Israel "hâm nóng" tên lửa đạn đạo ALBM
Việc Israel sử dụng tên lửa đạn đạo phóng từ trên không (ALBM) có thể khơi dậy sự quan tâm đối với loại vũ khí này.
Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cho biết cuộc đột kích ngày 26-10 của họ đã phá hủy các nhà máy tên lửa và hệ thống phòng không của Iran trong 3 đợt tấn công. Quân đội Israel sử dụng tên lửa đạn đạo phóng từ trên không (ALBM) trong các cuộc không kích chống lại Iran.
Trong cuộc đột kích ngày 26-10, các nhà nghiên cứu cho hay dựa vào hình ảnh vệ tinh, mục tiêu bao gồm các tòa nhà từng được sử dụng trong chương trình hạt nhân của Iran.
Chiến đấu cơ F-16 mang tên lửa phóng từ trên không của Israel. Ảnh: IAF
Chuyên gia về công nghệ và sức mạnh không quân tại Viện Royal United Services (Anh) Justin Bronk nói rằng Tehran bảo vệ các mục tiêu như vậy bằng nhiều loại hệ thống phòng không.
Theo Reuters, việc Israel sử dụng ALBM dự kiến khơi dậy sự quan tâm ở những nơi khác trong việc mua loại vũ khí này. Hầu hết cường quốc đã không sử dụng ALBM để chuyển sang tên lửa hành trình và bom lượn.
Tên lửa hành trình dễ trở thành mục tiêu hơn so với tên lửa đạn đạo. Tuy nhiên, tên lửa đạn đạo thường được bắn từ các điểm phóng đã biết và hầu hết không thể thay đổi hướng bay.
Các chuyên gia cho biết ALBM có độ chính xác cao, tốc độ cao như tên lửa của Israel Aerospace Industries Rampage, có thể giải quyết được những vấn đề mà tên lửa đạn đạo trên mặt đất và tên lửa hành trình phóng từ trên không (ALCM) gặp phải.
"Ưu điểm chính của ALBM so với ALCM là tốc độ xuyên thủng hệ thống phòng thủ. Nhược điểm - độ chính xác - có vẻ đã được khắc phục phần lớn" - giám đốc Chương trình Không phổ biến vũ khí hạt nhân Đông Á tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury (California - Mỹ) Jeffrey Lewis bình luận.
Vì ALBM được trang bị trên máy bay nên điểm phóng của chúng linh hoạt, giúp ích cho những người lập kế hoạch tấn công.
"Ưu điểm là khi được phóng từ trên không, ALBM có thể đến từ mọi hướng, làm phức tạp thêm nhiệm vụ phòng thủ chống lại chúng" - nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Chiến lược và An ninh Jerusalem (Israel) Uzi Rubin nói với Reuters.
Nhiều quốc gia, bao gồm Mỹ và Anh, đã thử nghiệm ALBM trong chiến tranh lạnh. Hiện nay, chỉ có Israel, Nga và Trung Quốc được biết là đang triển khai loại vũ khí này.
Mỹ đã thử nghiệm ALBM siêu thanh Lockheed Martin AGM-183, song không nhận được bất kỳ khoản tài trợ nào cho năm tài chính 2025. Vì có một kho vũ khí lớn gồm tên lửa hành trình và các loại vũ khí tấn công tầm xa khác nên Washington không mấy quan tâm ALBM.
Tuy nhiên, việc Israel sử dụng hiệu quả ALBM gần đây có thể khiến nhiều quốc gia suy nghĩ lại.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận