Hướng tín dụng vào phân khúc nhà ở trung bình, nhà ở thương mại giá rẻ
Đó là một trong những nội dung văn bản của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trả lời cử tri tỉnh Thanh Hóa mới đây xung quanh kiến nghị các giải pháp cho vay để khuyến khích phát triển nhà ở thương mại giá thấp, nhà ở xã hội.
Nhìn cách tổng quan, Ngân hàng Nhà nước cho biết, thời gian qua, để hỗ trợ thúc đẩy thị trường bất động sản (BĐS) phát triển lành mạnh, trong điều hành tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện nhiều giải pháp kiểm soát tín dụng để hạn chế rủi ro đối với lĩnh vực này, đặc biệt là kiểm soát tín dụng đối với các dự án phân khúc cao cấp, BĐS du lịch nghỉ dưỡng, hướng dòng vốn vào nhu cầu thực của người dân.
Ngân hàng Nhà nước đã quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng theo hướng giảm dần tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn và áp dụng hệ số rủi ro cao hơn đối với các khoản vay mua nhà có giá trị lớn, nhằm hướng dòng vốn tín dụng vào phân khúc nhà ở trung bình, nhà ở thương mại giá rẻ, nhà ở xã hội.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD): (i) Kiểm soát, giám sát chặt chẽ việc cấp tín dụng đối với lĩnh vực BĐS, mức độ tập trung tín dụng vào một số khách hàng, nhóm khách hàng lớn, các dự án có quy mô lớn, phân khúc cao cấp, biệt thự, nghỉ dưỡng; tín dụng tiêu dùng liên quan đến BĐS, nhất là đối với nhóm khách hàng cá nhân có dư nợ lớn. Chỉ xem xét cấp tín dụng đối với các dự án, phương án vay vốn khả thi, đảm bảo tính pháp lý, khách hàng có khả năng trả nợ đầy đủ và đúng hạn; (ii) Thận trọng xem xét cho vay góp vốn đầu tư kinh doanh BĐS, nhà đầu tư thứ cấp; (iii) Nâng cao chất lượng thẩm định, đánh giá đầy đủ các rủi ro về hồ sơ pháp lý liên quan đến quyền sử dụng đất, rủi ro về cung cầu thị trường; (iv) Tập trung nguồn vốn tín dụng đầu tư vào các dự án nhà ở xã hội, các dự án nhà ở thương mại có hiệu quả cao, tiêu thụ tốt, đáp ứng nhu cầu thực của người dân.
"Chỉ đạo NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố theo dõi, nắm bắt tình hình thị trường BĐS và việc cấp tín dụng của các TCTD đối với lĩnh vực BĐS trên địa bàn, đặc biệt tại tỉnh, thành phố, các khu vực có hiện tượng sốt đất", Ngân hàng Nhà nước trả lời.
Bên cạnh đó, ngành Ngân hàng cũng tích cực triển khai các chương trình tín dụng về nhà ở theo chủ trương của Quốc hội, Chính phủ quy định tại Luật Nhà ở và Nghị định 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, NHNN đã ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn về cho vay, chỉ định 04 ngân hàng thương mại nhà nước (BIDV, Vietcombank, Vietinbank, Agribank) tham gia; chỉ đạo ngân hàng chính sách xã hội triển khai thực hiện. Kết quả, đến cuối năm 2019, dư nợ cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP tại ngân hàng chính sách xã hội đạt 2.397 tỷ đồng với 7.139 khách hàng còn dư nợ.
"Phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan nắm bắt diễn biến thị trường BĐS để kịp thời có chỉ đạo phù hợp. Đồng thời, NHNN cũng đã có nhiều công văn, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong đó đề xuất các giải pháp để góp phần phát triển thị trường BĐS an toàn, hiệu quả", Ngân hàng Nhà nước chia sẻ thêm giải pháp.
Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp nêu trên, thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, đến nay, tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đã được kiểm soát ở mức hợp lý (chiếm 32,12% dư nợ cho vay lĩnh vực BĐS, tăng 8,11% so với cuối năm 2018); tín dụng phục vụ tiêu dùng bất động sản đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng (chiếm 67,88% dư nợ cho vay bất động sản, tăng 25,69%).
Về phía các TCTD, trong thời gian qua đã triển khai đa dạng các gói sản phẩm vay vốn ưu đãi riêng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa bằng cả Việt Nam đồng và ngoại tệ; tích cực hỗ trợ doanh nghiệp trong việc đa dạng hóa các hình thức cấp tín dụng, tạo thêm giá trị gia tăng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua các dịch vụ tiện ích phong phú; quy trình, thủ tục cấp tín dụng đối với doanh nghiệp ngày càng đơn giản, phù hợp tạo điều kiện cho doanh nghiệp được tiếp cận vốn dễ dàng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận