24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Hoàng Yến
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Houthi khuấy động Biển Đỏ: Tác động dây chuyền và thế khó của châu Âu

Vì tính chất quan trọng của tuyến hàng hải qua Biển Đỏ và tình hình ở Dải Gaza, châu Âu đang bị giằng xé giữa việc tham gia với Mỹ và giữ ổn định “thùng thuốc súng”.

Nhóm phiến quân Houthi của Yemen đang tiếp tục nhắm mục tiêu vào các tàu thương mại ở Biển Đỏ – sử dụng tên lửa, máy bay không người lái và máy bay trực thăng. Họ tuyên bố những con tàu mà họ tấn công có liên quan đến Israel.

Vì tính chất quan trọng của tuyến hàng hải qua Biển Đỏ đối với chuỗi cung ứng toàn cầu, có những lo ngại đang dấy lên rằng chi phí đối với một số hàng hóa có thể tăng vọt.

Ở châu Âu, các đồng minh của Mỹ bị giằng xé giữa việc ủng hộ các nỗ lực do Washington dẫn đầu nhằm bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đỏ và bảo vệ lợi ích thương mại của chính châu Âu, đồng thời muốn tránh góp phần làm gia tăng căng thẳng ở Trung Đông.

Tác động dây chuyền

Mặc dù khoảng cách từ khu vực biển khơi đang dậy sóng đến Paris, Berlin hay Rome có thể là một chặng đường dài, nhưng ông Nils Haupt, người đứng đầu bộ phận truyền thông doanh nghiệp của Công ty vận tải biển Hapag-Lloyd có trụ sở tại Hamburg (Đức), nói với CGTN rằng những gì xảy ra ở Biển Đỏ có tác động dây chuyền quan trọng đến việc vận chuyển hàng hóa trên toàn cầu.

“Biển Đỏ cực kỳ quan trọng đối với lĩnh vực hàng hải vì nó kết nối Viễn Đông với Bắc Âu cũng như với bờ biển phía Đông của Mỹ, cũng như với Đông Địa Trung Hải”, ông Haupt cho biết. “Nó cũng rút ngắn thời gian di chuyển, ví dụ mất khoảng 3 tuần để đến Đông Địa Trung Hải, 1 tuần để đến Bờ Đông nước Mỹ, và 10-14 ngày để đến Bắc Âu”.

Một trong những tàu hàng của Hapag Lloyd đã bị phiến quân Houthi tấn công vào ngày 18/12 năm ngoái. Ông Haupt nói với CGTN rằng đây là một cú sốc lớn đối với gã khổng lồ vận tải biển quốc tế này.

“Rất may không ai bị thương, tuy nhiên một số container rơi xuống biển, một số container bị hư hỏng”, ông Haupt nói. Vị đại diện của hãng Hapag-Lloyd cho biết đây là lần đầu tiên họ gặp phải tình huống như thế này và không có kinh nghiệm phải phản ứng như thế nào.

Houthi khuấy động Biển Đỏ: Tác động dây chuyền và thế khó của châu Âu
​Trực thăng quân sự Houthi bay trên tàu chở hàng Galaxy Leader ở Biển Đỏ trong bức ảnh được công bố ngày 20/11/2023. Ảnh: Jerusalem Post

Việc các hãng vận tải biển hàng đầu thế giới, bao gồm Hapag Lloyd, CMA CGM và Maersk, ngừng đi qua Biển Đỏ và Kênh đào Suez, thay vào đó chọn tuyến đường dài hơn qua Mũi Hảo Vọng để đến phía Tây, làm tăng thêm thời gian hành trình và tăng thêm đáng kể chi phí, khoảng 1,25 triệu USD, cho mỗi chuyến đi, tùy thuộc vào điểm đến. Tất cả những chi phí tăng thêm đó dự kiến sẽ được chuyển đến người tiêu dùng cuối cùng.

Khoảng 1/3 lưu lượng container trên thế giới thường đi qua Biển Đỏ và Kênh đào Suez. Con số này bao gồm 12% số tàu chở dầu toàn cầu và 8% lượng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của thế giới.

Đây cũng là con đường chính để dầu cọ vào châu Âu, được sử dụng trong mọi thứ, từ chocolate đến các loại đồ ăn nhanh. Với việc Houthi khuấy động Biển Đỏ, giá của những sản phẩm này chắc chắn ẽ tăng lên vì, như ông Haupt nói với CGTN, chi phí cho hành trình đưa hàng vào châu Âu đã tăng lên đáng kể.

“Đến Đông Địa Trung Hải, thông thường phải mất 10 ngày để đi qua kênh đào, bây giờ là 18 ngày. Vì vậy, điều đó có nghĩa là chi phí nhiên liệu sẽ tăng thêm”, ông Haupt cho biết, ước tính rằng chi phí mà công ty ông phải gánh sẽ tăng thêm ít nhất 10 triệu USD chỉ trong một tháng.

Rủi ro thực sự ở Berlin và các thủ đô châu Âu khác là sự gia tăng không thể tránh khỏi của chi phí tiêu dùng có thể đẩy các nền kinh tế – vốn đang gặp khó khăn – trở lại “vũng lầy” của lạm phát leo thang.

Thế khó của châu Âu

Ở “cựu lục địa”, Đức và Italy đã gia nhập nhóm các quốc gia gửi lời cảnh báo cứng rắn về hậu quả quân sự đối với nhóm Houthi nếu họ tiếp tục tấn công các tàu hàng trên Biển Đỏ. Tuy nhiên, các quốc gia có lực lượng hải quân hùng hậu nhất EU là Pháp và Tây Ban Nha đều vắng mặt trong liên minh chống Houthi do Mỹ dẫn dắt.

Châu Âu đang bị giằng xé giữa việc ủng hộ các nỗ lực do Mỹ dẫn đầu nhằm bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đỏ và bảo vệ lợi ích thương mại của chính châu Âu, và ý muốn tránh góp phần làm gia tăng căng thẳng ở Trung Đông.

Theo ông Farea Al-Muslimi, nhà nghiên cứu chương trình Trung Đông và Bắc Phi tại Chatham House, châu Âu phải đối mặt với thách thức “đạt được sự cân bằng hợp lý giữa quan điểm và quyết định”.

“Châu Âu đang cố gắng hết sức có thể để tránh làm cho xung đột loang ra hơn nữa trong khu vực kể từ khi cuộc chiến ở Dải Gaza tái bùng phát. Đồng thời, họ không thể để lực lượng Houthi thoát khỏi chuyện này mà không phải trả giá. Bởi vì điều đó cũng có thể khiến các nhóm dân quân khác ở vùng Sừng châu Phi bạo gan hơn”, ông Al-Muslimi giải thích.

Houthi khuấy động Biển Đỏ: Tác động dây chuyền và thế khó của châu Âu
​Một tàu tên lửa của Hải quân Israel tuần tra ở Biển Đỏ ngoài khơi thành phố cảng Eliat phía nam Israel, ngày 26/12/2023. Ảnh: RNZ

Trong khi chiến dịch do Mỹ dẫn đầu, gọi là “Người bảo vệ Thịnh vượng” (Operation Prosperity Guardian - OPG) ban đầu tranh thủ được sự hỗ trợ từ 6 quốc gia châu Âu, một số quốc gia sau đó đã từ bỏ nỗ lực này vì lo ngại nó có thể làm gia tăng căng thẳng và dẫn đến leo thang xung đột ở Trung Đông.

Italy cho biết trong khi họ cử một tàu khu trục hải quân đi tuần tra khu vực, việc này sẽ “diễn ra như một phần của hoạt động hiện có được Quốc hội Italy ủy quyền chứ không phải Chiến dịch Người bảo vệ Thịnh vượng OPG”.

Bộ Quốc phòng Pháp cho biết họ hoan nghênh các sáng kiến nhằm củng cố quyền tự do hàng hải ở Biển Đỏ như OPG nhưng cũng nhấn mạnh rằng các tàu chiến của họ trong khu vực sẽ vẫn nằm dưới sự chỉ huy của Pháp.

Giống như Anh và Mỹ, Pháp không ngại giao chiến trực tiếp với Houthi trên Biển Đỏ, nhưng nước này cũng có ưu tiên theo “phong cách de-Gaulle”, khẳng định rằng Pháp là một cường quốc, do đó không nên đi theo bất kỳ nước nào khác.

Houthi khuấy động Biển Đỏ: Tác động dây chuyền và thế khó của châu Âu
​Thủ tướng Đức Olaf Scholz đi xuồng tới tàu khu trục Mecklenburg-Vorpommern, ngày 5/6/2023. Ảnh: Getty Images

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron được cho là sẽ có phản ứng mạnh mẽ hơn nếu tình trạng gián đoạn gia tăng. Tuy nhiên, vẫn có một sự thận trọng khi các quan chức Pháp đặt câu hỏi liệu hành động của Mỹ có gây bất ổn thêm cho khu vực hay không.

Trong trường hợp của Tây Ban Nha, Thủ tướng Pedro Sanchez đã kêu gọi thành lập một đội đặc nhiệm khác để tuần tra khu vực và bảo vệ lợi ích thương mại của châu Âu thay vì tham gia với Mỹ hay sử dụng lực lượng hải quân chống cướp biển Atalanta của EU để bảo vệ các tàu qua Biển Đỏ khỏi các cuộc tấn công của Houthi.

Muốn tránh leo thang trong khu vực “thùng thuốc súng” là điều khôn ngoan, cây viết Lionel Laurent của Bloomberg nhận định. Nhưng, theo nhà báo này, kết quả là một vấn đề gồm 2 mặt: Sân sau chiến lược của châu Âu đang trở thành một nơi nguy hiểm hơn và người châu Âu chưa nỗ lực đủ để đưa ra phản ứng thống nhất của riêng mình.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
3.45 +0.01 (+0.28%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả