HoREA: Chung cư cao cấp giảm giá không đáng kể
Nhiều chủ đầu tư giảm giá chung cư cao cấp bằng chính sách chiết khấu, khuyến mãi, hậu mãi song không đáng kể và giá nhà vẫn neo cao, theo HoREA.
Từ đầu năm đến nay, Thủ tướng đã nhiều lần có ý kiến về việc doanh nghiệp bất động sản cần cơ cấu lại phân khúc và giảm giá bán sản phẩm. Mục tiêu để người dân có khả năng tiếp cận nhà ở và gỡ khó cho thị trường.
Tuy nhiên, Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) mới đây cho rằng các doanh nghiệp địa ốc đến nay chưa triển khai tích cực yêu cầu trên. Đối với các dự án nhà ở trung và cao cấp, một số chủ đầu tư đã giảm giá bán thông qua chính sách chiết khấu, khuyến mãi, hậu mãi có lợi cho khách hàng nhưng không đáng kể. Giải pháp này cũng nhằm "cố neo giữ giá" cho dự án.
HoREA cho biết giá nhà tăng, ngoài các khoản chi phí xây dựng, nguyên vật liệu, nhân công, chi phí tài chính, quản lý đều tăng, còn có thêm những khoản không tên để dự phòng. Giá trị các khoản dự phòng không hề nhỏ, do không hợp lệ nên không được tính vào chi phí đầu tư. Tuy nhiên khoản này chủ đầu tư vẫn tính vào giá bán và người mua nhà phải gánh chịu.
Ngoài ra, có trường hợp dự án theo mục tiêu ban đầu là nhà ở bình dân hoặc trung cấp, sau đó lại được chủ đầu tư chuyển sang phân khúc cao hơn, thậm chí "thổi phồng" là nhà ở cao cấp để tối đa hóa lợi nhuận. Hệ quả là tình trạng lệch pha nghiêm trọng ở TP HCM trong 5 năm trở lại đây. Kể từ năm 2020, phân khúc nhà ở cao cấp liên tục chiếm hơn 70%, trong khi nhà ở bình dân gần như biến mất ba năm gần đây.
"Giá nhà tăng liên tục nhiều năm qua, trên dưới 10% mỗi năm, dẫn đến tình trạng đầu cơ, găm giữ, làm méo mó thị trường và tiêu tốn nguồn lực lớn của xã hội", Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu nói.
Do đó, ông Châu đề nghị các tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản giảm giá nhà, giảm bớt kỳ vọng lợi nhuận, không neo giữ giá cao, tăng chiết khấu và có các chính sách khuyến mãi, hậu mãi kích cầu tiêu dùng trên thị trường. Điều này sẽ tạo dòng tiền và thanh khoản cho chủ đầu tư dựa trên kinh nghiệm "thà bán lỗ còn hơn vay lời".
Một số giải pháp cụ thể được ông Châu nêu ra là giảm chi phí không tên, tăng cường nguồn lực tài chính, nâng cao quản trị doanh nghiệp, áp dụng công nghệ thông tin, số hóa, trí tuệ nhân tạo, quản lý dự án theo quy trình khoa học (BIM)...
Ngoài ra, HoREA cho rằng thị trường cần bổ sung nguồn cung nhà vừa túi tiền để tăng tính cạnh tranh cho thị trường nhà ở, góp phần giảm giá nhà. Theo đó, cơ quan quản lý cần tháo gỡ nút thắt lớn nhất là pháp lý để bổ sung nguồn cung mới.
Trước đó, tại Hội nghị bất động sản Việt Nam 2023 mới đây, ông Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cũng đề nghị các doanh nghiệp địa ốc tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại hoạt động, sản phẩm, thị trường, danh mục đầu tư và dự án. Chủ đầu tư cần phải quyết liệt cơ cấu giá, giảm giá bán bất động sản.
Chuyên gia cho biết doanh nghiệp bất động sản cần định vị một hướng mới sau thời gian khó khăn, từ đó tăng khả năng thích ứng với thị trường và phát triển bền vững trong tương lai. Trong đó, giải pháp xanh hóa, quản lý rủi ro và thích ứng với luật sửa đổi mới là điều cần quan tâm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận