Huy động vốn ngoài ngân sách cho phát triển hạ tầng đang chững lại
Trong bối cảnh hiện nay, việc huy động vốn ngoài ngân sách cho phát triển hạ tầng đang chững lại, do đó, cần tiếp tục đẩy mạnh huy động vốn đầu tư ngoài ngân sách, xã hội hóa đầu tư để có thể đạt được các mục tiêu.
Đang triển khai nhiều dự án quan trọng
Bộ Giao thông vận tải trong báo cáo gửi Quốc hội liên quan đến các vấn đề về chất vấn cho biết, thời gian qua, đã thực hiện thu hút mạnh nguồn lực của các thành phần kinh tế trong nước và ngoài nước cho đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông. Trong đó, ưu tiên cho các công trình lớn, quan trọng, thiết yếu; tăng cường kết nối giữa các loại hình vận tải, giữa các trung tâm kinh tế lớn, giữa các vùng, nhất là các vùng có điều kiện kinh tế khó khăn; bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và nhân dân.
Về huy động nguồn vốn ODA, hiện nay, Việt Nam chỉ được tiếp cận nguồn vốn kém ưu đãi (vốn vay IBRD) từ Ngân hàng Thế giới (WB) và kể từ ngày 1/1/2019, Việt Nam cũng không được hưởng ưu đãi cao từ nguồn vốn ADF mà chỉ được vay nguồn vốn kém ưu đãi của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).
Từ cuối 2016, Bộ Giao thông vận tải đã có kế hoạch đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị dự án, vận động xúc tiến đầu tư với WB và ADB nhằm tận dụng tối đa nguồn vốn ưu đãi cao IDA và ADF. Ngoài ra, công tác vận động, kêu gọi viện trợ không hoàn lại nhằm mục đích ưu tiên chuẩn bị cho các dự án lớn cũng huy động được nguồn kinh phí không nhỏ (Chính phủ Úc đã viện trợ 30 triệu đôla Úc để hỗ trợ chuẩn bị dự án và thiết kế kỹ thuật cho các dự án có thể giải quyết vấn đề tắc nghẽn giao thông…).
Đến nay, đã có 9 dự án ODA lớn được chuẩn bị xong, trong đó: 5 dự án đã ký hiệp định với tổng vốn ODA là 556,1 triệu USD (Dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên vay vốn WB - quốc lộ 19, Dự án tuyến tránh Long Xuyên, Dự án cải tạo cầu yếu và cầu kết nối trên các quốc lộ giai đoạn 1, Dự án cải tạo đèo Khe Nét tuyến đường sắt Thống Nhất, Dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc vốn vay ADB và viện trợ không hoàn lại của Úc); 4 dự án sẵn sàng vào giai đoạn ký kết hiệp định vay, với tổng giá trị khoảng 681 triệu USD (Dự án thành phần 1A thuộc Dự án đường Tân Vạn - Nhơn Trạch giai đoạn 1 thuộc Vành đai 3 - TP.HCM, Dự án cải tạo khu gian Hòa Duyệt - Thanh Luyện tuyến đường sắt Thống Nhất, Dự án cải tạo cầu yếu và cầu kết nối trên các quốc lộ giai đoạn 2, Dự án đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi trên quốc lộ 60).
Trong đó, Dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên vay vốn WB - quốc lộ 19, với tổng mức đầu tư là 155,8 triệu USD; dự kiến sẽ bắt đầu giải ngân vào cuối năm 2020.
Dự án tuyến tránh Long Xuyên, tổng mức đầu tư là hơn 2.106 tỷ đồng, dự kiến sẽ giải ngân vốn vay ADB vào quý III/2021.
Dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc vay ADB và viện trợ không hoàn lại của Úc, tổng mức đầu tư là 236,673 triệu USD, đang thực hiện thiết kế kỹ thuật, dự kiến sẽ giải ngân vốn vay vào quý II/2021.
Một số dự án khác hiện đang tiếp tục triển khai sau khi thương thảo hiệp định vay đã hoàn tất; hoặc đã ký kết hiệp định khoản vay để triển khai các bước tiếp theo.
Gặp vướng mắc, phải chuyển dự án PPP sang đầu tư công
Về huy động nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, Bộ Giao thông vận tải cho rằng, bộ đã tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành và địa phương triển khai các giải pháp để đẩy mạnh huy động nguồn lực ngoài ngân sách cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.
Bộ Giao thông vận tải đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách để phát triển các lĩnh vực giao thông vận tải; chỉ đạo triển khai thực hiện các đề án xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trên cả 5 lĩnh vực chuyên ngành đã được phê duyệt; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền chủ trương xã hội hóa của đảng, nhà nước…
Tuy nhiên, việc huy động vốn đầu tư ngoài ngân sách đã chững lại. Nguyên nhân là do hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chưa được hoàn thiện, dẫn đến việc thực hiện đầu tư các dự án theo hình thức PPP (hợp tác công tư) gặp vướng mắc.
Cụ thể như: quy định về hình thức PPP mới dừng lại mức nghị định nên chưa đồng bộ, thống nhất với các Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công... (Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư mới chỉ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9 và sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021); một số nội dung chịu sự điều chỉnh của nhiều văn bản quy phạm pháp luật và mỗi văn bản điều chỉnh khác nhau; một số nội dung chưa có hướng dẫn rõ ràng hoặc chưa được điều chỉnh.
Ngoài ra, hiện nay không có kinh phí để thực hiện công tác lập quy hoạch chi tiết và chuẩn bị đầu tư (thực hiện công tác lập đề xuất dự án, báo cáo nghiên cứu khả thi đối với các dự án PPP, báo cáo đánh giá tác động môi trường…).
Bên cạnh đó, thực hiện Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong đó chỉ cho phép thực hiện đầu tư các dự án PPP đối với các tuyến đường mới, không đầu tư trên các tuyến đường hiện hữu, nên nhiều dự án mặc dù đã phê duyệt đề xuất dự án hoặc đang lập Báo cáo nghiên cứu khả thi đã phải chuyển hình thức đầu tư sang đầu tư công (quốc lộ 45 và quốc lộ 47 tỉnh Thanh Hóa; tuyến tránh Sơn La; quốc lộ 14B tỉnh Quảng Nam; quốc lộ 37 Bắc Giang - Thái Nguyên; quốc lộ 62 Tân An - Bình Hiệp; quốc lộ 53 đoạn Trà Vinh - Long Toàn...) và một số dự án đã phải dừng triển khai theo hình thức BOT (Dự án cải tạo quốc lộ 53 đoạn Long Hồ - Ba Si, quốc lộ 30 đoạn An Hữu - Cao Lãnh, quốc lộ 31 Bắc Giang - Chũ).
Thời gian qua, Bộ Giao thông vận tải tiếp tục đẩy mạnh kêu gọi xã hội hoá đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, trong đó có các dự án đường cao tốc trọng điểm (dự án đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, 8/11 dự án trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông và một số dự án đường cao tốc khác). Tuy nhiên, việc triển khai các dự án này theo hình thức PPP gặp nhiều khó khăn. Bộ Giao thông vận tải đã báo cáo, đề xuất và được Chính phủ chấp thuận chuyển đổi hình thức đầu tư một số dự án sang đầu tư công đối với một số dự án.
Theo bộ này, trong bối cảnh hiện nay, việc đẩy mạnh huy động vốn đầu tư ngoài ngân sách, xã hội hóa đầu tư vẫn cần tiếp tục thực hiện để có thể đạt được các mục tiêu phát triển. Bộ Giao thông vận tải đang tiếp tục nghiên cứu, thực hiện các giải pháp nhằm huy động nguồn vốn ngoài ngân sách cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.
Để tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả của việc huy động nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, Bộ Giao thông vận tải đề nghị các cấp có thẩm quyền tập trung hoàn thiện thể chế về đầu tư theo hình thức đối tác công tư, trong đó sớm ban hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư nhằm tạo cơ sở pháp lý cao, thống nhất, đồng bộ; bố trí đủ nguồn vốn để thực hiện công tác lập quy hoạch chi tiết và thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư; phát triển thị trường vốn dài hạn trong nước./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận