ lớn là Tengiz, Kashagan và Karachaganak.
Từ Novorossiysk, dầu thô Kazakhstan sẽ được gửi bằng đường biển đến kho tiếp nhận Omisalj của Croatia trên đảo Krk, và từ đó qua đường ống Adria để đến Hungary, Slovenia và Bosnia.
Theo Bộ Ngoại giao Kazakhstan, đại diện của công ty dầu khí nhà nước Kazakhstan KazMunayGaz sẽ tới Croatia vào đầu tháng 10 để “khảo sát về tiềm năng của kho cảng dầu Omisalj”.
Bộ trưởng Szijjarto mô tả thỏa thuận với Kazakhstan là một bước đột phá trong nỗ lực của chính phủ ông nhằm “đảm bảo nguồn cung năng lượng cho Hungary”.
Nga vẫn là nhà cung cấp dầu thô chính cho Hungary, quốc gia này cùng với Slovakia được miễn trừ khỏi các lệnh trừng phạt của EU đối với Moscow vì cơ sở hạ tầng năng lượng của nước này vẫn dựa trên mạng lưới thời Liên Xô cũ và phụ thuộc vào nguồn cung từ Nga.
Hungary tiếp tục nhập khẩu dầu của Nga thông qua đường ống Druzhba đi qua Belarus, Ukraine và Slovakia trước khi vào nước này và dự kiến sẽ không có gì thay đổi sau khi hiệp định Kazakhstan được đưa ra.
Việc nhập khẩu dầu của Kazakhstan “không có nghĩa là chính phủ (Hungary) muốn thay thế nguồn cung hiện có bằng một nguồn cung khác. Nó có nghĩa là đất nước có thể sử dụng nguồn cung cấp năng lượng từ nhiều nguồn nhất có thể”, ông Szijjarto nói trong một video trên mạng xã hội.
Ông nói thêm: “Kazakhstan có thể là nguồn cung cấp năng lượng rất quan trọng của chúng tôi và vai trò của quốc gia này sẽ tăng lên”.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận