menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Đinh Thị Ngân

Hướng dẫn đọc bảng thuyết minh báo cáo tài chính chi tiết từ A-Z

Thuyết minh báo cáo tài chính là một trong bốn phần quan trọng không thể thiếu của báo cáo tài chính doanh nghiệp. Thông qua bản thuyết minh này, các cổ đông và nhà đầu tư có thể hiểu rõ từng thông tin số liệu trong ba bản báo cáo còn lại. Trên thực tế, không phải nhà đầu tư nào cũng đọc hiểu bản thuyết minh báo cáo tài chính. Vì vậy, trong bài viết này, 24h Money sẽ hướng dẫn và bật mí cho bạn những lưu ý giúp đọc thuyết minh BCTC hiệu quả. Các bạn hãy tham khảo nhé.

1. Cơ sở lập thuyết minh báo cáo tài chính

Để lập nên một bản thuyết minh BCTC doanh nghiệp, đơn vị lập cần dựa vào 2 cơ sở sau:

Cơ sở pháp lý:

  • Tuân theo chuẩn mực kế toán số 21 - Trình bày báo cáo tài chính
  • Thông tư số: 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 - Hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp

Cơ sở dữ liệu: Căn cứ theo các cơ sở dữ liệu sau:

  • Các sổ kế toán tổng hợp và chi tiết liên quan của kỳ lập báo cáo.
  • Thuyết minh BCTC các năm liền kề.
  • Các báo cáo cân đối kế toán, hoạt động kinh doanh, lưu chuyển tiền tệ trong kỳ.
  • Tình hình thực tế doanh nghiệp và các tài liệu liên quan khác.

2. Khái niệm và nguyên tắc lập thuyết minh báo cáo tài chính

Thuyết minh báo cáo tài chính là một bộ phận hợp thành không thể tách rời của BCTC doanh nghiệp. Bản thuyết minh này được dùng để mô tả mang tính tường thuật, phân tích chi tiết số liệu trong 3 báo cáo còn lại. Cụ thể là số liệu trong bảng cân đối kế toán, báo cáo kết quả kinh doanh, lưu chuyển tiền tệ. Bên cạnh đó là những thông tin cần thiết khác theo yêu cầu của chuẩn mực kế toán cụ thể.

Bản thuyết minh báo cáo tài chính cũng có thể có những thông tin khác nếu cần thiết.

Nguyên tắc lập thuyết minh BCTC doanh nghiệp

Để lập một bản thuyết minh BCTC phù hợp với chuẩn mực kế toán, doanh nghiệp cần tuân thủ những quy tắc sau:

Hướng dẫn đọc bảng thuyết minh báo cáo tài chính chi tiết từ A-Z
Nguyên tắc khi lập thuyết minh BCTC

Thời điểm lập:

  • Khi lập bản thuyết minh BCTC năm, doanh nghiệp phải lập theo đúng quy định của Chuẩn mực kế toán “Trình bày báo cáo tài chính” và hướng dẫn tại chế độ tài cáo tài chính này.
  • Khi lập báo cáo tài chính giữa niên độ, doanh nghiệp cần phải chọn lọc theo quy định của Chuẩn mực kế toán “Báo cáo tài chính giữa niên độ” và Thông tư hướng dẫn chuẩn mực.
  • Đặc biệt lưu ý, báo cáo tài chính quý không bắt buộc phải có thuyết minh BCTC.

Nội dung cần có:

  • Các thông tin về cơ sở lập và trình bày BCTC và chính sách kế toán cụ thể được chọn và áp dụng đối với các giao dịch và sự kiện quan trọng.
  • Trình bày các thông tin theo quy định của các chuẩn mực kế toán chưa được trình bày trong các báo cáo tài chính khác.
  • Cung cấp thông tin bổ sung chưa được trình bày trong các báo cáo tài chính khác, nhưng lại cần thiết cho việc trình bày trung thực và hợp lý tình hình tài chính doanh nghiệp.

Trình bày có hệ thống:

Bản thuyết minh báo cáo tài chính phải được trình bày một cách có hệ thống. Doanh nghiệp được chủ động sắp xếp số thứ tự trong thuyết minh BCTC theo đặc thù của mình. Mỗi khoản mục trong bảng cân đối kế toán, báo cáo kinh doanh, lưu chuyển tiền tệ cần được đánh dấu dẫn đến các thông tin liên quan trong bản thuyết minh BCTC.

3. Vai trò của bản thuyết minh báo cáo tài chính

Hướng dẫn đọc bảng thuyết minh báo cáo tài chính chi tiết từ A-Z
Vai trò của TMBCTC với nhà đầu tư, cổ đông và cơ quan thuế

Như bạn đã biết, mỗi loại báo cáo trong BCTC doanh nghiệp đều có những vai trò riêng. Cụ thể:

  • Bảng cân đối kế toán phản ánh quy mô, kết cấu tài sản, nguồn vốn doanh nghiệp.
  • Bảng báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh phản ánh khả năng vận hành, sử dụng tài sản của doanh nghiệp.
  • Báo cáo lưu chuyển tiền tệ phản ánh khả năng tạo ra tiền, dòng tiền của doanh nghiệp.

Đặc điểm chung của 3 loại báo cáo này là những con số. Thông qua chúng, nhà đầu tư có thể phần nào hiểu được quy mô, kết cấu và tình hình doanh nghiệp. Tuy nhiên các khoản mục cụ thể thì các con số không thể phản ánh hết được. Vì vậy, một bản báo cáo bằng lời để diễn giải cho người xem hiểu là cực kỳ cần thiết.

Thông qua đọc bản thuyết minh BCTC, chúng ta có thể:

  • Nhà đầu tư: Đánh giá, phân tích chi tiết về kết quả hoạt động kinh doanh cũng như tình hình thu chi của doanh nghiệp. Đồng thời đánh giá tài sản cố định, vốn chủ sở hữu để biết doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hay không.
  • Các cổ đông: Nắm rõ tình hình doanh nghiệp mình. Từ đó đề ra các chiến lược hoạt động, kinh doanh, huy động vốn, đầu tư phù hợp.
  • Cơ quan thuế: Biết được chế độ kế toán mà doanh nghiệp áp dụng là gì, kiểm tra được việc chấp hành và tuân thủ những quy định về chế độ kế toán, phương pháp kế toán doanh nghiệp đăng ký trước đó có đảm bảo không và thấy được những kiến nghị cũng như đề xuất của doanh nghiệp.

4. Nội dung và kết cấu của một bản thuyết minh BCTC

Thuyết minh báo cáo tài chính gồm những nội dung cơ bản sau:

Hướng dẫn đọc bảng thuyết minh báo cáo tài chính chi tiết từ A-Z
Nội dung chính của bản thuyết minh BCTC
  • Đặc điểm hoạt động của doanh nghiệp: Hình thức sở hữu vốn, lĩnh vực kinh doanh, cấu trúc doanh nghiệp,...
  • Kỳ kế toán, đơn vị tiền tệ sử dụng trong kế toán: Thông thường, kỳ kế toán chúng ta thực hiện từ ngày 01/01 đến 31/12. Trong đó đơn vị tiền tệ được sử dụng là Việt Nam Đồng. Tuy nhiên, có một số doanh nghiệp sẽ sử dụng kỳ kế toán theo ngành. Ví dụ: Doanh nghiệp Tôn hoa sen áp dụng kỳ kế toán năm từ ngày 01/10 đến hết ngày 39-09.
  • Chuẩn mực kế toán và chế độ kế toán áp dụng để xây dựng báo cáo.
  • Các chính sách kế toán áp dụng: Công bố cụ thể nguyên tắc ghi nhận các khoản tiền và tương đương tiền, đầu tư tài chính, hàng tồn kho, phải thu, phải trả, doanh thu,...
  • Thông tin bổ sung cho các khoản mục trong bảng cân đối kế toán
  • Thông tin bổ sung cho các khoản mục trong bảng báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh.
  • Thông tin bổ sung cho các khoản mục trong bảng báo cáo lưu chuyển tiền tệ.
  • Những thông tin khác (nếu cần thiết).

5. Những lưu ý quan trọng khi đọc thuyết minh báo cáo tài chính

Dù thuyết minh báo cáo tài chính là một phần bắt buộc phải có trong BCTC. Tuy nhiên trên thực tế không có quy định về độ chính xác và rõ ràng của nó. Vì vậy, khi đọc bảng thuyết minh BCTC, bạn lưu ý những vấn đề sau:

Hướng dẫn đọc bảng thuyết minh báo cáo tài chính chi tiết từ A-Z
03 lưu ý khi đọc thuyết minh báo cáo tài chính

Lưu ý 1: Cẩn trọng trước những bản thuyết minh ít thông tin

Thông thường các doanh nghiệp sẽ công bố thông tin ít nhất (bằng yêu cầu tối thiểu của pháp luật). Điều này nhằm tránh những rắc rối không đáng có. Do đó, nhà đầu tư đặc biệt cần phải lưu ý khi đọc những bảng thuyết minh BCTC như vậy.

Lưu ý 2: Chú ý và hiểu cặn kẽ các thông tin đưa ra

Thông qua báo cáo tài chính, nhà đầu tư cần hiểu sâu về các vấn đề:

+ Các khoản đầu tư tài chính (ngắn hạn và dài hạn), tình trạng tồn kho, nợ phải thu, trả.

+ Chính sách ghi nhận doanh thu.

+ Mối quan hệ giữa các đơn vị liên quan.

Khi đọc thuyết minh báo cáo tài chính cần đọc kỹ từ đầu đến cuối. Bởi việc bỏ qua bất kỳ một thông tin nhỏ nào cũng có thể thay đổi bản chất của một khoản mục.

Lưu ý 3: Đọc bản thuyết minh báo cáo tài chính thành 2 phần

Phần 1: Tìm hiểu về doanh nghiệp báo cáo

Ở phần này, các bạn cần lưu ý đến các thông tin bao gồm: đặc điểm hoạt động của doanh nghiệp, kỳ kế toán, chuẩn mực, chính sách kế toán doanh nghiệp áp dụng. Cụ thể ở phần này, bạn cần trả lời được những câu hỏi sau:

  • Ngành nghề hoạt động của doanh nghiệp là gì? Vì mỗi ngành nghề khác nhau, số liệu trên báo cáo sẽ có ý nghĩa khác nhau.
Ví dụ: Những doanh nghiệp sản xuất như thép phải đầu tư nhà xưởng, máy móc,...sẽ có tài sản cố định lớn. Trong khi đó một công ty công nghệ sẽ có tài sản cố định nhỏ. Còn các công ty trong lĩnh vực bán lẻ thì các khoản phải thu có thể thấp, hàng tồn cao.
  • Doanh nghiệp hoạt động từ bao giờ? Việc này giúp bạn đánh giá được doanh nghiệp đang ở giai đoạn đầu, giữa hay cuối của chu trình phát triển.
  • Các chính sách, chuẩn mực kế toán doanh nghiệp đang áp dụng? Cần nắm kỹ các chuẩn mực doanh nghiệp đang áp dụng ra sao.

Về cơ bản, đây đều là những thông tin bạn có thể đọc được ở phần đầu của bản thuyết minh báo cáo tài chính.

Phần 2: Thuyết minh về các khoản mục trên báo cáo tài chính

  • Khi đọc Bảng cân đối kế toán, báo cáo kết quả kinh doanh, lưu chuyển tiền tệ hãy ghi chú lại các khoản mục cần lưu ý, có sự thay đổi lớn so với cùng kỳ. Sau đó, hãy đọc thuyết minh của những khoản mục đó để tìm hiểu lý do.
  • Kết hợp đọc thuyết minh BCTC khi đang xem bảng cân đối kế toán, báo cáo kinh doanh, lưu chuyển tiền tệ.

Kết luận

Nhìn chung, thông qua việc đọc thuyết minh báo cáo tài chính doanh nghiệp, nhà đầu tư có thể hiểu rõ con số và dữ liệu được cung cấp trong BCTC. Điều này sẽ giúp ích cho nhà đầu tư rất nhiều trong việc đánh giá sức khỏe tài chính doanh nghiệp. Đồng thời dựa vào đó để ra quyết định đầu tư hay không. 24h Money hy vọng những kiến thức trên sẽ giúp bạn hiểu rõ ý nghĩa của thuyết minh BCTC. Bạn hãy tham khảo thật kỹ để đầu tư an toàn và hiệu quả nhé. Và đừng quên theo dõi 24h Money để cập nhật thêm nhiều kiến thức bổ ích hơn nữa.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả