Hụt hơi đóng góp cho ngân sách, doanh nghiệp nhà nước đang đuối sức
Những tập đoàn có "máu mặt" đều tỏ ra hụt hơi hơn trong đóng góp cho ngân sách nhà nước...
Kết quả sản xuất - kinh doanh qua 6 tháng đầu năm của 36 tập đoàn, tổng công ty nhà nước ở mức khá khiêm tốn khi lũy kế đến hết tháng 6/2019, tổng doanh thu của cả 36 đơn vị này chỉ tăng 6%, ước đạt 855,63 nghìn tỷ đồng, theo báo cáo của Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương.
Báo cáo này cũng cho biết, lợi nhuận trước thuế của các đơn vị này đạt 64,35 nghìn tỷ đồng, tăng 0,4%; nộp ngân sách nhà nước ước đạt 125 nghìn tỷ đồng, tăng 1,62% so với cùng kỳ năm 2018. Đáng chú ý, những tập đoàn có "máu mặt" đều tỏ ra hụt hơi hơn trong đóng góp cho ngân sách nhà nước.
Đó là tại lĩnh vực sản xuất công nghiệp gồm 8 đơn vị: Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Tổng công ty Thép Việt Nam, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam, Tổng công ty Giấy Việt Nam.
Nộp ngân sách nhà nước của 8 doanh nghiệp này ước đạt 79,1 nghìn tỷ đồng, chỉ bằng 98% so với cùng kỳ năm 2018. Chỉ có 2/8 đơn vị có nộp ngân sách tăng so với cùng kỳ năm 2018. Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam tăng 4,2%, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam tăng 0,58% so với cùng kỳ năm 2018.
Tương tự, tại lĩnh vực thương mại, dịch vụ gồm 5 đơn vị: Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, Tổng công ty viễn thông MobiFone, Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện VTC có tổng doanh thu ước đạt 196,89 nghìn tỷ đồng, bằng 97,7% so với cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế ước đạt 8,92 nghìn tỷ đồng, tăng 5,4% so với cùng kỳ. Nộp ngân sách nhà nước ước đạt 24,44 nghìn tỷ đồng, bằng 99,4% so với cùng kỳ.
Tại các lĩnh vực khác tình hình có khả quan hơn, nhưng đây đều là những lĩnh vực có đóng góp cho ngân sách không nhiều.
Như ở lĩnh vực giao thông vận tải gồm 4 đơn vị là Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy có doanh thu ước đạt 61,48 nghìn tỷ đồng, tăng 3,78%; nộp ngân sách nhà nước ước đạt 4,54 nghìn tỷ đồng, tăng 0,58% so với cùng kỳ năm 2018; lợi nhuận trước thuế ước đạt 1,62 nghìn tỷ đồng, bằng 78,8%. Điển hình có Tổng công ty Hàng không Việt Nam có doanh thu tăng 7,17%, nộp ngân sách tăng 22% so với cùng kỳ năm 2018...
Lĩnh vực xây dựng, bất động sản gồm 3 đơn vị là Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam, Tổng công ty Sông Đà, Tổng công ty Đầu tư Phát triển nhà và đô thị đều tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm 2018. Tổng doanh thu ước đạt 25,01 nghìn tỷ đồng, tăng 3,57% so với cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế các đơn vị ước đạt 1,94 nghìn tỷ đồng, tăng 41,5% so với cùng kỳ; nộp ngân sách nhà nước ước đạt 2 nghìn tỷ đồng, tăng 22,2%.
Điển hình như Tổng công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam các chỉ tiêu tăng trưởng cao (doanh thu tăng 3,4%; lợi nhuận tăng 65,1%, nộp ngân sách tăng 27,5%). Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (doanh thu tăng 12,87%, nộp ngân sách tăng 30,5%).
Lĩnh vực nông - lâm nghiệp gồm 4 đơn vị là Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, Tổng công ty Cà phê Việt Nam, Tổng công ty Lương thực miền Bắc, Tổng công ty Lương thực miền Nam có tổng doanh thu ước đạt 26,54 nghìn tỷ đồng, bằng 82,8%; lợi nhuận trước thuế ước đạt 2,29 nghìn tỷ đồng, tăng 48,2%; nộp ngân sách nhà nước ước đạt 1,4 nghìn tỷ đồng, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm 2018
Dẫn đầu mức đóng góp ngân sách là đơn vị kinh doanh "tiền"
Dẫn đầu về mức tăng đóng góp cho ngân sách nhà nước là các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực ngân hàng - tài chính - bảo hiểm gồm 9 đơn vị là Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam, Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển Việt Nam, Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội Trung ương, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Tập đoàn Bảo Việt, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước.
Tính đến tháng 6/2019, 9 doanh nghiệp này có lợi nhuận trước thuế ước đạt 25,86 nghìn tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ; nộp ngân sách nhà nước ước đạt 8,9 nghìn tỷ đồng, tăng 34,38% so với cùng kỳ năm 2018.
Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước có tất cả các chỉ tiêu kinh doanh đều tăng trưởng rất cao, tổng doanh thu ước đạt 3,18 nghìn tỷ đồng, tăng 39,1%; lợi nhuận trước thuế ước đạt 2,98 nghìn tỷ đồng, tăng 39,9%; nộp ngân sách nhà nước ước đạt 2,13 nghìn tỷ đồng, tăng 40,9% so với cùng kỳ năm 2018.
Nhóm các đơn vị kinh doanh không vì mục tiêu lợi nhuận gồm Ngân hàng Chính sách xã hội Trung ương, Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam cơ bản hoàn thành tốt vai trò cung ứng tín dụng chính sách xã hội, hỗ trợ hiệu quả hơn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác và đảm bảo các chính sách về tài chính của Nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền và góp phần đảm bảo an toàn hoạt động hệ thống ngân hàng.
Riêng đối với Ngân hàng Phát triển Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong hoạt động, công tác tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu còn chậm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận