HOSE có thể đưa tiêu chí phát thải khí nhà kính vào báo cáo thường niên
Bà Trần Anh Đào, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban Điều hành Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) cho biết, HOSE đang cân nhắc sẽ đưa tiêu chí phát thải khí nhà kính vào báo cáo thường niên của doanh nghiệp niêm yết làm điểm phạt.
Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế cho biết, Việt Nam đã cam kết lộ trình giảm khí phát thải nhà kính sẽ đạt mức trung hòa về 0 vào năm 2050. Đây là một cam kết, thể hiện sự quyết tâm mạnh mẽ của Việt Nam trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang là một vấn đề thời sự nóng bỏng, nhận được nhiều quan tâm của các nước trên phạm vi toàn cầu. Cam kết này là động lực để các bộ ngành cùng các thành phần kinh tế phải hết sức nỗ lực triển khai các hoạt động để cùng chung tay thực hiện mục tiêu.
Đồng hành cùng Chính phủ, năm 2020, Bộ Tài chính, UBCKNN đã ban hành Thông tư 96/2020/TT-BTC thay thế Thông tư 155/TT-BTC tiếp tục có những bước cải thiện hơn nữa khi nâng cao tiêu chuẩn công bố thông tin liên quan đến phát triển bền vững, cụ thể yêu cầu các doanh nghiệp công bố thông tin phát thải khí nhà kính (GHG) trực tiếp và gián tiếp tại Báo cáo thường niên.
Bà Trần Anh Đào, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban Điều hành HOSE cũng chia sẻ: “ Trong kỳ chấm điểm Báo cáo thường niên năm 2021, các công ty niêm yết đã có báo cáo các số liệu cơ bản về khí nhà kính, tuy nhiên với tỷ lệ tham gia chưa được cao. HOSE hiện đang cân nhắc có thể sẽ đưa tiêu chí báo cáo khí nhà kính của kỳ Báo cáo thường niên năm 2022 là điểm phạt nếu các doanh nghiệp không có nội dung báo cáo về khí phát thải”.
Để có thể giúp doanh nghiệp truyền tải thông điệp về sự cần thiết và bắt buộc của việc kê khai khí nhà kính, mới đây UBCKNN đã phối hợp với 2 Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM và Hà Nội tổ chức chương trình đào tạo về “Kiểm kê và báo cáo Khí nhà kính” cho các doanh nghiệp niêm yết. Qua đó, giúp các doanh nghiệp hiểu hơn về biến đổi khí hậu, nguyên nhân và cơ chế của biến đổi khí hậu, các nguồn phát thải khí nhà kính, Tiêu chuẩn ISO 14064 và đặc biệt là hướng dẫn về các vấn đề, nội dung cần đưa vào báo cáo cũng như quy trình, cách thức tổ chức báo cáo, kiểm kê khí nhà kính (KNK), xác định ranh giới phát thải KNK, định lượng lượng phát thải và loại bỏ KNK, đồng thời xác định các hành động hoặc hoạt động cụ thể của công ty nhằm cải thiện quản lý KNK theo Tiêu chuẩn ISO 14064-1:2018.
Bà Trần Anh Đào mong muốn, các thành viên tham dự đào tạo sau khóa học sẽ tự đúc kết được mục tiêu của doanh nghiệp mình, để làm sao từ cơ quan quản lý đến doanh nghiệp đều cùng đồng hành với nhau trên con đường xây dựng thị trường chứng khoán Việt Nam theo hướng bền vững, có trách nhiệm với môi trường và xã hội. Điều này cũng thể hiện sự quyết tâm của các cơ quan quản lý cùng chung tay với Chính phủ trong việc triển khai nội dung giảm khí phát thải nhà kính.
Tại Việt Nam, các chuẩn mực, quy định, hướng dẫn đang giúp cho hoạt động công bố thông tin theo ESG (Môi trường – Xã hội – Quản trị) trở nên phổ biến hơn: Luật Bảo vệ môi trường 2020, Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ôzôn; Quyết định 01/2022/QĐ-TTG ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính. Đi kèm với Quyết định 01/2022 là danh sách 1900 doanh nghiệp buộc phải kiểm kê, kê khai khí phát thải nhà kính, được chia theo 6 lĩnh vực: năng lượng; giao thông vận tải; xây dựng; các quá trình công nghiệp; nông nghiệp lâm nghiệp và sử dụng đất; chất thải.
Với khung pháp lý liên quan đến nội dung báo cáo khí phát thải nhà kính, UBCKNN kỳ vọng các doanh nghiệp niêm yết có thể sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ báo cáo của mình với các cơ quan liên quan, đồng thời thực hiện tốt việc rà soát lại các hoạt động kinh doanh sản xuất của mình, từ đó có những điều chỉnh cắt giảm khí phát thải nhà kính cho phù hợp với mục tiêu hoạt động cũng như phòng ngừa và quản lý rủi ro hoạt động của doanh nghiệp.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận