IDB: Mỹ Latinh cần tăng tính minh bạch trong phát hành trái phiếu xanh
Các chuyên gia IDB cho rằng chính phủ các nước Mỹ Latinh cần thúc đẩy tính minh bạch trong việc phát hành trái phiếu xanh để thu hút hơn nữa các nhà đầu tư bên ngoài.
Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ (IDB) trong báo cáo mới đây đã nhấn mạnh trái phiếu xanh là một công cụ tài chính có tiềm năng lớn tại Mỹ Latinh và Caribe do có thể đáp ứng nhu cầu tài chính khổng lồ của các quốc gia trong khu vực trong vấn đề thích ứng với biến đổi khí hậu.
Trong báo cáo, các chuyên gia IDB cho rằng chính phủ các nước Mỹ Latinh cần thúc đẩy tính minh bạch trong việc phát hành loại trái phiếu này để thu hút hơn nữa các nhà đầu tư bên ngoài.
Trước đó, IDB đã cho ra mắt một công cụ kỹ thuật số có tên gọi Nền tảng minh bạch của trái phiếu xanh (viết tắt GBTP trong tiếng Anh) nhằm thúc đẩy sự hài hòa và tiêu chuẩn hóa thông tin về loại trái phiếu này, trong đó cung cấp dữ liệu về hiệu suất và tác động tài chính của từng loại trái phiếu xanh trong khu vực.
Theo người đứng đầu Bộ phận Kết nối, Thị trường và Tài chính của IDB Juan Antonio Ketterer, các nhà đầu tư cần biết liệu các loại trái phiếu xanh được phát hành có thực sự tác động đến cuộc chiến chống biến đổi khí hậu hay không.
Trong khi đó, cố vấn của Tổ chức Sáng kiến Trái phiếu Khí hậu (CBI) Sean Kidney cho rằng sự minh bạch tạo ra niềm tin cho các nhà đầu tư, đồng thời nhấn mạnh các nền tảng kỹ thuật số như nền tảng vừa được IDB đưa ra cho phép các nhà đầu tư có thể đưa ra xác nhận về các loại trái phiếu xanh được phát hành.
Trên toàn cầu, thị trường trái phiếu xanh vào năm 2020 đạt mức phát hành kỷ lục 1.100 tỷ USD, trong đó Mỹ Latinh và Caribe chỉ chiếm khoảng 2%. Nhưng xu hướng phát hành trái phiếu xanh được cho là có tiềm năng lớn tại Mỹ Latinh và Caribe.
Kể từ năm 2016, IDB đã hỗ trợ mạnh mẽ cho thị trường vốn xanh của khu vực với các mô hình thành công tại Ecuador, Chile và Mexico.
Theo các chuyên gia IDB, cuộc khủng hoảng COVID-19 và mối đe dọa ngày càng tăng của biến đổi khí hậu đã khiến các nhà đầu tư ngày càng quan tâm đến các loại công cụ tài chính như trái phiếu xanh - một công cụ nợ để huy động vốn dùng để thực hiện các dự án xanh. Đây cũng là kênh hút vốn quan trọng đối với các nhà đầu tư quan tâm đến yếu tố tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững trong tương lai.
Các ước tính từ IDB cho thấy các thị trường mới nổi sẽ cần khoảng 20.000 tỷ USD từ nay đến năm 2030 để đáp ứng những thách thức do biến đổi khí hậu gây ra, trong đó chính phủ các nước sẽ chỉ có thể đáp ứng được 25% tổng số vốn trên./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận