Hút ròng tiền lớn, lãi suất khó giảm
Việc Ngân hàng Nhà nước liên tục hút ròng tiền về qua thị trường mở từ đầu năm đến nay là một trong những lý do khiến lãi vay khó giảm.
NHNN hút ròng lượng tiền "khủng"
Tính từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã bơm ra 194.734 tỉ đồng, trong khi lượng tiền hút về lên 414.350 tỉ đồng. Số tiền hút ròng của nhà điều hành lên 219.616 tỉ đồng. Trước và sau tết Nguyên đán, NHNN thực hiện bơm ròng tiền mà không hút vào đồng nào. Thế nhưng kể từ ngày 3.2 trở đi, tốc độ hút tiền ngày càng mạnh, có phiên lên đến 30.000 tỉ đồng. Trong khi nhiều ngày liên tục không bơm ra đồng nào hoặc số lượng tiền rất nhỏ giọt.
TS Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn thị trường tài chính - Trường đại học Kinh tế TP.HCM, cho rằng động thái hút ròng tiền NHNN thì khó có thể giúp lãi suất trên thị trường giảm. Về lý thuyết, NHNN hút ròng tiền, lãi suất liên ngân hàng (NH) giảm đồng nghĩa với việc các NH dư thanh khoản. Thanh khoản dồi dào là điều kiện để các NH giảm lãi suất huy động, từ đó giảm lãi vay. Thế nhưng, dư thanh khoản bao nhiêu, NHNN hút về bấy nhiêu thì khó có thể giúp NH giảm lãi suất.
"Thông thường hành động hút tiền về là lo ngại tiền dư thừa trên thị trường làm lạm phát tăng cao. Thế nhưng, kinh tế hiện nay đang lo ngại suy thoái, chứ lạm phát không hẳn là nỗi lo lớn. Chính vì vậy, NHNN cần nới lỏng chính sách tiền tệ một chút để bơm tín dụng, giảm lãi suất, hỗ trợ nền kinh tế tăng trưởng", ông Huân nói.
Cùng quan điểm, TS Nguyễn Đức Độ, Phó viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính - Học viện Tài chính, nhận xét trước tết Nguyên đán, NHNN đã thực hiện bơm tiền ra thị trường, đồng thời mua vào khoảng 3,6 tỉ USD, đồng nghĩa lượng tiền bơm ra cũng khá cao. Điều này phần nào lý giải việc hút tiền về những ngày gần đây.
Thế nhưng, với mức lạm phát tăng thấp mà cung tiền ra nền kinh tế vẫn giữ thấp thì "không rõ ý đồ của nhà điều hành ở đây là gì". Theo TS Nguyễn Đức Độ, lãi suất liên NH giảm nhưng đây là nguồn vốn ngắn hạn, nguồn tiền giải quyết các vấn đề thanh khoản của NH. Trong khi đó, nguồn vốn cho vay, tăng trưởng tín dụng là trung dài hạn, huy động từ dân cư. "Thanh khoản NH được giải quyết sẽ phần nào giúp lãi suất tiết kiệm trên thị trường giảm. Các NH sẽ không phải đua huy động vốn qua việc tăng lãi suất. Nhưng lãi suất cho vay phụ thuộc nhiều vào lãi tiết kiệm nhưng NH vẫn phải huy động vốn lãi cao, điều này khiến lãi vay khó điều chỉnh giảm", TS Độ lý giải.
PGS-TS Phạm Thế Anh, Trưởng bộ môn kinh tế vĩ mô, Trường đại học Kinh tế Quốc dân, đánh giá lãi suất huy động của các NH vẫn 9 - 10% thì lãi vay còn cao hơn và mức lãi suất cho vay hiện nay vượt quá sức chịu đựng của các doanh nghiệp (DN). Trong khi đó, sức ép gia tăng lãi suất từ bên ngoài trong năm nay đối với VN sẽ không cao, thậm chí là không còn. Cụ thể, lãi suất của Mỹ sẽ quay đầu giảm trong năm 2023, trên đường giảm có thể "gập ghềnh" hoặc chậm lại đôi chút nhưng không đáng kể. Lạm phát tại Mỹ và tại VN cũng qua đỉnh, sẽ giảm dần từ tháng 2 trở đi. Nguyên nhân là do sức cầu tiêu dùng hiện khá yếu vì thu nhập sụt giảm, tăng trưởng kinh tế chậm lại, chi tiêu giảm… Lạm phát năm 2023 không phải vấn đề lớn và tỷ giá đang tương đối ổn định với sự chênh lệch lãi suất giữa trong nước và quốc tế hiện nay. Và cuối cùng là giá nguyên vật liệu cơ bản trên thế giới đã vượt qua đỉnh và bắt đầu hạ nhiệt. Với những nguyên nhân này, ngay cả khi trong năm 2023 sẽ có một số yếu tố làm tăng lạm phát như việc tăng giá điện, giá thực phẩm... thì xu hướng cầu tiêu dùng yếu cũng làm giảm mức tăng của lạm phát. Việc duy trì lãi vay cao trong bối cảnh này là không hợp lý.
Nhanh chóng cung tiền, giảm lãi suất
Từ những phân tích trên, PGS-TS Phạm Thế Anh cho rằng VN cần phải nhanh chóng thực hiện giảm lãi suất để hỗ trợ cho DN nói riêng và cả nền kinh tế. Để thực hiện được việc này thì cung tiền phải tăng lên. Năm 2022, cung tiền của VN chỉ khoảng 4%, trong khi những năm trước tăng trưởng cung tiền lên tới 14%, 15%, hoặc như năm 2021 cũng phải gần 11%. Đây là lần đầu tiên VN có tăng trưởng cung tiền rất thấp. Trong bối cảnh hiện nay, cung tiền không nên thắt chặt như năm 2022 mà phải ở mức 9 - 10% là phù hợp.
Bên cạnh đó, quỹ đầu tư công từ các nguồn thu như các sắc thuế, phát hành trái phiếu chính phủ lên gần cả triệu tỉ đồng vẫn đang nằm ở kho bạc, khiến dòng vốn càng bị thiếu hụt.
"Thị trường trái phiếu hầu như không hồi phục thì hệ thống NH vẫn là kênh dẫn vốn chính cho nền kinh tế. Khi cung tiền ít thì thanh khoản của các NH không có, cộng thêm vòng quay của tiền bị chậm lại do người dân mất niềm tin sau nhiều rủi ro càng khiến cho dòng vốn bị thắt chặt. NHNN cần cân nhắc sớm hạ lãi suất để hỗ trợ cho nền kinh tế và các DN", PGS-TS Phạm Thế Anh nói.
Ông Hồ Quốc Tuấn, giảng viên cao cấp chuyên ngành tài chính - kế toán (Đại học Bristol, Anh), nhìn nhận thông thường thời điểm sau tết Nguyên đán, NHNN hút tiền về do chính sách tiền tệ hiện phải gánh mục tiêu lạm phát và ổn định vĩ mô. Lãi suất cao trên thị trường hiện nay là câu chuyện về nhu cầu vốn trong nền kinh tế cũng như mặt bằng lãi suất của những kênh huy động khác cạnh tranh với NH. Ngay cả nếu có thể giảm lãi suất tiết kiệm ở một số NH trong một giai đoạn thì vẫn có thể xảy ra tình huống là lãi vay vẫn ở mức cao, khó giảm. Đó là vì trong bối cảnh nền kinh tế trong nước và toàn cầu còn nhiều bất định thì NH phải phòng ngừa rủi ro, tăng trích lập dự phòng, tăng chi phí vốn... và họ cần bù đắp bằng một mức phần bù rủi ro cao hơn khi cho vay.
Ông Hồ Quốc Tuấn nhận xét các DN có hoạt động kinh doanh ổn định, tiến triển tốt, hiện nay vẫn tiếp cận được tín dụng dù lãi vay có nhích lên hơn trước. Ngược lại, khối DN nhỏ và vừa (SME), DN bất động sản là rõ ràng gặp khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng. Nếu không có hỗ trợ, đa số các SME sẽ không thể chịu đựng nổi sự thanh lọc thuần túy như vậy, và liệu rằng một sự thanh lọc tự nhiên với DN bất động sản ở VN có thể tạo ra hiệu ứng kéo giảm tăng trưởng kinh tế mạnh như ở Trung Quốc hay không?
"Ở đây cần có một sự cân bằng, không nên cực đoan nghiêng hết về một bên nào", ông Tuấn nhận xét.
Khi hạ được lãi suất, triển vọng nền kinh tế sẽ tích cực hơn, không chỉ với ngành bất động sản mà với tất cả các ngành khác. Nếu mặt bằng lãi suất tiếp tục được duy trì ở mức cao như hiện nay sẽ dẫn đến rất nhiều DN bị phá sản. Song song đó hoạt động đầu tư công cũng phải tăng tốc giải ngân để tăng nguồn cung vốn cho nền kinh tế - TS Phạm Thế Anh
(Theo Thanh Niên)
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận