IEA: Thị trường dầu mỏ toàn cầu sẽ đối mặt với tình trạng dư cung vào năm tới
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), thị trường dầu mỏ toàn cầu đang phải đối mặt với tình trạng dư cung hơn 1 triệu thùng/ngày vào năm tới do nhu cầu của Trung Quốc tiếp tục suy giảm trước tình hình bất ổn ở Trung Đông và nhiều nơi khác.
Trong báo cáo hàng tháng mới nhất được công bố hôm thứ Năm (14/11), IEA cho biết lượng tiêu thụ dầu ở Trung Quốc - quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới - đã giảm trong 6 tháng liên tiếp tính đến tháng 9 và dự kiến sẽ tăng trong năm nay với tốc độ chỉ bằng một phần nhỏ so với tốc độ của năm 2023.
Theo IEA, tình trạng dư thừa toàn cầu sẽ còn lớn hơn nữa nếu OPEC+ quyết định tiếp tục các kế hoạch khôi phục sản lượng đã trì hoãn trong cuộc họp của liên minh được tổ chức vào tháng tới.
“Có khả năng nhu cầu dầu của Trung Quốc đã đạt đỉnh…Không chỉ nền kinh tế và sự chậm lại trong lĩnh vực xây dựng, đó là quá trình chuyển đổi sang xe điện, đường sắt cao tốc và khí đốt trong vận tải đang làm suy yếu sự tăng trưởng nhu cầu dầu của Trung Quốc", Toril Bosoni, Trưởng phòng Thị trường và Ngành công nghiệp Dầu mỏ của IEA cho biết.
“Sự suy thoái rõ rệt của Trung Quốc là lực cản chính đối với nhu cầu… Việc triển khai nhanh chóng các công nghệ năng lượng sạch cũng đang ngày càng thay thế dầu mỏ trong vận tải và sản xuất điện, tạo thêm áp lực giảm đối với các động lực nhu cầu yếu kém khác”, IEA cho biết.
Trong bối cảnh nhu cầu của Trung Quốc suy yếu kéo dài, giá dầu thô đã giảm 11% kể từ đầu tháng 10 mặc dù tình hình căng thẳng địa chính trị giữa Israel và Iran vẫn đang diễn ra, khi các nhà đầu tư tập trung vào sản lượng ngày càng tăng ở châu Mỹ.
“Sự sụt giảm này báo trước một thị trường được cung cấp tốt vào năm 2025", IEA cho biết.
Theo IEA, mức tiêu thụ dầu toàn cầu sẽ tăng 920.000 thùng/ngày trong năm nay - ít hơn một nửa so với mức năm 2023 - và đạt mức trung bình 102,8 triệu thùng/ngày. Năm tới, nhu cầu dự kiến sẽ tăng 990.000 thùng/ngày.
"Tốc độ tăng trưởng dưới 1 triệu thùng/ngày trong cả hai năm phản ánh tình hình kinh tế toàn cầu dưới mức trung bình với việc giải phóng nhu cầu bị dồn nén sau đại dịch hiện đã hoàn tất ", IEA cho biết.
Bên cạnh đó, IEA đã dự đoán vào đầu năm nay rằng nhu cầu thế giới sẽ ngừng tăng trong thập kỷ này trong bối cảnh chuyển dịch từ nhiên liệu hóa thạch sang xe điện và năng lượng tái tạo.
Trong khi nhu cầu đã và đang tăng trưởng chậm lại, IEA dự đoán nguồn cung từ các nhà sản xuất dầu mỏ như Mỹ, Brazil, Canada và Guyana sẽ tăng thêm 1,5 triệu thùng/ngày trong năm nay và năm tới. Do đó, nguồn cung sẽ vượt cầu vào năm tới hơn 1 triệu thùng/ngày, ngay cả khi liên minh OPEC+ từ bỏ kế hoạch khôi phục sản lượng.
Trước đó, OPEC+ đã tìm cách khôi phục lại sản lượng đã được cắt giảm kể từ năm 2022, nhưng đã buộc phải trì hoãn động thái này hai lần vì thị trường dầu mỏ vẫn còn rất mong manh. Hiện tại, OPEC+ có kế hoạch bắt đầu một loạt các đợt tăng sản lượng hàng tháng với mức tăng khiêm tốn 180.000 thùng/ngày vào tháng 1 và sẽ họp vào ngày 1/12 để xem xét quyết định này.
Mới đây, OPEC đã tiếp tục cắt giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu trong năm nay do nhu cầu chậm lại ở Trung Quốc. Tuy nhiên, dự báo tăng trưởng 1,8 triệu thùng/ngày của OPEC vẫn cao gấp đôi so với tốc độ mà IEA kỳ vọng và cao hơn hầu hết các cơ quan dự báo khác.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận