Israel đánh giá cao nguồn cung hàng hóa của Việt Nam ở Châu Á
Các doanh nghiệp nhập khẩu Israel đang quan tâm tới thị trường Việt Nam và coi Việt Nam là nguồn cung cấp hàng hóa, dịch vụ logistics ổn định ở Châu Á cho Israel.
Ngày 23/11, Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với Vụ Thị trường Châu Á – Châu Phi (Bộ Công Thương), Đại sứ quán Việt Nam tại Israel và Liên đoàn các Phòng Thương mại Israel (FICC) tổ chức Hội nghị giao thương trực tuyến sản phẩm tiêu dùng Việt Nam - Israel 2020.
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Ze’ev Lavie, đại diện Lãnh đạo Liên đoàn các Phòng Thương mại Israel (FICC) cho biết, các doanh nghiệp nhập khẩu Israel đang quan tâm tới thị trường Việt Nam và coi Việt Nam là nguồn cung cấp hàng hóa, dịch vụ, logistics ổn định ở Châu Á cho Israel.
Năm 2020, theo sáng kiến của Thương vụ - Đại sứ quán Việt Nam tại Israel khởi xướng, Hội nghị này nhằm quảng bá rộng rãi tiềm năng, thế mạnh hàng xuất khẩu của Việt Nam trong các lĩnh vực: nông sản, thực phẩm, giày dép, dệt may, hàng tiêu dùng các loại... tới thị trường Israel. Đồng thời kết nối doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam với các đối tác kinh doanh nhập khẩu, phân phối, bán buôn, bán lẻ tiềm năng ở thị trường Israel trên môi trường trực tuyến.
Tại phiên toàn thể, các cơ quan, doanh nghiệp tham dự cùng tìm hiểu về triển vọng hợp tác kinh doanh sản phẩm tiêu dùng Việt Nam tại thị trường Israel, thế mạnh các ngành xuất khẩu sản phẩm tiêu dùng của Việt Nam. Đặc biệt là hồ tiêu và các sản phẩm từ dừa – là hai trong nhiều nhóm mặt hàng của Việt Nam được nhiều nhà nhập khẩu Israel đang quan tâm.
Tại hội nghị, Đại sứ Việt Nam tại Israel Đỗ Minh Hùng đã giới thiệu các thông tin về việc Việt Nam phòng chống thành công đại dịch COVID-19; tổng quan hoạt động kinh tế và thương mại của Việt Nam, tình hình hội nhập kinh tế quốc tế mới nhất của Việt Nam, môi trường đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam và triển vọng kết thúc sớm đàm phán hiệp định thương mại tự do song phương giữa hai nước.
Trong khuôn khổ Hội nghị giao thương trực tuyến sản phẩm tiêu dùng Việt Nam - Israel 2020, các doanh nghiệp hai bên đánh giá hiệu quả của sự kiện này cũng như việc hỗ trợ kết nối giữa người mua và người bán với nhau.
Kết thúc hội nghị, các doanh nghiệp Việt Nam và Israel đề nghị cần tiếp tục tổ chức những sự kiện tương tự trong thời gian tới để các doanh nghiệp hai nước có điều kiện mở rộng thêm các cơ hội hợp tác kinh doanh giữa hai bên.
Mặc dù quy mô dân số chỉ khoảng 9,3 triệu người, Israel đang là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam tại khu vực Trung Đông (sau UAE và Thổ Nhĩ Kỳ). Trong trao đổi thương mại, mặt hàng của hai bên thường không cạnh tranh, mà bổ sung cho thị trường của nhau.
Những mặt hàng Israel có nhu cầu nhập khẩu lớn cũng chính là những mặt hàng có thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam. Các doanh nghiệp Israel làm ăn khá nghiêm túc và có khả năng thanh toán cao.
Israel chủ yếu nhập khẩu lương thực, thực phẩm, hàng nông sản, giày dép, may mặc, điện thoại di động, cà phê, hạt điều, tôm đông lạnh, cá ngừ, mực đông lạnh… từ Việt Nam. Hàng năm, Israel nhập khẩu từ Việt Nam các loại hàng hóa với trị giá khoảng 800 triệu USD.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, do ảnh hưởng của dịch cúm COVID-19, trong 10 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Israel đạt 574,21 triệu USD, trong đó hàng thủy sản đạt 45,09 triệu USD, hạt điều đạt 38,7 triệu USD, cà phê đạt 14,6 triệu USD, dệt may đạt 18,25 triệu USD, giày dép đạt 31,06 triệu USD…
Trong số các mặt hàng xuất khẩu sang Israel trong 10 tháng đầu năm nay, xuất khẩu điện thoại và linh kiện chiếm gần 50% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này, đạt 277,62 triệu USD.
Nhập khẩu của Việt Nam từ thị trường Israel trong 10 tháng đầu năm nay đạt 717,06 triệu USD, chủ yếu các nhóm mặt hàng thiết bị máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, bo mạch, phân bón để phục vụ sản xuất ở trong nước.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận