HSBC: Xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục hồi phục
Theo HSBC, các chỉ số chính trong lĩnh vực xuất khẩu đều cho thấy xu hướng phục hồi có thể tiếp tục, đặc biệt là chỉ số PMI và chỉ số chênh lệch giữa đơn hàng mới với hàng tồn kho.
Báo cáo mới đây của Ngân hàng HSBC cho biết dữ liệu kinh tế của Việt Nam trong tháng 2 có thể gây nhiều câu hỏi về sự phục hồi thương mại, nhưng điều này hoàn toàn do ảnh hưởng từ các biến động liên quan đến kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
Trong khi xuất khẩu tháng 2 giảm 5% so với cùng kỳ năm trước, gần với dự báo của HSBC (-5,7%), tổng kim ngạch xuất khẩu trong hai tháng đầu năm thực tế đã tăng hơn 19% so với cùng kỳ năm trước.
Đồng thời, hiệu ứng cơ sở cũng là một phần nguyên nhân khi tình trạng suy giảm thương mại bắt đầu ảnh hưởng đến Việt Nam từ quý IV/2022.
Theo HSBC, nếu nhìn ra phạm vi rộng hơn, dữ liệu tích cực cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ và ổn định trong thương mại của Việt Nam. Đặc biệt, có dấu hiệu cho thấy sự phục hồi đang diễn ra trên diện rộng, với sự cải thiện nhẹ ở các lĩnh vực như dệt may và da giày cũng như máy móc.
Nhìn về tương lai, các chuyên gia tại HSBC cho rằng các chỉ số chính trong lĩnh vực xuất khẩu đều cho thấy xu hướng phục hồi có thể tiếp tục. Chẳng hạn, chỉ số PMI (chỉ số quản trị mua hàng) sản xuất mới nhất vẫn duy trì ở mức mở rộng nhờ sản lượng tích cực và đơn hàng mới, cũng như tình hình việc làm. Đồng thời, chỉ số chênh lệch giữa đơn hàng mới và hàng tồn kho cũng cho thấy sự cải thiện ổn định.
Đơn hàng mới trừ hàng tồn tiếp tục mở rộng.
Dẫu vậy, HSBC nhận định Việt Nam cũng cần phải theo dõi sát sao những gián đoạn tại Biển Đỏ vì tình hình kéo dài có thể tạo áp lực lên thị trường ngoại thương, đặc biệt khi Việt Nam có mức độ mở cửa lớn với thị trường EU so với các quốc gia khác trong khu vực.
Về thị trường trong nước, tăng trưởng bán lẻ trong hai tháng đầu năm đã giảm xuống 2,7% so với cùng kỳ năm trước do tăng trưởng tiêu dùng hàng hóa chậm lại. Tuy nhiên, chi tiêu mạnh mẽ cho dịch vụ vẫn tiếp tục, đặc biệt là trong du lịch nội địa và du khách quốc tế, với mức tăng trưởng đáng kể so với giai đoạn trước đại dịch Covid-19.
Về lạm phát, tinh thần nghỉ lễ cũng mang lại một bất ngờ. Cụ thể, lạm phát toàn phần trong tháng 2 đã tăng 1% so với tháng trước, đưa lạm phát so với cùng kỳ năm trước lên 4%, vượt xa dự báo. Điều đáng chú ý nhất là lạm phát lương thực đã tăng 1,7% do giá gạo và thịt heo tăng. Vận tải và một số vật liệu xây dựng khác cũng chứng kiến sự tăng trưởng lạm phát.
"Mặc dù tỷ lệ lạm phát vẫn duy trì dưới mức trần 4,5% được đề ra bởi Ngân hàng Nhà nước, nhưng các xu hướng gần đây chính là lời nhắc nhở sâu sắc về những rủi ro tăng do giá lương thực và hàng hóa nguyên liệu thô", HSBC lưu ý.
Cũng tại báo cáo này, HSBC cho biết Việt Nam đang là nền kinh tế quan trọng thứ hai đối với Australia trong khu vực ASEAN xét về xuất khẩu hàng hóa khi chiếm 2,1% xuất khẩu hàng hóa của Australia trong năm 2023, tăng từ khoảng 1,5% trước đại dịch.
Theo đó, phần lớn xuất khẩu hàng hóa từ Australia sang Việt Nam là than đá, theo sau là bông sợi và bột mì.
Bên cạnh đó, thương mại dịch vụ cũng quan trọng không kém khi Việt Nam là điểm đến xuất khẩu dịch vụ lớn thứ 11 của Australia trong giai đoạn 2022-2023, chiếm khoảng 2% tổng xuất khẩu dịch vụ, tăng 10% so với giai đoạn 2019-2020. Điều này phần nào cho thấy sự phục hồi về xuất khẩu dịch vụ của Australia sau khi mở cửa biên giới trở lại sau đại dịch bên cạnh nhu cầu của Việt Nam đối với dịch vụ giáo dục và đào tạo.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận