JVE nói gì về cổ đông sáng lập JVE Group là giám đốc công ty 'tắm hơi, massage'?
Trước thông tin ông Nguyễn Đức Thanh - cổ đông sáng lập JVE Group, là giám đốc doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh chính là "tắm hơi, massage", ông Nguyễn Tuấn Anh - Chủ tịch HĐQT JVE đã trả lời báo chí về vấn đề này.
Công ty JVE tổ chức buổi thông tin để chia sẻ về giải pháp tổng thể cải tạo sông Tô Lịch thành "Công viên Lịch sử - văn hóa - tâm linh Tô Lịch" bằng nguồn vốn từ phía Nhật Bản - Ảnh: PHẠM TUẤN
Trong ngày 22-9, Công ty cổ phần Tập đoàn môi trường Nhật Việt (JVE) đã tổ chức buổi thông tin để chia sẻ về giải pháp tổng thể cải tạo sông Tô Lịch thành "Công viên Lịch sử - văn hóa - tâm linh Tô Lịch" bằng nguồn vốn từ phía Nhật Bản.
Tại đây, nhiều câu hỏi xoay quanh liên đến đề án xây dựng sông Tô Lịch "Công viên Lịch sử - văn hóa - tâm linh Tô Lịch" bằng nguồn vốn từ phía Nhật Bản, cũng như lĩnh vực kinh doanh của công ty JVE cũng được nhiều cơ quan thông tấn báo chí đặt ra.
Trước thông tin cổ đông sáng lập JVE Group, ông Nguyễn Đức Thanh là Giám đốc doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh chính là "tắm hơi, massage" vốn điều lệ chỉ 1,5 tỉ đồng thì liệu việc hoạt động trong lĩnh vực môi trường có hiệu quả và đúng ngành nghề? Ông Nguyễn Tuấn Anh - Chủ tịch HĐQT Công ty JVE cho biết, thông tin trên là không chính xác ở thời điểm hiện tại.
"Đồng chí Nguyễn Đức Thanh cách đây 1 năm đã không còn là đại diện pháp luật của công ty đó (doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh tắm hơi, massage) và hiện nay cũng không là cổ đông của JVE Group. Do đó, hiện nay thông tin đăng tải về việc này là không đúng" - ông Tuấn Anh khẳng định.
Liên quan đến vốn điều lệ của JVE Group, Chủ tịch HĐQT Công ty JVE cho biết, năm 2017, Công ty được thành lập với vốn điều lệ ban đầu là 1,5 tỉ đồng
Tuy nhiên, đến tháng 4-2020, công ty đã tăng mạnh vốn lên 1.000 tỉ đồng, với 100% là nguồn vốn tư nhân, vì thế "đủ tiềm lực và tự tin sẽ thành công trong việc cải tạo sông Tô Lịch nếu đề án trình UBND thành phố Hà Nội được chấp thuận".
Trước đó một số phương tiện thông tin truyền thông đưa tin, theo thông tin từ cổng thông tin quốc gia về doanh nghiệp thì Công ty JVE có địa chỉ trụ sở chính tại tầng 31, Tòa Tháp Đông, Trung tâm Lotte Hà Nội, số 54 Liễu Giai, Phường Cống Vị, Quận Ba Đình, Hà Nội. Bà Nguyễn Thị Ngọc Bích là Tổng Giám đốc, đồng thời người đại diện theo pháp luật.
Tiền thân của JVE Group là CTCP Cải thiện môi trường Nhật Việt được thành lập vào ngày 8-5-2017.
Ngoài ra, cũng theo thông tin từ Chuyên trang Đầu Tư Tài Chính Việt Nam - VietnamFinance, cổ đông Nguyễn Đức Thanh, ngoài sở hữu cổ phần tại JVE, còn được biết đến là ông chủ của Công ty TNHH SEIBU Việt Nam (trụ sở tại phòng 101, tầng 1, tòa nhà V Tower, số 649 phố Kim Mã, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, TP.Hà Nội).
Theo Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp thì Công ty TNHH SEIBU Việt Nam này có ngành nghề kinh doanh chính là "dịch vụ tắm hơi, massage và các dịch vụ tăng cường sức khỏe tương tự (trừ hoạt động thể thao)".
Trước đó, ngày 15-9, Công ty cổ phần Tập đoàn Môi trường Nhật Việt (JVE) đã gửi công văn báo cáo tới Thành ủy, UBND TP Hà Nội về việc đề xuất "giải pháp tổng thể" cải tạo sông Tô Lịch trở thành "Công viên Lịch sử - văn hóa - tâm linh Tô Lịch" bằng nguồn vốn từ phía Nhật Bản.
Theo JVE, sông Tô Lịch nhiều năm qua luôn bị coi là dòng sông "chết" với mức độ ô nhiễm nghiêm trọng. Trước tình hình đó, lãnh đạo Thành ủy, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo rất quyết liệt các cơ quan chuyên môn, ban ngành của thành phố đưa ra nhiều giải pháp xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch.
Chuyên gia Nhật Bản cho biết để có thể "hồi sinh" sông Tô Lịch đúng nghĩa cần phải có giải pháp tổng như: thu gom nước thải, cấp nước bổ cập cho sông sau khi thu gom hết nước thải, xử lý triệt để nguồn gây ra mùi hôi thối, xử lý tầng bùn đáy, xử lý nước đã bị ô nhiễm trong lòng sông, thoát nước chống ngập khi mưa bão...
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận