'Hút' hơn 15 tỷ USD vốn FDI trong 6 tháng, Việt Nam vẫn là 'thỏi nam châm' của các nhà đầu tư?
Trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đạt gần 15,2 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước. Với sự tăng trưởng mạnh mẽ này, Việt Nam tiếp tục khẳng định mình là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư quốc tế, đặc biệt trong lĩnh vực điện tử và năng lượng tái tạo.
Đánh giá về tình hình kinh tế của Việt Nam những tháng đầu năm, ông Nguyễn Đình Nam, Chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc IPA Vietnam, cho rằng không chỉ riêng Việt Nam mà nền kinh tế toàn cầu nói chung trong 6 tháng đầu năm vẫn còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng từ cuộc chiến Nga - Ukraine, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, an ninh lương thực và năng lượng... Dù vậy, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn nằm trong các quốc gia tăng trưởng hàng đầu tại khu vực Đông Nam Á.
Vốn FDI tăng mạnh
Điều ông Nam nói không phải không có lý, bởi tình hình thu hút vốn FDI trong những tháng đầu năm tiếp tục tăng trưởng mạnh. Bằng chứng là theo số liệu từ Cục đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch & Đầu tư), tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt khoảng 15,2 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2023, cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ và ổn định của dòng vốn FDI vào Việt Nam.
Trong đó, Singapore dẫn đầu về tổng số vốn đầu tư với 5,73 tỷ USD, theo sau là Nhật Bản với 1,75 tỷ USD, Hồng Kông (Trung Quốc) đạt 1,73 tỷ USD, và Hàn Quốc đạt 1,46 tỷ USD, Trung Quốc đạt 1.33 tỷ USD... là những đối tác đầu tư chính, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng vốn FDI vào Việt Nam.
Hiện tại, theo thống kê, vốn thực hiện của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 10,84 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2023. Đáng chú ý, nhiều dự án lớn trong các lĩnh vực bán dẫn, năng lượng (sản xuất pin, tế bào quang điện, thanh silic), sản xuất linh kiện, sản phẩm điện tử và các sản phẩm có giá trị gia tăng cao đã được đầu tư mới và mở rộng vốn trong nửa đầu năm 2024.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, vốn FDI tập trung nhiều vào các tỉnh, thành phố có lợi thế trong thu hút đầu tư nước ngoài như Bắc Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Ninh, Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM, Đồng Nai. Những địa phương này có cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và năng động trong công tác xúc tiến đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Tính lũy kế đến ngày 20/6, cả nước có 40.544 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 484,77 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 308 tỷ USD, chiếm 63,5% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.
Thực tế cho thấy, Chính phủ Việt Nam đã và đang thực hiện nhiều biện pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư, bao gồm các chính sách thu hút và hỗ trợ đầu tư nước ngoài. Những cải cách về pháp lý, cơ chế một cửa trong xử lý thủ tục hành chính, và các ưu đãi về thuế đang tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam.
Bên cạnh đó, Việt Nam đang đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng cơ sở, từ hệ thống giao thông, cảng biển đến công nghệ thông tin. Các khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế đặc biệt đang được phát triển đồng bộ và hiện đại, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Nguồn nhân lực trẻ, năng động và có trình độ ngày càng cao cũng là một yếu tố quan trọng thu hút các nhà đầu tư.
Với tốc độ tăng trưởng GDP ổn định ở mức cao, Việt Nam được đánh giá là một trong những nền kinh tế năng động nhất khu vực. Bên cạnh đó, việc tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) như CPTPP, EVFTA, và RCEP đã mở rộng cơ hội tiếp cận thị trường quốc tế cho các doanh nghiệp trong nước và thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài.
Kỳ vọng con số 39 - 40 tỉ USD vốn FDI
Theo Bộ KH&ĐT, triển vọng kinh tế thế giới năm 2024 được dự báo sẽ phục hồi yếu và đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức lớn, do những diễn biến phức tạp sau thời kỳ đại dịch cộng thêm bất ổn địa chính trị
Trong bối cảnh đó, các tiêu chuẩn mới và các biện pháp định hướng hoạt động đầu tư của một số quốc gia có thể tác động đến xu hướng dịch chuyển FDI. Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng chậm và ngày càng tập trung giữa các quốc gia có liên kết địa chính trị, đặc biệt là trong các lĩnh vực chiến lược.
Tuy nhiên, Việt Nam có thể tìm kiếm được lợi ích trong quá trình chuyển dịch này. Theo nhiều tổ chức tài chính trong và ngoài nước, triển vọng thu hút vốn FDI năm nay của Việt Nam sẽ giữ nhịp độ tích cực nhờ ba yếu tố cốt lõi. Đó là, vai trò quan trọng trong chiến lược đa dạng hoá chuỗi cung ứng của các nhà sản xuất đa quốc gia; tăng trưởng kinh tế của Việt Nam phục hồi tích cực hơn trong năm nay; kinh tế vĩ mô ổn định.
Đơn cử, khi phân tích về triển vọng thu hút đầu tư của Việt Nam đối với doanh nghiệp Hồng Kông trong nửa cuối năm 2024 cũng như trong thời gian tới, ông David Jackson, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Hồng Kông tại Việt Nam (HKBAV) kiêm Tổng giám đốc tại Avison Young Việt Nam, nhấn mạnh rằng Việt Nam là một điểm đến đầu tư quan trọng, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất và bất động sản đối với các nhà đầu tư Hồng Kông.
Dễ thấy, ngành công nghệ của Việt Nam đang trải qua giai đoạn phát triển mạnh mẽ với nhiều đổi mới và tiến bộ. Sự đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao như sản xuất bán dẫn, linh kiện điện tử và các sản phẩm công nghệ cao khác đang tạo ra một cú hích lớn cho nền kinh tế.
Các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới đang nhìn thấy tiềm năng phát triển và lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á. Sự gia tăng đầu tư vào lĩnh vực này không chỉ đem lại nguồn vốn lớn mà còn thúc đẩy chuyển giao công nghệ, nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ thuật cho lao động Việt Nam.
Lĩnh vực năng lượng tái tạo cũng đang trở thành điểm sáng trong thu hút đầu tư nước ngoài. Việt Nam đang tập trung phát triển các nguồn năng lượng sạch như năng lượng mặt trời và năng lượng gió nhằm đảm bảo sự bền vững và ổn định cho nguồn cung cấp điện. Nhiều dự án lớn về năng lượng tái tạo đã được triển khai, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư quốc tế.
Việc phát triển năng lượng tái tạo không chỉ giúp Việt Nam giảm sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch mà còn góp phần bảo vệ môi trường, hướng đến một nền kinh tế xanh và bền vững.
Với những nỗ lực không ngừng từ Chính phủ và sự gia tăng mạnh mẽ của vốn đầu tư nước ngoài, Việt Nam đang khẳng định vị thế là một điểm đến đầu tư hấp dẫn và tiềm năng trong khu vực. Sự phát triển của các ngành công nghệ, năng lượng tái tạo và các lĩnh vực sản xuất công nghiệp khác đang tạo ra động lực lớn cho nền kinh tế.
Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương, trong nửa cuối năm 2024, Việt Nam vẫn có nhiều hấp lực đối với nguồn vốn đầu tư nước ngoài FDI.
Ông khẳng định, qua khảo sát của Bộ KH&ĐT, niềm tin của nhà đầu tư FDI vẫn đang rất tích cực, thể hiện mong muốn tiếp tục đầu tư vào Việt Nam. Do vậy, có thể kỳ vọng thu hút FDI cả năm 2024 có thể đạt ở mức 39 - 40 tỉ USD, cao hơn so với cùng kỳ năm 2023.
Trong tương lai, các chuyên gia cho rằng, nếu Việt Nam tiếp tục duy trì và phát triển các chính sách thu hút đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh, cũng như nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tạo dựng niềm tin với các nhà đầu tư quốc tế thì vị thế của Việt Nam ngày càng được củng cố, mở ra một tương lai tươi sáng và bền vững cho nền kinh tế quốc gia.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận