menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Hiểu Minh

IMF dự báo nhu cầu nhà ở mới ở Trung Quốc sẽ giảm khoảng 50% trong 10 năm tới

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nhu cầu về nhà ở mới tại Trung Quốc sẽ giảm khoảng 50% trong thập kỷ tới, khiến Bắc Kinh khó có thể nhanh chóng thúc đẩy tăng trưởng chung của đất nước.

Nhận định trên được đưa ra trong báo cáo mới nhất về Trung Quốc do IMF công bố vào ngày 02/02. Báo cáo của IMF đã so sánh nhu cầu nhà ở và những dự án khởi công mới từ giai đoạn 2012 đến 2021 với ước tính cho giai đoạn 2024 đến 2033.

IMF cho biết “nhu cầu cơ bản về nhà ở mới” tại Trung Quốc sẽ giảm từ 35% đến 55% do số hộ gia đình mới ở thành thị giảm và lượng lớn nhà ở chưa hoàn thiện hoặc bị bỏ trống.

Báo cáo nhấn mạnh nhu cầu về nhà ở mới ít hơn sẽ khiến việc hấp thụ hàng tồn kho dư thừa trở nên khó khăn hơn, “kéo dài quá trình điều chỉnh trong trung hạn và gây áp lực lên tăng trưởng”.

Lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc và các ngành liên quan chiếm khoảng 1/4 tổng sản phẩm quốc nội của đất nước. Cuộc khủng hoảng của thị trường bất động sản diễn ra sau khi Bắc Kinh đưa ra chính sách “ba lằn ranh đỏ” vào năm 2020 để kiểm soát các nhà phát triển phụ thuộc nhiều vào nợ để tăng trưởng.

Zhengxin Zhang, đại diện Trung Quốc tại IMF, không đồng tình với nhận định của IMF bởi cho rằng điều này đã “đánh giá quá mức nguy cơ suy thoái của thị trường”. Zhang cho biết nhu cầu nhà ở của Trung Quốc sẽ vẫn lớn và hỗ trợ chính sách sẽ dần dần có hiệu lực.

Lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc tăng trưởng nhanh chóng trong vài thập kỷ qua, khiến các nhà chức trách phải cảnh báo không nên đặt cược vào sự tăng giá và nhấn mạnh rằng “nhà là để ở chứ không phải để đầu cơ”.

IMF chỉ ra rằng trong những năm 2010, tỷ trọng đầu tư nhà ở trong GDP ở Trung Quốc gần bằng hoặc cao hơn mức đỉnh điểm của thời kỳ bùng nổ bất động sản tại các quốc gia khác trong quá khứ.

Báo cáo của IMF cho biết: “Sự điều chỉnh lớn trên thị trường bất động sản, sau những nỗ lực của chính phủ nhằm kiềm chế đòn bẩy trong giai đoạn 2020-21, đã được đảm bảo và cần phải tiếp tục”.

Ba năm qua cũng chứng kiến các nhà phát triển mắc nợ nhiều từ Evergrande đến Country Garden vỡ nợ bằng đồng đô la Mỹ do các nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ. Tuần này, một tòa án Hồng Kông đã ra lệnh thanh lý tài sản của Evergrande.

Kể từ cuối năm 2022, chính quyền Trung Quốc đã thực hiện các giải pháp nhằm giảm bớt các hạn chế tài chính đối với nhà phát triển và người mua nhà mới. Tuy nhiên, những nỗ lực của chính quyền trung ương và địa phương vẫn chưa ngăn chặn đáng kể sự suy giảm rộng hơn trong lĩnh vực này.

Sonali Jain-Chandra, Giám đốc phái đoàn của IMF tại Trung Quốc, châu Á và Thái Bình Dương, cho biết: “Điều quan trọng là chính phủ trung ương phải tăng cường tài chính để hoàn thành những ngôi nhà đã được rao bán trước”.

Bà nói: “Đây là một yếu tố khác kìm hãm niềm tin vào thị trường”.

Niềm tin của người tiêu dung Trung Quốc đã giảm trong bối cảnh không chắc chắn về thu nhập trong tương lai. Thị trường chứng khoán Trung Quốc cũng đã giảm từ đầu năm đến nay.

Chính sách tài khóa “chủ động”

IMF lưu ý rằng chính quyền Trung Quốc coi lập trường tài chính vào năm 2023 là “chủ động” và sẽ duy trì lập trường như vậy trong năm tới.

Báo cáo của IMF cho biết: “Các nhà chức trách đang phát triển một gói chính sách nhằm ngăn chặn và giải quyết rủi ro nợ [của chính quyền địa phương]”. Khi được hỏi, Jain-Chandra cho biết bà không có thông tin chi tiết về quy mô dự kiến của các biện pháp trên.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, lượng tiền mặt mà các ngân hàng phải nắm giữ, xuống 50 điểm cơ bản từ ngày 05/02. Đây là mức cắt giảm lớn nhất kể từ năm 2021.

Nir Klein, phó trưởng phái đoàn phụ trách Trung Quốc, châu Á và Thái Bình Dương của IMF, phát biểu: “Chúng tôi nghĩ rằng đây là một bước đi đúng hướng, nhưng chúng tôi cho rằng cần phải nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa, đặc biệt là công cụ lãi suất chính sách”.

“Đồng thời, chúng tôi cho rằng Trung Quốc cần thực hiện một số cải cách chính sách tiền tệ”, ông nói.

Dự kiến tăng trưởng GDP chậm lại

Nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 5,2% vào năm 2023, theo số liệu chính thức công bố vào tháng 1/2024.

Con số này thấp hơn mức 5,4% mà IMF đã dự đoán tính đến tháng 12/2023, một sai số mà Jain-Chandra cho rằng là do “tiêu dùng yếu hơn dự kiến trong quý 4”.

Các tổ chức tín dụng quốc tế dự đoán tăng trưởng của Trung Quốc sẽ chậm lại ở mức 4,6% trong năm 2024.

Phân tích của IMF cho thấy việc chuyển sản xuất chuỗi cung ứng – về quê hương hoặc sang các nước đồng minh – có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 6% ở Trung Quốc và 1,8% trên toàn cầu.

IMF dự kiến lạm phát sẽ tăng cao trong năm nay lên 1,3% và lưu ý rằng giá năng lượng và thực phẩm giảm là nguyên nhân chính khiến giá cả giảm vào năm 2023.

Chỉ số giá tiêu dùng cốt lõi tại Trung Quốc, không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng, tăng 0,7% trong năm ngoái, còn CPI chung tăng hơn 0,2%.

Báo cáo của cũng IMF chỉ ra rằng nhà ở đã thúc đẩy lạm phát ở các nước khác, nhưng ở Trung Quốc, sự sụt giảm bất động sản mới là thứ đè nặng lên giá cả.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
1 Yêu thích
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại