Ì ạch chuyển đổi thẻ ATM từ sang chip
Để chống gian lận trộm tiền trong tài khoản ATM, hơn 10 năm nay, các tổ chức trong và ngoài nước, ngay cả Ngân Hàng Nhà Nước (NHNN) cũng cho rằng cần triển khai công nghệ chip. Thế nhưng đến nay, vẫn chưa xuất hiện thẻ chip nội địa nào.
Việc chuyển đổi thẻ ATM công nghệ băng từ sang công nghệ chip được xem là một trong những giải pháp hạn chế tình trạng mất tiền từ tài khoản khách hàng từ hàng chục năm nay, nhưng đến nay thì thị trường vẫn chưa xuất hiện chiếc thẻ chip nội địa nào.
Loay hoay cả thập niên
Việt Nam được đánh giá là “vùng trũng” cho tội phạm công nghệ cao khi thị trường thẻ ATM hiện nay vẫn chủ yếu được làm từ công nghệ băng từ (một dải từ tại mặt sau của thẻ để lưu trữ dữ liệu và thông tin này có thể sao chép bằng thiết bị đọc). Tội phạm mạng thường gắn các thiết bị đọc trộm thẻ và mã pin tại các ATM (skimming) để lấy trộm dữ liệu trên thẻ băng từ, rồi sao chép ra thẻ trắng các dữ liệu để thực hiện rút tiền tại các cây ATM.
Trường hợp gần nhất, sáng 1/4, ông Nguyễn Trung (Q.2, TP.HCM) ngủ dậy và giật mình khi thấy điện thoại có tin nhắn từ Ngân hàng (NH) TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank) thông báo tài khoản NH đã rút tiền 3 lần, mỗi lần 3 triệu đồng tại cây ATM của VIB Q.4 (TP.HCM).
Ông Nguyễn Trung cho hay: “Giao dịch rút tiền trên xảy ra khi tôi đang ngủ, thẻ ATM trong ví không bị mất và không ai biết mật khẩu tài khoản trên ngoài tôi”. Quá hoảng, ông Trung đã lên Sacombank Q.2 báo mất tiền và nhà băng này đã tiếp nhận khiếu nại, khóa tài khoản và hướng dẫn ông Trung rút toàn bộ số tiền còn lại trong thẻ. Người đàn ông này cho hay trước giờ không rút tiền tại bất cứ máy ATM của NH nào ngoài Sacombank, cũng như không đăng ký Internet Banking nên việc lộ thông tin do giao dịch trên mạng là không thể. Chiều 3/4, ngân hàng đã trả lại số tiền gần 10 triệu đồng vào tài khoản của ông Trung.
Để chống các gian lận trộm tiền trong tài khoản ATM, hơn 10 năm nay, các tổ chức trong và ngoài nước, ngay cả Ngân Hàng Nhà Nước (NHNN) cũng cho rằng cần triển khai công nghệ chip. Bởi thẻ chip mã hóa các thông tin trên thẻ, độ bảo mật cao hơn và vô hiệu hóa các thiết bị đọc trộm thông tin thẻ gắn bên ngoài các máy ATM.
Theo lộ trình NHNN ban hành cuối năm 2018, số lượng thẻ đang lưu hành của các ngân hàng đáp ứng đủ tiêu chuẩn về chip nội địa ít nhất 30% đến 31/12/2019, đến 31/12/2020 ít nhất là 60% và đến năm 2021 là 100%. Tương ứng, các tổ chức thanh toán thẻ đáp ứng ít nhất 35% máy ATM, 50% thiết bị chấp nhận thẻ tại các điểm bán hàng tuân thủ tiêu chuẩn chip nội địa cho đến 31/12/2019; tỷ lệ máy ATM và các thiết bị phủ sóng 100% vào cuối năm 2020.
Trước đó, tháng 10/2018, NHNN ban hành Quyết định số 1927 công bố bộ tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa. Cuối tháng 12/2018, Công ty CP thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) thông tin 6 NH triển khai thí điểm ứng dụng bộ tiêu chuẩn thẻ chip nội địa và dự kiến phát hành ra thị trường những chiếc thẻ chip nội địa đầu tiên vào quý I/2019. Thế nhưng đến nay, vẫn chưa xuất hiện thẻ chip chuẩn nội địa nào. Liên hệ với NAPAS nhưng đơn vị này từ chối trả lời, nên chưa rõ thời điểm nào các NH mới chính thức phát hành thẻ chip tiêu chuẩn nội địa.
Làm càng sớm càng đỡ tốn kém
Theo NHNN tính đến cuối quý III/2018, số liệu thẻ ATM do các NH phát hành là 147,3 triệu thẻ. Với tỷ lệ 30% số thẻ chuyển từ băng từ sang thẻ chip nội địa đến cuối năm 2019 thì có khoảng 44,19 triệu thẻ phải chuyển đổi trong những tháng tới. Tuy nhiên do lượng thẻ “chết” (tức thẻ không hoạt động) khá nhiều nên lượng thẻ hiện vào khoảng 80 triệu thẻ, trong đó 70 triệu thẻ ATM sử dụng công nghệ từ nên khả năng số lượng thẻ cần chuyển đổi vào khoảng 21 triệu thẻ.
Một chuyên gia tài chính tính toán chi phí phát hành một thẻ công nghệ chip vào khoảng 35.000 đồng/thẻ, nếu chuyển đổi khoảng 44 triệu thẻ ATM băng từ sang chip thì tốn khoảng 1.500 tỷ đồng. Cách đây 10 năm, số lượng thẻ ATM do các NH phát hành vào khoảng 17 triệu thẻ, nếu làm thời điểm đó thì đã không tốn nhiều tiền như vậy.
Ông Nguyễn Trí Hiếu, cố vấn NH TMCP Quốc dân (NCB), cho rằng có thể do tỷ lệ gian lận thẻ trong tổng số thanh toán tại Việt Nam cách đây 10 năm khoảng 0,15% trong khi thế giới là 0,6%, nên việc chuyển đổi thẻ từ sang chip chưa được quyết liệt. Hiện nay, tội phạm gia tăng tấn công lĩnh vực thẻ, nếu NH không đầu tư thì coi như mất thị phần khi khách hàng tẩy chay vì thẻ băng từ không bảo mật. Thế nên, từ nay đến cuối năm 2019 việc triển khai chuyển đổi thẻ cần quyết liệt hơn.
Ông Hiếu lưu ý chi phí phát hành thẻ chip 35.000 đồng/thẻ, người tiêu dùng sẽ chấp nhận được, nhưng các NH không được đẩy cả chi phí đầu tư hệ thống bảo mật, phần mềm, máy ATM, POS lên chi phí phát hành thẻ để khách hàng phải gánh luôn. Về khoản này, NH phải chịu.
Số lượng máy ATM đến cuối quý III/2018 là 18.173 máy, số lượng máy chấp nhận thẻ như POS, EFTPOS, EDC là 294.503 máy. Một số NH có số lượng phát hành thẻ lớn như Vietcombank khoảng 14 triệu thẻ, VietinBank 13,7 triệu thẻ, Agribank 11 triệu thẻ , BIDV khoảng 10,4 triệu thẻ, một số NH cổ phần có số lượng thẻ phát hành từ 2,1 - 5,2 triệu. |
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận