Ít kỳ vọng cho cuộc gặp Donald Trump - Tập Cận Bình tại G20
Cho đến nay, cả Washington lẫn Bắc Kinh đều chưa xác nhận Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ gặp nhau bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 tại Nhật Bản vào cuối tháng này.
Song giới phân tích cho rằng một cuộc gặp cấp cao Mỹ - Trung, nếu diễn ra, cũng không mang lại kết quả chuyển biến nào cho các cuộc đàm phán thương mại đang bế tắc giữa hai nước.
Hôm 12-6, phát biểu với báo chí tại Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump cáo buộc Trung Quốc rút lại các cam kết đã đạt được trong dự thảo thỏa thuận thương mại giữa hai nước. Song ông cho biết sẽ gặp Chủ tịch Tập Cận Bình tại hội nghị G20 diễn ra vào ngày 28 và 29-6 tại Osaka, Nhật Bản để thúc đẩy thỏa thuận này.
Ông Trump nói: “Chủ tịch Tập và tôi sẽ gặp nhau. Chúng tôi có mối quan hệ rất tuyệt vời dù hiện nay có một chút căng thẳng”.
Ông cho biết thêm, nếu tại G20, chính phủ Trung Quốc vẫn chưa nhất trí ký thỏa thuận chấm dứt thương mại với Mỹ, kế hoạch áp thuế với thêm 325 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc nữa sẽ chưa được thực hiện ngay. Tuy nhiên, ông từ chối tiết lộ lúc nào kế hoạch này được thực hiện.
“Tôi không đặt ra thời hạn cuối. Thời hạn cuối nằm ở đây”, ông Trump nói và chỉ tay vào đầu mình.
Những lời phát biểu của ông dường như cho thấy hai nhà lãnh đạo Mỹ-Trung sẽ có cuộc gặp song phương tại G20. Song Nhà Trắng không xác nhận liệu một cuộc gặp như vậy đã được nhất trí hay chưa hay là ông Trump ám chỉ đến cuộc gặp xã giao như là một phần của cuộc gặp lớn hơn giữa các lãnh đạo G20.
“Công tác chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh G20 tại Nhật Bản đang được tiến hành. Vào thời điểm này, chúng tôi không có bất cứ thông tin nào về các cuộc gặp song phương cụ thể để thông báo”, người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Nhà Trắng, Garrett Marquis, nói.
Hôm 10-6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Cảnh Sảng, nói Trung Quốc sẵn sàng đàm phán thương mại thêm với Mỹ nhưng không cho biết bất kỳ điều gì về kế hoạch cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Trung tại G20. Hôm sau đó, ông Cảnh Sảng tuyên bố Bắc Kinh sẽ “chiến đấu đến cùng” nếu Washington leo thang các căng thẳng thương mại.
Giới đầu tư toàn cầu, vốn vừa chứng kiến hơn 1.000 tỉ đô la bị thổi bay khắp các thị trường vào tháng trước do căng thẳng thương mại Mỹ-Trung, sẽ theo dõi sát sao bất kỳ trao đổi nào hai nhà lãnh đạo quyền lực nhất thế giới.
Mối quan hệ Mỹ-Trung chuyển biến xấu kể từ tháng 5 khi các cuộc đàm phán thương mại giữa hai nước đổ bể, làm tắt ngúm hi vọng hai nước đạt được một thỏa thuận tại Nhật Bản.
“Bầu không khí rất thù địch”, một nhà ngoại giao phương Tây ở Bắc Kinh nói khi ám chỉ đến mối quan hệ này.
Một nguồn tin có mối quan hệ với giới lãnh đạo Trung Quốc cho biết chính phủ và Đảng Cộng sản Trung Quốc vô cùng tức giận trước các cáo buộc của ông Trump nói rằng, Trung Quốc “nuốt lời”, đặc biệt khi Bắc Kinh ngỡ rằng sắp ký được thỏa thuận thương mại với Mỹ vào đầu tháng trước. Nguồn tin này nói rằng phản ứng của Mỹ giống như kiểu chú rể bỏ mặc cô dâu một mình ở lễ đường đám cưới.
Các nguồn tin khác bao gồm các quan chức và các nhà ngoại giao ở Washington và Bắc Kinh cho biết cả hai bên đang thiếu các hoạt động chuẩn bị cho cuộc gặp cấp cao Mỹ-Trung ở G20, phần lớn là do ác cảm giữa hai bên ngày càng gia tăng.
Các nguồn tin cho biết hai nhà lãnh đạo Mỹ-Trung có khả năng có một hình thức gặp gỡ nào đó tại G20. Trong những năm gần đây, về phía Mỹ, việc thiếu chuẩn bị cho một cuộc gặp quan trọng không phải là điều bất thường. Tổng thống Trump thường dự các cuộc đàm phán quan trọng mà rất ít sự chuẩn bị trước.
Trong khi đó, ông Tập có lẽ không muốn dự một cuộc gặp cấp cao với kết quả không đoán trước được hoặc đối mặt với lời đe dọa áp thuế thêm vào hàng hóa Trung Quốc.
Một nhà ngoại giao châu Á nói: “Đối với Trung Quốc, điều quan trọng là nghi thức lịch sự đối với ông Tập và bảo đảm rằng ông ấy được tôn trọng. Trung Quốc sẽ không muốn để ông Tập dự một cuộc gặp, nơi mà ông ấy có thể cảm thấy lúng túng”.
Eswar Prasad, Giáo sư chuyên ngành thương mại ở Đại học Cornell (Mỹ), nhận định kỳ vọng cho cuộc trao đổi song phương giữa ông Trump và ông Tập là rất thấp.
Ông nói: “Kết quả tích cực nhất của một cuộc gặp Trump-Tập sẽ là một thỏa thuận nối lại đàm phán thương mại. Các kỳ vọng đối với một lệnh tạm thời ngừng hoặc hạn chế cuộc chiến thuế đã tan biến và một thời kỳ căng thẳng thương mại và kinh tế kéo dài giữa hai nước dường như sẽ xảy ra”.
Nếu cuộc gặp song phương tại G20 chuyển biến xấu, hai nước có thể tiếp tục áp thuế vào hàng hóa của nhau và Trung Quốc có thể cấm xuất khẩu đất hiếm sang Mỹ cũng như tiến hành các biện pháp trả đũa nhằm vào các công ty Mỹ ở Trung Quốc.
Shi Yinhong, Giáo sư chuyên ngành quan hệ quốc tế ở Đại học Nhân dân Trung Quốc, cho biết Trung Quốc có rất ít kỳ vọng trước thềm hội nghị thượng đỉnh G20 do tình trạng căng thẳng hiện tại trong quan hệ song phương với Mỹ.
Hôm 10-6, trao đổi với hãng tin CNBC, Tổng thống Trump thẳng thừng nói rằng Mỹ sẽ áp thuế thêm vào hàng hóa Trung Quốc nếu ông Tập không đến dự hội nghị G20.
Giáo sư Yinhong cho rằng các lời đe dọa công khai này đặt ông Tập vào vị thế bất lợi và bất kỳ thỏa thuận nào của Trung Quốc với phía Mỹ vào thời điểm này sẽ bị coi là “đầu hàng trước sức ép của Mỹ”.
Ông dự báo tại G20, hai nhà lãnh đạo có thể đạt được các thỏa thuận về các vấn đề nhỏ hơn chẳng hạn các cuộc giao lưu người dân của hai bên hoặc nới lỏng các hạn chế thị thực vào Mỹ, từ đó, tạo ra bầu không khí thân thiện hơn, dọn đường cho các cuộc đàm phán mang tính xây dựng trong tương lai.
Scott Kennedy, cố vấn cấp cao ở Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và Chiến lược (CSIS) ở Washington nhận định, ông Trump và ông Tập có thể đạt được một dạng thỏa thuận đình chiến thương mại nào đó như họ đã từng đạt được ở hội nghị G20 tại Buenos Aires, Argentina hồi tháng 12 năm ngoái. Song ông cho biết cơ may như vậy rất thấp.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận