IEA: Không phải nhà khai thác dầu nào cũng có thể tồn tại đến cuối cùng
Có một “sự thật khó chấp nhận” là các công ty khai thác dầu khí sẽ cần phải thu hẹp quy mô hoạt động của họ trong thời gian tới để hạn chế hiện tượng nóng lên toàn cầu do phát thải khí nhà kính (GHG), Argus Media trích báo cáo mới nhất của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) được công bố trước thềm Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu lần thứ 28 của Liên Hiệp Quốc (COP28) vào tuần tới.
Tuy nhiên, không có nhiều lựa chọn cho các công ty và quốc gia phụ thuộc vào hydrocarbon để chuyển đổi sang các phương án thay thế có lợi nhuận tương đương trong một thế giới phát thải ròng bằng 0.
Nếu các chính phủ thực hiện đúng cam kết đã công bố và hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,7°C vào năm 2050, nhu cầu dầu khí sẽ giảm 45% so với hiện nay. Việc hạn chế sự nóng lên ở mức 1,5°C sẽ khiến sản lượng hydrocarbon giảm 75% vào năm 2050, báo cáo cho biết.
Theo IEA, để tránh bị tổn hại, các công ty sẽ phải chuyển sang sản xuất các dạng năng lượng sạch hơn với lợi nhuận trên vốn thấp hơn nhưng đáng tin cậy hơn. Cơ quan này ước tính lợi nhuận trên vốn sử dụng cho các dự án năng lượng sạch là 6% trong năm 2010-2022, thấp hơn con số 6-9% đối với khai thác dầu khí.
Các quốc gia Trung Đông có lợi thế trong việc khai thác dầu khí với chi phí thấp. Trong khi đó, khu vực này cùng với Na Uy sẽ dẫn dầu trong việc khai thác dầu khí với cường độ phát thải thấp.
IEA cho biết “một yếu tố” cần có trong tất cả các chiến lược chuyển đổi của các công ty dầu khí là giảm lượng khí thải từ hoạt động của ngành. Nhưng cơ quan cũng cảnh báo về "những kỳ vọng quá mức và sự phụ thuộc vào" việc thu hồi, sử dụng và lưu trữ carbon (CCUS) để biện minh cho việc tiếp tục duy trì mức sản lượng hiện tại.
Hạn chế sự nóng lên ở mức 1,5°C vào năm 2050 trong khi khai thác nhiều dầu và khí đốt như theo các chính sách hiện hành sẽ cần lượng điện lớn hơn tổng sản lượng điện của cả thế giới hiện tại. Ngoài ra, nó cũng đòi hỏi khoản đầu tư 3,5 nghìn tỷ USD/năm cho đến năm 2050, nhiều hơn doanh thu hàng năm của ngành năng lượng trong những năm gần đây.
Lựa chọn đắt đỏ
IEA cho biết các nhà khai thác hydrocarbon có thể có lợi thế để đa dạng hóa sang năng lượng sạch, nhưng mọi biện pháp đều dẫn đến chi phí tăng mạnh.
Theo báo cáo, các công ty dầu mỏ quốc doanh có thể tận dụng lợi thế của mình để chuyển sang khai thác hỗn hợp các sản phẩm dầu cho mục đích không đốt cháy và nhiên liệu lỏng sinh học và hydro. Nó gợi ý rằng các công ty lớn có thể chuyển một nửa sản lượng năng lượng của họ sang điện tái tạo, đồng thời mở rộng sản xuất nhiên liệu sinh học và hydro. Và các công ty khí đốt độc lập có thể đầu tư vào biomethane, hydro và CCUS.
Tất cả các lựa chọn này sẽ tốn kém hơn so với hiện trạng sử dụng nhiên liệu hóa thạch. IEA ước tính, các công ty sẽ phải đầu tư gấp hai đến ba lần so với hiện tại để đạt được những mục tiêu này. Theo báo cáo, để duy trì thu nhập ổn định, một công ty dầu khí nhà nước sản xuất nhiên liệu lỏng có hàm lượng carbon thấp sẽ cần phải bán chúng với giá 200 USD/thùng dầu tương đương (boe) vào năm 2030, cao hơn gấp đôi giá dầu hiện tại.
Các quốc gia phụ thuộc nhiều vào doanh thu từ khai thác hydrocarbon có nguy cơ mất một lượng lớn thu nhập nếu tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch đi theo con đường đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Thu nhập bình quân đầu người từ dầu khí ở 10 quốc gia khai thác ở Trung Đông, Châu Phi và Mỹ Latinh có thể giảm 70% vào năm 2030 và 90% vào năm 2050 trong kịch bản này.
Các quốc gia này phải đối mặt với một số thách thức chung bao gồm năng suất lao động thấp và nền kinh tế không đa dạng, tập trung vào xuất khẩu hóa thạch. Nhưng nhiều nước cũng có tiềm năng trở thành nhà sản xuất năng lượng carbon thấp và đạt được sự ổn định kinh tế vĩ mô khi không còn phụ thuộc vào giá nhiên liệu hóa thạch thường xuyên biến động, IEA cho biết.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận