Indonesia hưởng lợi từ Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện với Australia
Hiệp định IA-CEPA đem lại nhiều lợi ích cho Indonesia trong việc tăng cường hợp tác kinh tế với quốc gia láng giềng Australia.
Ngày 5/7, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Indonesia - Australia (IA-CEPA) chính thức có hiệu lực sau 9 năm đàm phán. Hiệp định này đem lại nhiều lợi ích cho Indonesia trong việc tăng cường hợp tác kinh tế với quốc gia láng giềng Australia.
Lợi ích từ Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện cho Indonesia
Trong cuộc họp báo ngày 5/7, Bộ trưởng Thương mại Indonesia, ông Agus Suparmanto cho biết, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Indonesia-Australia sẽ mang lại lợi ích cho các nhà xuất khẩu Indonesia thông qua việc loại bỏ tất cả các loại thuế quan nhập khẩu của Australia. Điều này có nghĩa là tất cả các sản phẩm của Indonesia xuất khẩu sang thị trường này sẽ được hưởng mức thuế 0%. Các sản phẩm của Indonesia được dự báo sẽ tăng xuất khẩu sau khi Hiệp định trên có hiệu lực bao gồm: ô tô, gỗ và các sản phẩm phái sinh, thủy sản, dệt may, giày dép, công cụ truyền thông và thiết bị điện tử.
Các ngành công nghiệp quốc gia cũng được hưởng lợi từ sự sẵn có của các nguồn nguyên liệu với giá cạnh tranh hơn vì thuế nhập khẩu là 0%. Ngành nhà hàng, khách sạn và công nghiệp phục vụ, cũng như ngành thực phẩm và đồ uống sẽ có giá nguyên liệu cạnh tranh hơn để người tiêu dùng có thể thưởng thức nhiều loại sản phẩm với giá cả phải chăng.
Bộ trưởng Thương mại Indonesia khẳng định: "Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Indonesia-Australia (IA-CEPA) là thỏa thuận toàn diện với phạm vi thương mại hàng hóa không giới hạn, bao gồm cả thương mại dịch vụ, đầu tư và hợp tác kinh tế. Sự đảm bảo của hiệp định này sẽ khuyến khích Indonesia và Australia trở thành đối tác thực sự trong việc tạo ra một mạng lưới cung ứng toàn cầu".
Năm 2019, tổng kim ngạch hàng hóa giữa Indonesia và Australia đạt 7,8 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu của Indonesia sang Australia là 2,3 tỷ USD và nhập khẩu lên tới 5,5 tỷ USD, do đó cán cân thương mại của Indonesia với Australia bị thâm hụt 3,2 tỷ USD. 10 mặt hàng nhập khẩu hàng đầu của Indonesia từ Australia là nguyên liệu thô và các ngành phụ trợ công nghiệp như: lúa mì, đường thô, sữa, kem, than đá, quặng sắt, nhôm và kẽm.
Đầu tư của Australia vào Indonesia năm 2019 đạt 264 triệu USD với 740 dự án trong lĩnh vực khai thác, công nghiệp kim loại, cây lương thực, khách sạn và nhà hàng, điện, khí đốt và nước, công nghiệp thực phẩm, công nghiệp hóa chất và dược phẩm cũng như thương mại và sửa chữa.
Các chính sách hỗ trợ cho việc thực thi Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện
Theo Bộ trưởng Agus, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Indonesia-Australia được thành lập với khái niệm "Nhà máy kinh tế", là sự hợp tác giữa Indonesia và Australia bằng cách tận dụng lợi thế của mỗi quốc gia để nhằm mục tiêu thị trường trong khu vực hoặc ở nước thứ ba. Chẳng hạn như trong ngành công nghiệp thực phẩm chế biến thịt, nguyên liệu được nhập khẩu từ Australia và chế biến ở Indonesia cho thị trường Trung Đông.
Khái niệm này cũng có thể được áp dụng cho các ngành công nghiệp khác. Mặt khác, với Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Indonesia - Australia, các nhà đầu tư quốc gia vạn đảo cũng sẽ được bảo vệ tốt hơn trong việc mở rộng kinh doanh tại Australia.
Về con người và phát triển nguồn nhân lực, Indonesia cũng sẽ đưa ra các chương trình hợp tác như giáo dục nghề nghiệp và các chương trình học nghề được sắp xếp dựa trên nhu cầu của ngành Công nghiệp Indonesia và có sẵn thị thực học nghề ở 9 ngành nghề ưu tiên như: giáo dục, du lịch, viễn thông, phát triển cơ sở hạ tầng, y tế, năng lượng, khai thác, dịch vụ tài chính, công nghệ thông tin và truyền thông.
Indonesia đã ban hành các quy định hỗ trợ cho việc triển khai Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Indonesia - Australia. Thứ nhất là Quy định của Bộ trưởng Bộ Thương mại Indonesia số 63 năm 2020 liên quan đến Quy định về Xuất xứ Hàng hóa Indonesia và Quy định về Phát hành Chứng từ Xuất xứ đối với Hàng hóa từ Indonesia trong Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện giữa Indonesia và Australia.
Thứ hai là Quy định số 81 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính liên quan đến Quy định Thuế quan, Thuế nhập khẩu trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Indonesia-Australia. Thứ ba, Quy định số 82 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính liên quan đến Thủ tục áp dụng thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu theo Thỏa thuận đối tác kinh tế toàn diện Indonesia-Australia.
Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện giữa Indonesia và Australia (IA-CEPA) đã được ký kết tại Jakarta vào ngày 4/3/2019 sau 12 vòng đàm phán và 5 cuộc họp cấp Trưởng đoàn đàm phán kể từ năm 2010.
Trước đó, Quốc hội và Chính phủ Indonesia đã phê chuẩn Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Indonesia-Australia thông qua Luật số 1 năm 2020 vào ngày 28/2./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận