24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Hồ Mai
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

ICAEW: Triển vọng kinh tế Việt Nam "sáng" nhất ASEAN

Báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu mới nhất của Viện Kế toán Công chứng Anh và Xứ Wales (ICAEW) dự báo, tăng trưởng của khu vực Đông Nam Á (ĐNA) sẽ suy giảm 4,2% trong năm nay, với hầu hết các nền kinh tế đều tăng trưởng âm. 

Suy giảm sẽ hơn khủng hoảng năm 2007

Sự bùng phát của đại dịch Covid-19 khiến GDP toàn cầu suy giảm khoảng 9% trong nửa đầu năm 2020 - mức thiệt hại gấp ít nhất ba lần quy mô của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007. Tuy nhiên, báo cáo cũng dự báo nền kinh tế toàn cầu sẽ có sự hồi phục mạnh trong quý III, với mức tăng trưởng GDP có thể đạt 6,4%, sau đó sẽ chậm lại trong quý IV (bởi hiệu ứng từ việc mở cửa trở lại giảm đi trong khi các biện pháp hỗ trợ khẩn cấp của chính phủ bị loại bỏ dần và nhiều DN phải cơ cấu lại lực lượng lao động).

Cả năm 2020, dự báo GDP toàn cầu ghi nhận mức giảm khoảng 4,4%. Dẫu vậy, đà phục hồi tích cực trong nửa cuối năm 2020 cũng sẽ là nhân tố giúp thúc đẩy tăng trưởng lên mức 5,8% vào năm 2021.

Với khu vực ĐNA, đại dịch Covid-19 cũng đã và đang tạo ra cú sốc nặng nề nhất lên tăng trưởng kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997. Sự phục hồi mạnh mẽ trong các hoạt động kinh tế, đặc biệt là trong quý IV tới vẫn không chắc chắn, sau khi dự đoán về tốc độ phục hồi mạnh mẽ trong thương mại toàn cầu và các hoạt động kinh tế trong nước giai đoạn hậu lockdown đã không diễn ra như kỳ vọng.

Bên cạnh đó, sự khác nhau về mức độ thành công trong việc ngăn chặn đợt bùng phát Covid-19 lần hai và các chiến lược gỡ bỏ tình trạng đóng cửa sẽ làm gia tăng sự khác về tốc độ tăng trưởng kinh tế giữa các quốc gia trong khu vực. Các quốc gia thành công trong việc ngăn chặn các đợt bùng phát dịch như Thái Lan và Việt Nam sẽ chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ hơn Indonesia hay Philippines - những quốc gia đang phải đối mặt với những đợt bùng phát Covid-19 mới sau khi các hạn chế sớm được nới lỏng.

"Quá trình phục hồi của các nền kinh tế ở ĐNA sẽ là một chặng đường dài, do các yếu tố căng thẳng Mỹ-Trung vẫn đang diễn ra, hoạt động thương mại toàn cầu chậm lại trong thời gian dài và đại dịch Covid-19 kéo dài đè nặng lên triển vọng tăng trưởng của khu vực", ông Mark Billington, Giám đốc ICAEW khu vực ĐNA và Trung Quốc cho biết.

Tổng quan cả khu vực, báo cáo dự báo tăng trưởng của ĐNA sẽ suy giảm 4,2% trong năm 2020, trước khi các hoạt động kinh tế bắt đầu khởi sắc trở lại và tăng trưởng dự kiến sẽ phục hồi ở mức 6,4% vào năm 2021. Tuy nhiên như đã nói, tốc độ phục hồi sẽ có sự khác nhau giữa các quốc gia trong khu vực, tùy thuộc vào việc nới lỏng các hạn chế đóng cửa và sức cải thiện nhu cầu xuất khẩu.

Duy nhất Việt Nam có khả năng tăng trưởng dương tại ĐNA

Mặc dù tăng trưởng ở Singapore được dự báo sẽ giảm 5,7% trong năm nay do thương mại toàn cầu sụt giảm nghiêm trọng. Tuy nhiên, các dấu hiệu phục hồi trong xuất khẩu và nhập khẩu sẽ thúc đẩy nền kinh tế nước này tăng trưởng trở lại, lên 6,1% vào năm 2021. Với Malaysia, dù xuất khẩu của nước này được dự đoán sẽ được hưởng lợi từ sự cải thiện nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc và chu kỳ của hàng điện tử nhưng tốc độ phục hồi kinh tế vẫn có thể chậm lại do nhu cầu toàn cầu tăng chậm, tỷ lệ thất nghiệp cao và đầu tư yếu. Kinh tế Malaysia được dự báo sẽ suy giảm 6% trong năm nay và tăng trưởng dương 6,6% năm 2021. Trong khi đó, sự phụ thuộc vào ngành du lịch – nhưng đang rất khó khăn vì Covid hiện nay của Thái Lan khiến đây sẽ là một trong những lực cản cho sự phục hồi kinh tế của nước này, với mức tăng trưởng dự kiến suy giảm 6,6% trong năm nay.

Tốc độ phục hồi kinh tế của Indonesia và Philippines cũng khá bấp bênh, bởi tình trạng các ca lây nhiễm tăng trở lại sau khi các hạn chế về đóng cửa được nới lỏng, khiến kế hoạch mở cửa trở lại ở hai quốc gia này bị tạm dừng hoặc lùi lại. Cả hai nền kinh tế cũng rất dễ bị tổn thương do có cơ sở hạ tầng y tế công cộng yếu hơn, mức hỗ trợ tài chính thấp hơn và tăng trưởng phụ thuộc nhiều vào tiêu dùng nội địa hơn so với các nền kinh tế khác trong khu vực. Báo cáo của ICAEW dự báo GDP của Indonesia suy giảm 2,7% trong năm 2020, tăng trở lại ở mức 6,2% vào năm 2021. Trong khi đó Philippines được dự báo sẽ có mức suy giảm lớn nhất ở khu vực, lên tới 8,2% trong năm nay.

“Dù mỗi quốc gia trong khu vực đều chịu tác động của cuộc khủng hoảng, nhưng mức độ tác động sẽ có sự khác nhau, phụ thuộc vào cấu trúc kinh tế của từng nước. Tuy vậy, với các quốc gia có thể đạt được sự cân bằng giữa việc tiếp tục duy trì hoạt động kinh tế và kiểm soát được các đợt bùng phát thì nền kinh tế của họ sẽ có sự phục hồi nhanh hơn so với các quốc gia còn lại”, ông Mark Billington nói.

Trong khu vực, nền kinh tế có triển vọng phục hồi sáng sủa được báo cáo nhắc tới là Việt Nam, quốc gia đã ngăn chặn dịch rất hiệu quả cho đến nay. Việt Nam được dự đoán là nền kinh tế ĐNA duy nhất có khả năng tăng trưởng dương trong năm nay với dự kiến GDP tăng 2,3% trong năm 2020 và lên tới 8% vào năm 2021. Báo cáo cũng nhận định, các nền kinh tế định hướng dựa nhiều vào xuất khẩu như Singapore và Việt Nam sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ sự ổn định trong các chỉ số thương mại, thể hiện qua những cải thiện về tình hình xuất khẩu trong vài tháng gần đây.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả