Iran cảnh báo Mỹ: Bắt tàu chở dầu sẽ đối diện với hậu quả ghê gớm
Iran đã lên tiếng xác nhận rằng tàu chở dầu Grace 1 của họ - vừa chính thức đổi tên thành Adrian Darya - đã hướng tới vùng biển quốc tế sau khi được trả tự do. Trước đó, Bộ Tư pháp Mỹ đã ban hành lệnh bắt giữ con tàu này chỉ vài ngày sau khi chính quyền Gibraltar tuyên bố sẽ trả tự do cho nó.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi hôm đầu tuần này cho biết Tehran đã cảnh báo Mỹ về việc Mỹ tìm cách bắt giữ siêu tàu chở dầu của Iran. Nói về việc trả tự do cho tàu chở dầu Stena Impero của Anh, ông Mousavi nói rằng Tehran đang chờ tòa án ra quyết định về vấn đề này.
Ông Mousavi còn nói thêm rằng, âm mưu của Washington nhằm bắt giữ tàu chở dầu Adrian Darya sẽ mang tới những hậu quả nghiêm trọng.
"Nếu Mỹ có hành động như vậy, nó sẽ gây phương hại an ninh hàng hải trên vùng biển quốc tế. Iran đã cảnh báo chính quyền Mỹ, sử dụng các kênh chính thức, đặc biệt là Đại sứ quán Thụy Sỹ ở Tehran, rằng hành động đó sẽ mang tới những hậu quả nghiêm trọng" - ông Mousavi nói.
Vị quan chức cũng nhấn mạnh rằng đề nghị kéo dài thời gian bắt giữ tàu Adrian Darya mà Washington gửi tới chính quyền Gialtar là phi pháp.
Tính đến thời điểm này, tàu chở dầu Adrian Darya - trước là Grace 1 - của Iran đã được trả tự do sau 46 ngày neo đậu trên vùng biển của Gialtar.
Thứ Bảy tuần trước, Bộ Tư pháp Mỹ ban hành lệnh bắt giữ tàu Grace 1. Theo cơ quan này, một tòa án Mỹ ra phán quyết rằng con tàu chở đầu trên - với lượng hàng hóa và tiền mặt lên tới 995.000 USD - bị cho là vi phạm một số luật pháp của Mỹ liên quan tới lừa đảo ngân hàng và rửa tiền, vi phạm Đạo luật Quyền lực kinh tế khẩn cấp (IEEPA) và điều luật liên quan tới các hoạt động khủng bố.
Tuy nhiên, chính quyền Gialtar đã từ chối đề nghị kéo dài thời gian giữ tàu chở dầu Iran mà Mỹ gửi đến, chỉ ra sự khác biệt trong các đòn cấm vận của Mỹ và EU đối với Iran.
Chính quyền Gialtar, với sự hỗ trợ của hải quân Anh, đã bắt giữ tàu Grace 1 ở ngoài khơi Gialtar vào ngày 4/7, tuyên bố rằng con tàu này đã vi phạm các lệnh trừng phạt của EU khi chuyển dầu thô tới Syria. Iran đã bác bỏ mọi cáo buộc. Vài ngày sau, Iran bắt giữ tàu chở dầu mang cờ Anh Stena Impero trên Vịnh Ba Tư, nói rằng con tàu này vi phạm các quy định hàng hải.
Mối quan hệ giữa Washington và Tehran đã trở nên căng thẳng kể từ năm 2018, khi mà Mỹ rút khỏi Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA, thỏa thuận hạt nhân Iran) đồng thời áp đặt trở lại các lệnh trừng phạt hà khắc nhằm vào nền kinh tế của Iran.
Động thái trên được tiếp nối bằng hàng loạt vụ việc gây gia tăng căng thẳng trên Vịnh Ba Tư, trong đó một số tàu chở dầu bị tấn công, buộc Mỹ phải tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực. Iran sau đó bắn hạ một máy bay không người lái của Mỹ ở Hormozgan, cho rằng nó vi phạm không phận của họ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận