IMF giúp ông Trump thực hiện chiến lược hạ giá đồng USD?
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định giống Tổng thống Trump, đồng USD đang bị định giá cao hơn giá trị thực từ 6-12%.
CNBC của Mỹ ngày 17/7 dẫn một thông báo từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết, đồng USD đang bị định giá cao hơn từ 6-12% so với giá trị thực, dựa trên các yếu tố kinh tế nền tảng ngắn hạn.
Trong khi đó, các đồng tiền Euro, Yên Nhật và Nhân dân tệ của Trung Quốc nhìn chung có mức tỷ giá phù hợp với tình trạng nền kinh tế tương ứng.
Tuy nhiên, mô hình của IMF cho rằng do triển vọng chính sách khó đoán trước của Bắc Kinh, tỷ giá Nhân dân tệ hiện nay có thể thấp hơn 11,5% hoặc cao hơn 8,5% so với giá trị thực.
Trong báo cáo thường niên mang tên External Sector Report (tạm dịch: Báo cáo khu vực bên ngoài), IMF cho thấy thâm hụt tài khoản vãng lai vẫn duy trì ở Mỹ, Anh và một số nền kinh tế mới nổi.
Các hành động chính sách thương mại gần đây đang đặt ra sức ép lên các dòng chảy thương mại toàn cầu, gây xói mòn niềm tin và gián đoạn hoạt động đầu tư. Tuy nhiên, những hành động chính sách như vậy đến nay vẫn chưa có tác dụng gì trong việc đảo ngược những mất cân đối về cán cân vãng lai.
Thay vì "ăn miếng trả miếng" bằng thuế quan, IMF khuyến nghị các quốc gia có thặng dư và thâm hụt cán cân vãng lai nên khôi phục các nỗ lực tự do hóa thương mại và củng cố hệ thống thương mại đa phương dựa trên nguyên tắc đã duy trì suốt 75 năm qua.
Báo cáo khuyến nghị những nước có thâm hụt cán cân vãng lai như Mỹ và Anh nên cắt giảm chi tiêu sao cho không gây ảnh hưởng đến tăng trưởng, trong khi những nước có thặng dư cán cân vãng lai như Đức, Hà Lan và Hàn Quốc nên tăng đầu tư cơ sở hạ tầng và tránh tiết kiệm thái quá.
Các hành động chính sách thương mại gần đây đang đặt ra sức ép lên các dòng chảy thương mại toàn cầu, gây xói mòn niềm tin và gián đoạn hoạt động đầu tư. Tuy nhiên, IMF nói những hành động chính sách như vậy đến nay vẫn chưa có tác dụng gì trong việc đảo ngược những mất cân đối về cán cân vãng lai.
IMF lâu nay không đồng tình với việc Tổng thống Donald Trump sử dụng thuế quan để giải quyết mất cân đối thương mại.
Tuy nhiên, đánh giá của IMF về giá trị thực của đồng USD có thể giúp ông Trump củng cố quan điểm: đồng USD của nước Mỹ đang mạnh hơn giá trị thực và điều này gây thiệt hại cho lĩnh vực xuất khẩu của Mỹ.
Ông Trump hồi tuần trước đã yêu cầu các trợ lý của mình tìm cách phá giá đồng USD nhằm thúc đẩy nền kinh tế trước cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020.
Theo vị Tổng thống Mỹ, độ mạnh của đồng USD trong các thị trường ngoại hối đã gây khó khăn cho chính nước Mỹ.
Đồng USD mạnh sẽ giúp người tiêu dùng Mỹ hưởng lợi khi mua hàng hóa nước ngoài, song lại có thể gây khó khăn cho các nhà xuất khẩu nội địa vì các nước khác buộc phải bỏ nhiều tiền hơn để mua vào những hàng hóa sản xuất tại Mỹ.
Ông cáo buộc các nước khác như Trung Quốc và EU đã phá giá đồng tiền của họ, dẫn đến tình trạng thổi phồng thêm mức thâm hụt thương mại của Mỹ.
Vấn đề thâm hụt thương mại là điểm nhấn của ông Trump từ khi lên làm Tổng thống. Giảm thâm hụt thương mại với Trung Quốc và châu Âu là một trong những ưu tiên chính sách điều hành đất nước của Tổng thống Trump. Chính điều này đã khiến ông Trump triển khai các cuộc tấn công thuế quan.
Một trong những trở ngại khiến Tổng thống Mỹ không thể phá giá được đồng USD như ý muốn là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).
Ông Trump nói rằng, đồng USD đang ở vào thế bất lợi so với các đồng tiền chủ chốt khác như đồng Euro do các ngân hàng trung ương khác giữ lãi suất ở mức thấp còn FED lại áp dụng mức lãi suất cao hơn.
Từ khi lên cầm quyền, ông đã nhiều lần phê phán ngân hàng trung ương này về chính sách tiền tệ mà ông cho là thắt chặt, gây cản trở tăng trưởng kinh tế Mỹ. Trong năm 2018, FED nâng lãi suất 4 lần. Sau đó, ông Trump đã nói rằng, các quan chức của FED "chẳng hề có cảm nhận gì về thị trường".
Trong một cuộc trao đổi với hãng tin CNBC, ông Trump còn nói FED "đã phạm một sai lầm lớn. Họ nâng lãi suất quá nhiều, quá nhanh". Ông cho rằng Trung Quốc vẫn đang tiếp tục định giá đồng Nhân dân tệ thấp hơn so với giá trị thực để giành lợi thế trước Mỹ.
Nhà lãnh đạo Mỹ không quên cảnh báo người đứng đầu FED - Chủ tịch Jerome Powell rằng, ông có thể thay đổi vị này nếu tiếp tục đi ngược lại các chính sách của ông. Đây cũng là điều ông Trump luôn dậm dọa nhưng đã không làm.
"Đừng quên là người chỉ đạo ngân hàng trung ương ở Trung Quốc chính là Chủ tịch Tập Cận Bình. Ông ấy có thể làm bất kỳ điều gì ông ấy muốn" - ông Trump nhấn mạnh.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận