Hướng đi mới của người dân Phú Thọ trong nuôi thủy sản
Nghề nuôi trồng thủy sản được coi là một trong 6 chương trình nông nghiệp trọng điểm của tỉnh Phú Thọ và là một trong những tỉnh đứng nhất, nhì ở các tỉnh miền núi phía Bắc về nuôi thủy sản.
Những năm gần đây, nghề nuôi trồng thủy sản ở Phú Thọ được coi là một trong 6 chương trình nông nghiệp trọng điểm của tỉnh Phú Thọ với diện tích hơn 10.000 ha mặt nước; trở thành một trong những tỉnh đứng nhất, nhì ở các tỉnh miền núi phía Bắc về nuôi thủy sản.
Nhờ điều kiện thuận lợi trên các sông, ao hồ, người dân đã đầu tư hàng trăm triệu đồng để xây dựng các mô hình nuôi cá hiệu quả, góp phần không chỉ xóa đói giảm nghèo mà còn vươn lên làm giàu bền vững.
Nhiều năm trở lại đây, trên sông Lô (đoạn chảy qua tỉnh Phú Thọ) đã xuất hiện hàng trăm lồng cá đặc sản của người dân ven sông thuộc huyện Phù Ninh, Đoan Hùng và thành phố Việt Trì. Việc phát triển nuôi trồng thủy sản này đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi cá.
Nghề nuôi trồng thủy sản ở được coi là một trong 6 chương trình nông nghiệp trọng điểm của tỉnh Phú Thọ. Ảnh minh họa: TTXVN
Ông Hoàng Đình Luyến, xã Bình Bộ, huyện Phù Ninh là một trong những hộ nuôi cá đầu tiên trong xã chia sẻ, do khó khăn về vốn nên mới đầu gia đình chỉ đầu tư được 2 lồng cá. Sau 4 năm nuôi cá lồng trên sông, đến nay gia đình ông đã có 30 lồng cá với nhiều loại đặc sản như: cá lăng, cá trắm, cá quế, cá ngạnh, cá chép giòn... Đây là những loại cá có giá bán trên thị trường từ 250.000 - 600.000 đồng/kg. Nhờ đó, mỗi năm xuất ra thị trường từ 30 tấn cá trở lên, trừ các chi phí thu về gần 1 tỷ đồng.
Ông Lê Xuân Kết, Chủ tịch UBND xã Bình Bộ cho biết, trên địa bàn xã đã có 47 lồng cá liên kết gần nhau, giúp đỡ nhau về kỹ thuật và con giống. Đầu tư nuôi cá lồng trên sông đòi hỏi vốn lớn, với mỗi lồng cá có thể tích 100 m3 chi phí từ 15 - 20 triệu đồng…
Khác với mô hình nuôi cá lồng trên sông của hộ ông Luyến, hộ anh Đặng Văn Dũng, khu 6, xã Thượng Nông, huyện Tam Nông lại nuôi cá “sông trong ao”. Anh Dũng cho hay, trước đây gia đình nuôi cá theo cách cũ, thả tự nhiên trong ao nên khó quản lý dịch bệnh và môi trường nước nên năng suất, chất lượng không ổn định.
Sau khi ứng dụng công nghệ mô hình nuôi cá “sông trong ao”, gia đình đã đầu tư gần 150 triệu đồng xây 1 bể trong ao với các thiết bị đi kèm, sau đó thả cá trắm và cá chép với mật độ gấp 2 lần so với nuôi trong ao thường. Phần mặt nước ngoài bể vẫn tận dụng để thả các loại cá khác như cá mè, rô phi.
Theo anh Dũng, với phương pháp này tạo môi trường nước sạch, tỷ lệ cá sống đạt khoảng 95%, lượng thức ăn sử dụng giảm, tỷ lệ dịch bệnh thấp, cá tăng trọng nhanh, thịt cá săn chắc, chu kỳ nuôi ngắn hơn, năng suất cao hơn khoảng 2 lần so với cách nuôi cá truyền thống. Sau thu hoạch có thể thả con giống mới ngay mà không cần xử lý đáy ao. Nhờ đó, mỗi năm gia đình thu nhập trên 100 triệu đồng từ nuôi cá “sông trong ao”.
Công nghệ “sông trong ao” thực chất là việc nuôi cá trong một bể có diện tích khoảng 125 m2, bể được xây trong một ao lớn rộng khoảng 1ha. Bể được lắp đặt hệ thống thiết bị kỹ thuật gồm máy nén khí, thiết bị thổi khí, dẫn khí, thiết bị tạo dòng, ống sủi cung cấp oxy, hệ thống hút chất thải đáy... tạo nên dòng chảy liên tục trong ao; bảo đảm điều kiện sống tối ưu cho cá. Công nghệ này bắt đầu được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh từ năm 2017 với 4 hộ tham gia; đến nay đã nhân rộng lên 8 hộ tại 2 huyện Thanh Thủy và Tam Nông.
Ông Phan Kim Trọng, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Tam Nông cho biết, qua thực tế một số hộ nuôi trên địa bàn huyện cho thấy mô hình nuôi cá ứng dụng công nghệ “sông trong ao” là một trong những điểm nhấn, định hướng cho phát triển nuôi thủy sản theo hướng ứng dụng công nghệ cao; giúp giải quyết khó khăn của người dân về ô nhiễm nguồn nước, hạn chế dịch bệnh, tăng năng suất.
Đây được xem là hướng đi mới nhằm thay đổi tư duy của người nông dân trong nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh Phú Thọ nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, tạo ra sản phẩm đạt chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và đang được khuyến khích nhân rộng.
Xác định sản xuất thủy sản là một chương trình nông nghiệp trọng điểm, tỉnh Phú Thọ đã phê duyệt Quy hoạch phát triển nông, lâm, thủy sản đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 với mục tiêu là xây dựng nền nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, bền vững, ứng dụng công nghệ cao để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh, tăng nhanh thu nhập và mức sống của lao động nông thôn.
Nghề nuôi trồng thủy sản đã trở thành hướng đi thoát nghèo, làm giàu của nhiều địa phương ở Phú Thọ. Ảnh minh họa: TTXVN
Trên thực tế, việc phát triển thủy sản ở Phú Thọ đã trở thành hướng đi thoát nghèo, làm giàu chính đáng của nhiều địa phương. Phát huy thế mạnh này, tỉnh Phú Thọ đã đầu tư hàng chục tỷ đồng cho phát triển thủy sản; ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ về giống, hạ tầng, khuyến ngư, chính sách về tín dụng, cho thuê mặt đất, mặt nước để nuôi trồng thủy sản; tuyên truyền, tập huấn về kỹ thuật cho người dân.
Nhờ đó, tập quán nuôi thủy sản của người dân chuyển biến tích cực từ nuôi quảng canh, bán thâm canh sang đầu tư nuôi thâm canh. Hiệu quả sử dụng mặt nước được nâng lên, nhiều mô hình nuôi thâm canh cho năng suất, hiệu quả cao được nhân rộng.
Tuy nhiên, nuôi trồng thủy sản là nghề có vốn đầu tư lớn, trung bình đầu tư 1 lồng, 1 ha nuôi thâm canh cần trên 200 triệu đồng, trong khi đó khả năng đầu tư của người dân còn hạn chế. Cá lồng được người dân nuôi tập trung ở sông Đà, sông Lô, sông Bứa và một số hồ chứa lớn nên mức độ rủi ro do thiên tai lại càng cao. Năm 2017, do ảnh hưởng của thiên tai, mưa lớn đã làm tràn trên 981 ha ao nuôi.
Ngoài những khó khăn do thiên tai gây ra thì hạn chế về kiến thức của người dân trong nuôi trồng thủy sản cũng ảnh hưởng đến việc áp dụng các quy trình kỹ thuật, an toàn thực phẩm, phòng trừ bệnh cho cá. Đặc biệt, việc quan hệ hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi chưa phát triển, người nuôi chưa chủ động về thị trường đầu vào và đầu ra cũng là những lý do khiến việc đầu tư quy mô lớn còn nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Chi cục Trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Phú Thọ cho biết, để hướng tới phát triển thủy sản một cách bền vững, thời gian tới, Chi cục Thủy sản tỉnh Phú Thọ sẽ tiếp tục tham mưu với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình UBND tỉnh ban hành các chính sách hỗ trợ người nuôi; trong đó chú trọng quy hoạch chi tiết đối với từng địa phương và phổ cập kỹ thuật chăn nuôi thủy sản cho người dân.
Phú Thọ phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2020, nuôi thủy sản đạt diện tích 12.200 ha, sản lượng 34.000 - 35.000 tấn, trở thành mũi nhọn kinh tế nông nghiệp của tỉnh. Đây cũng là điều kiện thuận lợi cho nông dân tỉnh Phú Thọ xây dựng thành công các mô hình sản xuất nuôi trồng thủy sản an toàn, bền vững./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận