HoREA kiến nghị không đấu thầu dự án do Nhà nước quản lý
Trong văn bản mới nhất, HoREA đã đưa ra loạt đề xuất liên quan đến Dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển đối với TP. HCM.
Hiệp hội đề nghị không nên đề xuất thực hiện BOT trên các tuyến đường hiện hữu trên địa bàn TP. HCM mà đề nghị cho phép thực hiện dự án đầu tư xây dựng theo hình thức Hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) trên các tuyến đường hiện hữu trên địa bàn được thanh toán bằng tiền ngân sách nhà nước của địa phương và áp dụng chung trên phạm vi cả nước.
HoREA cho rằng, nếu đề nghị được Quốc hội chấp thuận thì sẽ thực hiện được các dự án đầu tư xây dựng các tuyến đường hiện hữu theo phương thức xã hội hóa đầu tư bằng hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao được thanh toán bằng tiền ngân sách nhà nước của địa phương.
Tiếp đến, HoREA đề nghị không thực hiện đấu thầu dự án có diện tích đất do Nhà nước quản lý trong khu vực thực hiện dự án; đất chưa được giải phóng mặt bằng, để tránh xảy ra xung đột lợi ích hoặc đối đầu giữa một bên là Nhà nước và nhà đầu tư và một bên là người có đất bị thu hồi.
Lý giải về đề xuất trên, HoREA cho biết, khi đấu thầu dự án có sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư đối với đất chưa được giải phóng mặt bằng thì trước đó Nhà nước phải thông báo thu hồi đất, xây dựng phương án bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư cho người có đất bị thu hồi.
Sau khi lựa chọn được nhà đầu tư thì nhà đầu tư ứng vốn để Nhà nước thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư nên hoàn toàn có thể xảy ra tình trạng xung đột lợi ích hoặc đối đầu” giữa Nhà nước với người có đất bị thu hồi, gần như Nhà nước “làm thuê” cho nhà đầu tư bởi người dân dễ có cảm nhận là Nhà nước “chống lưng” cho nhà đầu tư.
Việc thực hiện đấu thầu dự án có sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư đối với đất chưa được giải phóng mặt bằng tài thì khác hoàn toàn với trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.
Theo đó, Nhà nước trực tiếp thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ cho người có đất bị thu hồi thật thỏa đáng và được tái định cư mà nơi tái định cư phải bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.
Nhà nước thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư thì Nhà nước thu được toàn bộ “chênh lệch địa tô” vào ngân sách nhà nước để phục vụ lợi ích công cộng, thì sẽ hạn chế được tối đa tình trạng xung đột lợi ích hoặc đối đầu giữa Nhà nước với người có đất bị thu hồi.
Hiệp hội cũng đề nghị cho phép UBND TP. HCM thực hiện phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, quy hoạch chung đô thị và rút gọn các bước lập quy hoạch nhằm đẩy nhanh tiến độ lập, điều chỉnh.
HoREA nhận thấy, việc phải theo trình tự, thủ tục mà Thủ tướng đề ra hiện đang không phù hợp với tinh thần của Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù và làm cản trở tính tự chủ, chủ động của thành phố.
Đồng thời, hiệp hội cũng đề nghị quy định trường hợp TP. HCM xây dựng và ban hành hệ số điều chỉnh giá đất để tính tiền sử dụng đất đối với tất cả các dự án bất động sản, nhà ở thương mại không phân biệt dự án có giá trị tiền sử dụng đất trên hoặc dưới 30 tỷ đồng theo bảng giá đất, thay vì thuê đơn vị tư vấn thẩm định giá đất.
Theo hiệp hội, đề xuất này sẽ giúp Nhà nước có thể quyết định được tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trong thời hạn không quá 6 tháng kể từ ngày ban hành quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để vừa đảm bảo thu đủ, thu đúng, thu kịp thời cho ngân sách nhà nước, vừa đảm bảo quyền lợi của chủ đầu tư dự án.
Cuối cùng, HoREA đề nghị cơ chế xác định các hình thức sử dụng đất để phát triển nhà ở, trong đó có nhà ở xã hội và nhà ở thương mại, trong đó có hình thức sử dụng đất khác là đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận