Huy động USD trong két của người dân
Trong bối cảnh nền kinh tế cần nguồn tiền cấp thiết, việc phát hành công trái ngoại tệ không chỉ giúp Chính phủ huy động được nguồn lực rẻ trong dân, mà người nắm giữ USD nhàn rỗi sẽ có lợi hơn thay vì "bỏ không" gây lãng phí như hiện nay. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm thế nào để huy động thành công công trái ngoại tệ, mang lại tính khả thi cao?
Không phải bây giờ Việt Nam mới đặt ra vấn đề huy động nguồn lực trong dân nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế. Trước đó, câu chuyện về huy động vàng và ngoại tệ nhàn rỗi trong dân cũng nhiều lần được các chuyên gia đưa ra bàn luận. Song đến nay, giải pháp “để tiền đẻ ra tiền” vẫn chưa một lần được thực hiện.
Trong bối cảnh nhiều lĩnh vực kinh tế thiếu vốn, nguồn tín dụng tại các ngân hàng không đủ lấp hết nhu cầu của nền kinh tế và doanh nghiệp vẫn đang phải loay hoay tìm nguồn như hiện nay, thì giải pháp Bộ Tài chính đang xây dựng được các chuyên gia đồng tình ủng hộ.
“Phát hành công trái ngoại tệ có nhiều lợi thế, hấp dẫn hơn để huy động ngoại tệ tiền mặt cất giữ trong dân và đang gửi tại ngân hàng, đó là một nguồn lực lớn Chính phủ có thể huy động để phục hồi kinh tế”, ông Trương Văn Phước, nguyên quyền chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đánh giá.
Cũng ủng hộ chủ trương tận dụng ngoại tệ nhàn rỗi trong dân, song TS. Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam lưu ý, Chính phủ nên yêu cầu hệ thống ngân hàng thống kê lượng USD nhàn rỗi và đánh giá cụ thể mức độ tác động đến ổn định vĩ mô theo từng tỉ lệ huy động để có chiến lược phù hợp.
Duy trì lãi suất USD ở mức 0% được kết hợp đồng bộ với điều hành tỷ giá trung tâm và các giải pháp thị trường ngoại tệ đã giúp nhà điều hành duy trì chính sách chống đô la hóa, góp phần ổn định tỷ giá, kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.
Theo các chuyên gia, trước đây, Chính phủ đã từng huy động bằng công trái, trái phiếu, kỳ phiếu... nhưng chủ yếu bằng VND, nhưng trong phương án huy động hiện nay, Bộ Tài chính muốn phát hành công trái huy động ngoại tệ trong nước (chủ yếu là USD) là do lãi suất gửi đô la ở ngân hàng hiện là 0%, trong khi lãi suất tiết kiệm VND là 4-6%/năm.
Chính vì vậy, nếu phát hành công trái bằng ngoại tệ, chi phí huy động vốn mà Nhà nước bỏ ra thấp hơn nhiều so với công trái nội tệ. Hơn nữa, người nắm giữ USD nhàn rỗi sẽ có lợi hơn khi mua công trái ngoại tệ do Chính phủ phát hành thay vì "bỏ không" gây lãng phí.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận