IMF: Triển vọng kinh tế thế giới mấy năm tới chỉ ở “hạng xoàng”
IMF lạc quan hơn về kinh tế Mỹ, nhưng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc và eurozone, cho rằng triển vọng tăng trưởng toàn cầu mấy năm tới không có nhiều khởi sắc...
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 10/10 nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ, đồng thời hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc và khu vực eurozone, cho rằng tăng trưởng kinh tế toàn cầu nói chung vẫn ở mức thấp và không đồng đều. Định chế này cũng cho rằng triển vọng kinh tế toàn cầu trong trung hạn sẽ không có nhiều cải thiện so với hiện nay.
Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới (WEO) mới nhất, IMF giữ nguyên dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) thực toàn cầu năm 2023 ở mức 3%, nhưng hạ 0,1 điểm phần trăm dự báo về năm 2024 so với mức đưa ra hồi tháng 7 còn 2,9%. Như vậy, nền kinh tế toàn cầu sẽ giảm tốc trong cả năm nay và năm tới so với mức tăng 3,5% đã đạt được trong năm 2022.
Tại một cuộc họp báo diễn ra ở Marrakech, Morocco - nơi IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) đang tổ chức chuỗi sự kiện thường niên với sự tham gia của giới chức tài chính đến từ 190 quốc gia và vùng lãnh thổ - nhà kinh tế trưởng Pierre-Olivier Gourinchas của IMF nói rằng nền kinh tế toàn cầu vẫn đang phục hồi từ đại dịch Covid-19, cuộc chiến tranh Nga-Ukraine và cuộc khủng hoảng năng lượng năm 2022, nhưng các xu hướng tăng trưởng ngày càng khác biệt, và triển vọng tăng trưởng trong trung hạn chỉ ở “hạng xoàng”.
NHIỀU RỦI RO PHỦ BÓNG LÊN TRIỂN VỌNG KINH TẾ TOÀN CẦU
Cũng theo ông Gourinchas, các dự báo nhìn chung đang cho thấy khả năng kinh tế thế giới sẽ có được một cuộc “hạ cánh mềm”, nhưng IMF vẫn lo ngại về những rủi ro liên quan đến cuộc khủng hoảng bất động sản ở Trung Quốc, giá hàng hoá cơ bản biến động khó lường, tình trạng phân rã địa kinh tế, và sự trỗi dậy của lạm phát. Xung đột bùng lên giữa Israel và Palestine vào cuối tuần vừa rồi là một rủi ro chưa được tính đến trong dự báo mới nhất của IMF, vì dự báo này đã được chốt vào thời điểm ngày 26/9.
Trong một cuộc trao đổi với hãng tin Reuters, ông Gourinchas nói rằng còn quá sớm để dự báo về ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu trong trường hợp xung đột ở dải Gaza có sự leo thang mạnh mẽ. “Tuỳ theo tình hình, sẽ có rất nhiều kịch bản khác nhau mà chúng tôi còn chưa bắt đầu xem xét, nên chúng tôi chưa thể đưa ra bất kỳ đánh giá nào ở thời điểm này”, ông Gourinchas phát biểu.
Tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang bị kìm hãm bởi ảnh hưởng dai dẳng của đại dịch, cuộc chiến tranh Nga-Ukraine, và sự phân rã gia tăng, cùng với lãi suất cao, các sự kiện thời tiết cực đoan, và sự suy giảm của các biện pháp kích cầu bằng tài khoá - báo cáo của IMF nhận định. Theo ước tính của định chế có trụ sở Washington DC, GDP toàn cầu năm nay sẽ thấp hơn khoảng 3,6 nghìn tỷ USD, tương đương thấp hơn 3,4%, so với dự báo đưa ra trước đại dịch.
“Nền kinh tế toàn cầu đang cho thấy sự vững vàng, không hề bị đánh gục bởi những cú sốc lớn đã xảy ra trong 2-3 năm qua. Nhưng tăng trưởng cũng không tuyệt vời. Chúng ta đang chứng kiến một nền kinh tế toàn cầu đang di chuyển chậm chạp và chưa có dấu hiệu của một cuộc chạy nước rút”, ông Gourinchas nói với Reuters.
Triển vọng trung hạn của kinh tế thế giới cũng không khá hơn. IMF dự báo mức tăng trưởng toàn cầu 3,1% cho năm 2028, chỉ nhỉnh hơn chút ít so với triển vọng của năm 2023 và 2024. Thời điểm trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009, IMF đưa ra mức dự báo tăng trưởng toàn cầu sau 5 năm là 4,9%.
“Thế giới đang có nhiều bấp bênh. Sự phân rã địa kinh tế, tăng trưởng năng suất thấp, và các xu hướng nhân khẩu học không có lợi. Tất cả những yếu tố này dẫn tới sự giảm tốc của tăng trưởng trong trung hạn”, ông Gourinchas nhấn mạnh.
LẠM PHÁT GIẢM, NHƯNG CHƯA ĐẾN LÚC NỚI LỎNG CHÍNH SÁCH TIỀN TỆ
Lạm phát đang tiếp tục giảm trên toàn cầu, chủ yếu do giá năng lượng giảm và một phần do giá lương thực-thực phẩm xuống thang. Theo dự báo của IMF, lạm phát bình quân toàn cầu năm nay sẽ là 6,9%, giảm từ mức 8,7% trong năm 2022, và tiếp tục giảm còn 5,8% trong năm 2024.
Lạm phát lõi, chỉ số không bao gồm giá lương thực-thực phẩm và năng lượng, giảm chậm hơn, còn 6,3% trong năm 2023 từ 6,4% trong năm 2022, và còn 5,3% trong năm 2024. Nguyên nhân lạm phát lõi giảm chậm là thị trường lao động còn thắt chặt và lạm phát giá dịch vụ dai dẳng hơn dự báo - theo IMF.
“Chúng ta vẫn chưa đến được đó”, ông Gourinchas nói tại một cuộc họp báo khi được hỏi về việc lạm phát đã thực sự được khống chế hay chưa. Ông cũng cho biết IMF khuyến cáo các ngân hàng trung ương không nên nới lỏng chính sách tiền tệ quá sớm.
IMF nhận định thị trường việc làm nhìn chung vẫn sôi động và tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục ở mức thấp lịch sử tại hầu hết các nền kinh tế phát triển, nhưng chưa có nhiều bằng chứng cho thấy một vòng xoáy tăng lương có thể dẫn tới sự bùng nổ trở lại của lạm phát, ngay cả khi công nhân ô tô Mỹ đang tiến hành một cuộc đình công lớn.
“Chúng tôi chưa nhận thấy những dấu hiệu rõ rệt của vòng xoáy tăng lương-tăng giá vượt khỏi tầm kiểm soát”, ông Gourinchas nói.
Theo nhà kinh tế trưởng của IMF, sự bấp bênh trong nền kinh tế toàn cầu ở thời điểm hiện tại đã giảm xuống đáng kể so với khi IMF đưa ra dự báo WEO hồi tháng 4, nhưng triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2024 đối mặt với nhiều rủi ro giảm tốc hơn là khả năng tăng tốc. Dù vậy, khả năng tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm dưới 2%, mức tăng trưởng mới chỉ xuất hiện 5 lần kể từ năm 1970, hiện chỉ là 15%, so với ngưỡng 25% hồi tháng 4.
IMF lưu ý rằng hoạt động đầu tư trên toàn cầu đang thấp hơn so với trước đại dịch, trong đó các doanh nghiệp đều ngại mở rộng sản xuất-kinh doanh và không muốn dấn thân vào rủi ro trong bối cảnh lãi suất tăng, chính phủ ngừng các biện pháp kích cầu tài khoá, và các điều kiện cho vay trở nên thắt chặt hơn trước.
Ông Gourinchas cho biết IMF đang kêu gọi các quốc gia tiếp tục cảnh giác về chính sách tiền tệ cho đến khi lạm phát giảm về mục tiêu một cách bền vững, đồng thời kêu gọi các nước xây dựng lại tấm đệm tài khoá đã trở nên mỏng manh để có đủ năng lực giải quyết những thách thức hoặc cú sốc trong tương lai.
IMF LẠC QUAN VỀ KINH TẾ MỸ
Trong dự báo này, IMF nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ thêm 0,3 điểm phần trăm lên 2,1% cho năm 2023 và thêm 0,5 điểm phần trăm lên 1,5% cho năm 2024, với lý do đầu tư kinh doanh mạnh hơn và tiêu dùng ngày càng tăng. Sự lạc quan này của IMF đưa Mỹ trở thành nền kinh tế lớn duy nhất trên thế giới đứng trước khả năng đạt mức GDP cao hơn so với các dự báo đưa ra trước đại dịch.
Ngược lại, GDP của Trung Quốc được IMF dự báo tăng 5% trong năm 2023 và 4,2% vào năm 2024, giảm tương ứng là 0,2 và 0,3 điểm phần trăm so với lần dự báo trước. Nguyên nhân của sự giảm tốc này, theo IMF, chủ yếu do khủng hoảng bất động sản ở Trung Quốc và nhu cầu toàn cầu suy yếu.
Ông Gourinchas cho rằng Trung Quốc cần có “hành động mạnh mẽ” để giải quyết cuộc khủng hoảng bất động sản. Ông nói dù Chính phủ Trung Quốc đã thực hiện một số biện pháp để cải thiện tình hình nhưng vẫn cần phải làm nhiều việc hơn nữa. “Nếu không, có khả năng cuộc khủng hoảng đó sẽ trở nên trầm trọng hơn hơn”, nhà kinh tế IMF cảnh báo.
IMF cũng cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực eurozone xuống 0,7% vào năm 2023 và 1,2% vào năm 2024, từ các mức dự báo tương ứng 0,9% và 1,5% đưa ra hồi tháng 7.
Giống như eurozone, nền kinh tế Anh bị ảnh hưởng tiêu cực bởi cú sốc giá năng lượng cao trong năm ngoái. IMF dự báo kinh tế Anh tăng trưởng 0,5% trong năm nay, tăng 0,1 điểm phần trăm so với lần dự báo trước; và tăng 0,6% trong năm 2024, giảm 0,4 điểm phần trăm so với dự báo trước.
Về kinh tế Nhật Bản, IMF dự báo mức tăng 2% trong năm 2023, tăng 0,6 điểm phần trăm so với dự báo trước, nhờ các yếu tố bao gồm sự bung mở của nhu cầu bị dồn nén trong thời gian đại dịch, du lịch phục hồi mạnh, chính sách tiền tệ nới lỏng, và xuất khẩu ô tô khởi sắc. IMF giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế Nhật Bản năm 2024 ở mức 1%.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận