IMF: Các ngân hàng trung ương châu Á cần hành động độc lập với Fed
Các ngân hàng trung ương ở châu Á nên điều chỉnh chính sách tiền tệ dựa trên các yếu tố cơ bản của từng nền kinh tế, không nên quá tập trung vào quỹ đạo lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), theo Krishna Srinivasan, Giám đốc ban châu Á-Thái Bình Dương của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).
Theo ông, điều quan trọng là các nước châu Á phải cho phép tỷ giá hối đoái hoạt động như bộ đệm chống lại cú sốc để đạt được mục tiêu ổn định giá cả. Nếu biến động tỷ giá hối đoái dẫn đến lạm phát cao hơn thì các nước trong khu vực có thể xem đó là lý do để thắt chặt lãi suất. Mặt khác, các nước cần xem điều gì đang xảy ra với lạm phát trong nước để điều chỉnh chính sách phù hợp.
Cũng theo ông, các nước châu Á đang ở vị thế thuận lợi hơn để ứng phó biến động tỷ giá hối đoái gần đây vì có ít khó khăn tài chính hơn và có nền tảng vĩ mô và khuôn khổ thể chế tốt hơn.
Tuy nhiên, các nước châu Á cần xem thúc đẩy củng cố tài khóa là một ưu tiên cấp bách nhằm giảm bớt gánh nặng về nợ nần và xây dựng lại không gian tài khóa cần thiết để giải quyết các thách thức mang tính cấu trúc trong trung hạn. Vì vậy, các ngân hàng trung ương châu Á nên tiếp tục theo dõi một cách thận trọng sự gia tăng rủi ro liên quan đến tác động của chính sách tiền tệ thắt chặt hơn tới bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp và hộ gia đình.
Theo báo cáo triển vọng kinh tế của IMF, bất chấp nhu cầu tăng trưởng mạnh mẽ, lạm phát ở châu Á vẫn tiếp tục hạ nhiệt. Tác động của động thái thắt chặt tiền tệ trước đó, đà giảm của giá cả hàng hóa toàn cầu cũng như tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng giảm bớt sau đại dịch Covid-19 cùng góp phần dẫn đến kết quả này.
Tuy nhiên, tốc độ suy giảm lạm phát diễn ra không đồng đều. Ở một số nền kinh tế tiên tiến, đặc biệt là New Zealand, Úc và Hàn Quốc, chi phí dịch vụ cao dai dẳng khiến lạm phát vẫn cao hơn mục tiêu. Ngược lại, ở Thái Lan và Trung Quốc, giá cả tiêu dùng có xu hướng giảm.
Điều này có nghĩa là các nước cần theo đuổi các chính sách khác nhau. Ở những nền kinh tế mà lạm phát vẫn tăng cao, các ngân hàng trung ương có thể cần duy trì lãi suất cao trong thời gian dài hơn. Ở những nền kinh tế có lạm phát cốt lõi ngang bằng hoặc gần bằng mức mục tiêu, dư địa để giảm lãi suất có thể xuất hiện vào cuối năm nay.
Báo cáo của IMF nâng dự báo tăng trưởng GDP của châu Á lên 4,5% trong năm 2024, tăng 0,3 điểm phần trăm so với dự báo mà tổ chức này đưa ra vào tháng 10 năm ngoái. IMF vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng 4,3% cho khu vực trong năm 2025. Các con số này đều thấp hơn mức tăng trưởng 5% của khu vực trong năm 2023.
Dự báo mới nhất được đưa ra sau khi IMF có những đánh giá lạc quan hơn về triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc và Ấn Độ trong năm nay.
Trung Quốc đã tăng cường chi tiêu trong năm nay để thúc đẩy tăng trưởng đạt mục tiêu khoảng 5% trong năm nay. Tại Ấn Độ, chính phủ cũng tăng chi tiêu ngân sách thêm hơn 30% trong năm 2024, đánh dấu năm tăng thứ 3 liên tiếp.
IMF nhận định, GDP thực tế của Trung Quốc dự kiến tăng 4,6% vào năm 2024, cao hơn 0,4 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 10. Đối với Ấn Độ, IMF nâng dự báo tăng trưởng lên 6,8%, cao hơn 0,5 điểm phần trăm so với dự báo trước đây
Tuy nhiên, IMF cảnh báo nền kinh tế khu vực vẫn còn đối mặt một số rủi ro. Rủi ro lớn nhất là cơn suy thoái dài hạn của lĩnh vực bất động sản ở Trung Quốc, có thể làm suy yếu nhu cầu và kéo dài tình trạng giảm phát ở nước này. Giá hàng hóa xuất khẩu giảm của Trung Quốc đang gây áp lực lên tỷ suất lợi nhuận của các đối thủ cạnh tranh ở châu Á.
Phân tích gần đây của IMF cho thấy, đà giảm của giá hàng hóa xuất khẩu từ Trung Quốc làm giảm cả giá và khối lượng hàng hóa xuất khẩu của các nền kinh tế châu Á khác, đặc biệt là những nền kinh tế có cơ cấu xuất khẩu tương tự.
Theo đó, các thách thức khác đối với kinh tế châu Á bao gồm thâm hụt tài khóa ngày càng tăng trong khu vực và rủi ro thương mại do căng thẳng Mỹ-Trung dâng cao.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận