Israel: Khi chính trị tác động bất lợi đến kinh tế
Tại Israel, hai cuộc bầu cử trước đã khiến Chính phủ gần như tê liệt, dẫn tới những tác động về xã hội, kinh tế và chính trị, và tác động này sẽ còn tồi tệ hơn nếu Israel phải bầu cử lần ba.
Tờ Haaretz đăng tải bài viết tựa đề "Bầu cử lần ba là tin xấu đối với kinh tế Israel", nội dung xoay quanh tuyên bố hồi tuần trước của Bộ trưởng Tài chính Moshe Kahlon: "Cuộc bầu cử vào năm tới sẽ là một thảm họa".
Tại Israel, hai cuộc bầu cử trước đã khiến Chính phủ gần như tê liệt, dẫn tới những tác động về xã hội, kinh tế và chính trị, ông Kahlon nói, đồng thời cho rằng tác động này sẽ còn tồi tệ hơn nếu Israel phải tiến hành bầu cử lần ba trong những tháng tới.
* Thiếu một lối thoát rõ ràng
Tất cả các cuộc bầu cử đều làm cho hoạt động của Chính phủ bị đình trệ và ảnh hưởng tới hoạt động thường ngày của các Bộ và ban ngành. Rất khó để nói chính xác con số thiệt hại cụ thể, nhưng Chính phủ đã phải chi hàng trăm triệu đô la Mỹ để tổ chức bầu cử và hỗ trợ cho các đảng phái chính trị.
Ngoài ra, những thiệt hại đối với nền kinh tế vào ngày tổ chức bầu cử ước tính khoảng 290 triệu USD. Đó là chưa kể quá trình đàm phán các thỏa thuận liên minh cần thiết để thành lập Chính phủ mới thậm chí còn gây tổn hại cho nền kinh tế hơn. Bên cạnh đó, cũng có nhiều rủi ro về việc Chính phủ thất bại trong việc giải quyết vấn đề thâm hụt ngân sách đang gia tăng của Israel.
Các công ty xếp hạng tín dụng quốc tế cho đến hiện nay có quan điểm rằng sau cuộc bầu cử thứ nhất và thứ hai, một chính phủ sẽ được thành lập và vấn đề thâm hụt được giải quyết. Tuy nhiên, hai tuần trước, hãng Moody's bắt đầu bày tỏ quan ngại về việc thiếu lối thoát rõ ràng sau cuộc bầu cử ngày 17/9 và rủi ro về bất ổn chính trị kéo dài.
* Trách nhiệm của Chính phủ mới
Tuần này, Moody's đã công bố bản báo cáo cập nhật theo giai đoạn về nền kinh tế Israel và một lần nữa kỳ vọng Chính phủ tiếp theo sẽ tôn trọng trách nhiệm về tín dụng và giảm thâm hụt. Tuy nhiên, "việc thất bại trong thành lập Chính phủ mới hoặc thành lập liên minh mới không thể tập hợp được sự đồng thuận trong nội bộ cần thiết để thúc đẩy các biện pháp tài khóa mới sẽ gây ra rủi ro đối với hồ sư tín dụng của Israel”, hãng Moody's cảnh báo.
Nhóm phân tích do chuyên gia Evan Wohlmann đứng đầu cho biết, khả năng và sự sẵn sàng của Chính phủ tiếp theo về xử lý những khó khăn tài khóa trong thời gian hạn hẹp, ví dụ như giảm các khoản nợ phải trả đã gia tăng trong thập kỷ qua, sẽ là một tiêu chí quan trọng trong đánh giá về hồ sơ điểm số tín dụng.
Các nhà phân tích của Moody's giải thích rằng việc xếp hạng sẽ được quyết định bằng khả năng và năng lực của Chính phủ tiếp theo trong giải quyết vấn đề tài khóa của Israel hiện nay và ngăn chặn nợ công gia tăng. Bản báo cáo không nêu cụ thể các tác động của việc Chính phủ nâng trần thâm hụt đối với những năm tới như kỳ vọng của giới kinh tế. Tuy nhiên, Moody's đánh giá thâm hụt sẽ ở mức 4% GDP của Israel trong năm nay. Trong 12 tháng tính từ tháng 8/2018, thâm hụt là 3,8%. Moody's cũng đánh giá nợ trên GDP sẽ tăng từ 61% vào cuối năm 2018 lên 62% vào cuối năm 2019 và 62,8% vào cuối năm 2020.
Trừ khi Chính phủ tiếp theo thông qua ngân sách 2020 vào ngày 31/12, một triển vọng xa xôi thậm chí trước cuộc bầu cử tháng Chín vừa qua, nếu không Chính phủ sẽ tiếp tục các mức chi tiêu như năm 2019 theo cơ sở từng tháng, có tính đến lạm phát.
Hãng Moody's nhấn mạnh rằng điều này sẽ tác động lên mức chi tiêu, nhưng nguồn thu là một câu chuyện khác. Ngân sách năm 2019 dựa trên thuế và thuế thu nhập là 95,3 tỷ USD, tương đương mức tăng 5,5% so với mức thu của năm 2018 trước lạm phát, nhưng trên thực tế chỉ tăng 2,2% (do lạm phát).
Việc trì hoãn thông qua ngân sách năm 2020 cũng đe dọa gây ra căng thẳng. Khối quốc phòng muốn bảo đảm những kế hoạch chi tiêu tổng thể được xác định trước để Bộ quốc phòng có các kế hoạch tốt hơn. Trong khi đó, hệ thống y tế và chăm sóc sức khỏe muốn gia tăng ngân sách để giải quyết vấn đề bênh viện quá tải và tăng khả năng chăm sóc những người khuyết tật. Bác sỹ, giáo viên và công nhân lĩnh vực công cộng mong muốn đối thoại về các thỏa thuận lao động tập thể mới.
Do đó, có thể sẽ có vấn đề trong chương trình tài chính, những chương trình nhận từ ngân sách chỉ trong năm 2019. Nếu các quan chức Bộ Tài chính không đưa ra kế hoạch, những chương trình này sẽ bị chấm dứt vào ngày 31/12.
Khoản ngân sách này cũng bao gồm trên 400 triệu USD tiền miễn thuế hải quan và thuế mua hàng cho các sản phẩm tiêu dùng như đồ áo, thiết bị gia dụng và điện thoại. Bộ Tài chính sẽ gặp nhiều áp lực từ lĩnh vực công nghiệp bán lẻ và các lĩnh vực khác. Vào thời điểm ngân sách hết hiệu lực, giá cả sẽ tăng đột biến. Một chương trình khác cũng đang gặp các thách thức về ngân sách là trại hè cho các trường cấp 1, 2 và 3.
Trong khi đó, các quan ngại của Moody's đã không làm tổn thương vị trí xếp hạng tín nhiệm của Israel. Xếp hạng của nước này vẫn ở mức A1 - tương đương với A+ theo tiêu chuẩn của Standard & Poor’s và Fitch. Tầm nhìn của Moody's vẫn không thay đổi ở mức "Positive" (tích cực), có nghĩa xếp hạng của Israel có thể tăng thêm nếu có chính sách đúng.
Tạm gác các quan ngại về tài khóa sang một bên, Moody's vẫn nhận định tích cực về tổng thể nền kinh tế Israel. Hãng này nhận định GDP sẽ tăng trưởng 3,1% trong năm 2019 và 3,3% năm 2020 nhờ có xuất khẩu khí đốt từ mỏ Leviathan.
"Trong khi bất ổn về chính trị trong nước cho đến nay chưa có tác động bất lợi đến nền kinh tế Israel, sự thay đổi trong chính sách thắt chặt tài khóa hơn có thể gây ra những cơn "gió ngược" cho tăng trưởng kinh tế vào năm tới, trong đó tác động phụ thuộc vào thời gian và tổng hợp các biện pháp điều chỉnh", Moody's cảnh báo./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận