Hungary đồng ý thanh toán khí đốt Nga bằng ruble
Ngoại trưởng Hungary xác nhận quốc gia này sẽ thanh toán dầu và khí đốt nhập khẩu từ Nga bằng đồng ruble theo kế hoạch Moskva đưa ra.
"85% nguồn cung cấp khí đốt và 65% nguồn cung cấp dầu của chúng tôi đến từ Nga. Tại sao? Vì điều này đang được quyết định bởi cơ sở hạ tầng. Điều này không phải để cho vui, chúng tôi không lựa chọn tình huống", Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto hôm 27/4 cho hay.
Ông Szijjarto nhấn mạnh không có nguồn hoặc lộ trình thay thế nào để Hungary có thể ngừng nhập khẩu năng lượng Nga trong vài năm tới.
Theo kế hoạch thanh toán của Nga, các nhà nhập khẩu năng lượng phải mở hai tài khoản ngân hàng với Gazprombank, một tài khoản ngoại tệ và một tài khoản ruble. Tiền bán dầu khí được thanh toán bằng ngoại tệ (USD hoặc euro), sau đó được Gazprombank chuyển đổi vào tài khoản đồng ruble.
Một số quốc gia khác được cho là đang sử dụng phương thức thanh toán này. Hãng Bloomberg của Mỹ đưa tin ít nhất 10 công ty châu Âu đã mở tài khoản để thanh toán khí đốt của Nga bằng đồng ruble, và 4 trong số đó đã thực hiện thanh toán theo yêu cầu mới của Moskva. Tài liệu được Ủy ban châu Âu công bố tuần trước khuyến nghị rằng "có vẻ như có thể" thực hiện quy định mới này của Nga mà không mâu thuẫn với luật của EU.
Theo các chuyên gia về lệnh trừng phạt, hệ thống thanh toán của Nga cho phép Moskva tiếp cận tiền thu được từ năng lượng, bất chấp các lệnh trừng phạt đối với ngoại tệ. CNN cho rằng kế hoạch này mang lại lợi thế chính trị cho Tổng thống Nga Vladimir Putin khi ông buộc các công ty thanh toán bằng đồng ruble.
Quyết định của Hungary được đưa ra sau khi Nga cắt nguồn cung với Ba Lan và Bulgaria do không thanh toán bằng đồng ruble. Điện Kremlin hôm 27/4 khẳng định Nga yêu cầu thanh toán bằng đồng ruble do phương Tây đóng băng tài sản của Moskva, đồng thời dọa cắt thêm khí đốt đến châu Âu.
Hãng thông tấn TASS của Nga hôm qua dẫn nguồn tin từ quan chức EU nói rằng khối có kế hoạch tăng đáng kể việc mua khí đốt tự nhiên của Nga thông qua các quốc gia sẵn sàng thanh toán bằng đồng ruble để đảm bảo Ba Lan và Bulgaria không bị thiếu hụt. EU hiện chưa bình luận về thông tin này.
Sau khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine hôm 24/2, Mỹ đã dẫn dắt đồng minh châu Âu thực hiện các biện pháp tẩy chay năng lượng Nga, dù nhiều chuyên gia cảnh báo điều này sẽ gây thiệt hại không nhỏ. EU là thị trường lớn của khí đốt Nga, khi nhận khoảng 40% nguồn cung từ Moskva vào năm 2021.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban được coi là lãnh đạo ủng hộ Nga nhất trong số 27 nước thành viên EU. Hungary cũng là nước EU đầu tiên mua vaccine Covid-19 do Nga sản xuất, dù cơ quan quản lý châu Âu chưa phê duyệt vaccine này.
Ngoại trưởng Hungary đầu tháng này nói rằng giới chức EU "không có vai trò gì" trong thỏa thuận cung cấp khí đốt giữa nước này với Nga, vốn dựa trên hợp đồng song phương giữa các đơn vị của tập đoàn quốc doanh Hungary MVM và tập đoàn dầu khí Nga Gazprom.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận