IMF cho vay giãn nợ để giúp 25 quốc gia đối phó với đại dịch Covid-19
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết hôm thứ Hai rằng sẽ cho vay giãn nợ ngay lập tức với 25 quốc gia thành viên theo Cơ chế Ngăn chặn và Cứu trợ Thảm họa (CCRT) để giúp họ có thể tập trung nguồn lực tài chính lớn hơn cho cuộc chiến với đại dịch Covid-19.
Giám đốc điều hành IMF, bà Kristalina Georgieva, cho biết ban điều hành Quỹ đã phê duyệt vào thứ Hai cho nhóm các nước đầu tiên nhận được hỗ trợ đối với nghĩa vụ trả nợ của họ, trước mắt là trong sáu tháng.
Bà cho biết CCRT đang có sẵn khoảng 500 triệu đô la, bao gồm các cam kết mới trị giá 185 triệu đô la từ Anh, 100 triệu đô la từ Nhật Bản và số tiền chưa được tiết lộ từ Trung Quốc, Hà Lan và các nước khác. Quỹ đang nỗ lực để nâng số tiền lên 1,4 tỷ đô la.
Khoảng 215 triệu đô la trong tổng số nói trên sẽ được sử dụng để tài trợ cho 25 quốc gia đầu tiên trong thời hạn sáu tháng, với gia hạn có thể lên đến 2 năm, một phát ngôn viên của IMF cho biết.
"Cơ chế này cung cấp các khoản tài trợ cho các thành viên nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất của chúng tôi để trang trải các nghĩa vụ nợ IMF của họ, trước mắt là trong sáu tháng, qua đó sẽ giúp họ sử dụng nguồn lực tài chính đang khan hiếm của mình cho các nỗ lực cứu trợ khẩn cấp," Georgieva nói.
Bà cũng kêu gọi các quốc gia tài trợ khác giúp bổ sung tài chính cho cơ chế CCRT và tăng khả năng tài trợ của Quỹ để cung cấp cứu trợ nợ trong hai năm cho các nước thành viên nghèo nhất.
Eric LeCompte, giám đốc điều hành của Jubilee USA Network, một tổ chức phi lợi nhuận, cho biết các khoản tài trợ sẽ giúp các thành viên nghèo nhất của IMF, bao gồm cả Cộng hòa Trung Phi - quốc gia chỉ có 3 đơn vị chăm sóc đặc biệt cho dân số 5 triệu người.
"Đây là một khởi đầu tuyệt vời, nhưng chúng tôi cần nhiều nhà tài trợ hơn để có thể cung cấp dịch vụ cứu trợ này," ông nói, đồng thời bổ sung rằng IMF cũng nên xem xét việc bán một phần dự trữ vàng của mình, hiện trị giá khoảng 140 tỷ đô la, để tăng quỹ tài trờ - hành động đã từng được tổ chức này thực hiện trong các cuộc khủng hoảng trước đây.
Một phát ngôn viên của IMF cho biết Quỹ đang tính toán các hành động có thể được thực hiện trong thời gian sớm nhất, nhưng việc bán dự trữ vàng chưa được tính đến.
IMF vào tháng 3 đã phê duyệt cơ chế thay đổi, cho phép CCRT cung cấp các cứu trợ nợ thời hạn tới hai năm cho các thành viên nghèo nhất của Quỹ khi họ phải đối phó với sự bùng phát của đại dịch Covid-19.
Những thay đổi này cho phép các quốc gia yêu cầu được viện trợ ngay cả khi dịch bệnh chưa gây ra tác động đáng kể đối với họ.
Theo thống kê mới nhất, đã có xấp xỉ 2 triệu người được báo cáo là bị nhiễm virus corona trên toàn cầu và gần 119,6 nghìn người đã chết.
Cơ chế trước đây của CCRT đã từng được sử dụng để cứu trợ cho Haiti sau trận động đất kinh hoàng xảy ra ở đảo quốc này năm 2010.
Được đổi tên thành CCRT, cơ chế này cũng đã được sử dụng để cung cấp cứu trợ cho các quốc gia bị ảnh hưởng bởi dịch Ebola 2014.
Các quốc gia đầu tiên sẽ nhận được cứu trợ nợ từ CCRT lần này là Afghanistan, Bê-nanh, Burkina Faso, Cộng hòa Trung Phi, Chad, Comoros, Cộng hòa Dân chủ Congo, Gambia, Guinea, Guinea-Bissau, Haiti, Liberia, Madagascar, Malawi, Mali, Mozambique, Nepal, Nigeria, Rwanda, São Tomé và Príncipe, Sierra Leone, Quần đảo Solomon, Tajikistan, Togo và Yemen, IMF cho biết.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận