24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Phương Tùng
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Hụt giấc mơ 10 tỷ USD, thế mạnh Việt Nam 1 năm tụt dốc

Nói theo lời lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh thì hạ tầng thuỷ sản Việt Nam còn nhếch nhác.Thực tế như tôi đã đi kiểm tra ở Bến Tre, cảng cá có 4 cái cột thì 3 cái cột gỉ sét. Tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch rất lớn.

Xuất khẩu không đạt như kỳ vọng

Theo báo cáo của Tổng cục Thuỷ sản, năm 2019, tổng sản lượng thuỷ sản ước đạt khoảng 8,15 triệu tấn. Cụ thể, sản lượng khai thác đạt 3,77 triệu tấn, tăng 4,5% so với năm 2018. Riêng sản lượng cá ngừ đại dương 11 tháng năm 2019 đạt 16,9 nghìn tấn, tăng 3,4% so với năm 2018; giá trị xuất khẩu đạt 638 triệu USD, tăng 12,2% so với năm 2018. Dự kiến cả năm 2019, xuất khẩu cá ngừ mang về khoảng 670 triệu USD.

Với lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản, năm 2019, tổng diện tích nuôi trồng ước đạt 1,3 triệu ha, sản lượng nuôi đạt 4,38 triệu tấn, tương đương năm 2018; trong đó sản lượng tôm nuôi các loại đạt 820 nghìn tấn, bằng 101%.

Tuy nhiên, xuất khẩu thuỷ sản năm 2019 chỉ đạt 8,6 tỷ USD, trong khi mục tiêu đề ra khoảng 10 tỷ USD.

Hụt giấc mơ 10 tỷ USD, thế mạnh Việt Nam 1 năm tụt dốc
Kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam năm nay chỉ đạt 8,6 tỷ USD

Theo Tổng cục Thuỷ sản, 2019 là một năm đầy khó khăn với ngành. Điển hình là ngành hàng cá tra và tôm khi đối mặt với nhiều thách thức: giá nguyên liệu giảm còn giá nhiên liệu tăng, tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và rào cản kỹ thuật từ một số nước nhập khẩu.

Sang năm 2020, Tổng cục Thuỷ sản đặt mục tiêu giữ ổn định diện tích nuôi trồng thủy sản như năm 2019: tổng diện tích 1,3 triệu ha, trong đó diện tích nuôi nước ngọt 460 nghìn ha (cá tra 6,6 nghìn ha), diện tích nuôi mặn, lợ 840 nghìn ha (tôm nước lợ 730 nghìn ha).

Tổng sản lượng thủy sản dự kiến đạt khoảng 8,2 triệu tấn, bằng 100% so với ước thực hiện năm 2019. Trong đó, sản lượng khai thác khoảng 3,7 triệu tấn, bằng 98%; sản lượng nuôi trồng 4,5 triệu tấn, bằng 102,7%. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản đặt mục tiêu khoảng 10 tỷ USD, bằng 116% so với 2019.

Thất thoát sau thu hoạch còn rất lớn

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến thừa nhận, năm nay ngành thủy sản gặp nhiều khó khăn, biến động cả trong nước và quốc tế. Nhưng với nỗ lực của ngành nên có kết quả đáng khích lệ, nhất là tổng sản lượng thuỷ sản đạt tới gần 8,2 triệu tấn, tăng 5%. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu lại không đạt, thẻ vàng IUU chưa gỡ được, mới tạm gọi là trụ hạng.

Để giải quyết căn cơ cả trước mắt và lâu dài, theo ông Tiến, cần thấy rõ những yếu kém của ngành thuỷ sản. Nói về hạ tầng của ngành thuỷ sản Việt Nam, ông dẫn lời lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh nhận xét là nhếch nhác.

“Thực tế, chúng ta hiện có 146 cơ sở tránh thú bão thì mới thực hiện được 60%. Cảng cá cũng vậy. Tôi đi thực tế ở Bến Tre kiểm tra, cảng cá có 4 cái cột thì 3 cột bị gỉ sét cần phải làm lại. Nhiều chỗ cảng cá không còn có cả cái mái che để ngồi phân loại cá. Đặc biệt, tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch rất lớn, công nghệ còn hạn chế”, ông Tiến nhận xét.

Hụt giấc mơ 10 tỷ USD, thế mạnh Việt Nam 1 năm tụt dốc
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhận xét, công nghệ lạc hậu, tỷ lệ thất thoát sau khai thác thuỷ sản rất lớn

Nhìn lại năm 2019, khi chuyển từ nghề cá nhân dân sang nghề cá có trách nhiệm khu vực, cần xem lại chúng ta đã làm được gì, đang đứng ở vị trí nào... từ đó đưa ra giải pháp. “Tổng kết phải vạch rõ cái gì được, chưa được cần nói thẳng, hướng giải pháp ra sao,... chứ tổng kết cái gì cũng đạt A cả, cái gì cũng tốt đẹp hết thì không được. Ai phấn đấu và ai không phấn đấu vẫn như nhau thì không phát triển được”, ông Tiến nói.

Theo ông Tiến, Việt Nam đã bước sang thời kỳ mới. Nếu để tình trạng như hiện nay thì chúng ta sẽ không đáp ứng được yêu cầu của thị trường quốc tế. Ông cho rằng, việc khai thác thuỷ sản phải cân nhắc, khi triển khai luật có những vùng phải cấm. Đội tàu phải cơ cấu một cách quyết liệt. Trong khi làm chắc chắn có những cái không thể toàn diện được, nhưng phải chấp nhận hy sinh.

Còn về nuôi trồng thuỷ sản, nếu dịch bệnh, thời tiết diễn biến như thế này mà không sát thực tiễn để chỉ đạo thì rất khó. Ông đặt câu hỏi vùng nuôi mã số ở đâu, truy xuất nguồn gốc có được không, đảm bảo an toàn thực phẩm được chưa...

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, nuôi trồng có rất nhiều lợi thế. Nửa triệu hecta có thể nuôi trồng được, như lòng hồ, lòng sông, thuỷ vực, lưu vực... diện tích còn rất lớn. Song, hiện vẫn còn tình trạng sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi.

Trên cơ sở xem xét thực trạng, Tổng cục Thuỷ sản cần đưa ra giải pháp cơ bản. "Nuôi trồng thì có dịch bệnh, phải kết hợp với Cục Thú y. Chúng ta làm không sợ thiếu tiền, cần phối hợp với nhau để xây dựng quy trình giảm sát cho thật bài bản. Xử lý môi trường cũng như vậy. Hạ tầng theo chủ trương của Bộ là tăng đầu tư, đẩy mạnh nâng cao hạ tầng",... ông Tiến nhấn mạnh.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả