Họp Tổ Điều hành thị trường thường kỳ tháng 5: “Nóng” vấn đề thịt lợn
Sáng ngày 30/5, tại Hà Nội, Tổ Điều hành thị trường trong nước đã họp phiên thường kỳ tháng 5. Giải pháp nào để bảo quản thịt lợn trong bối cảnh giá xuống sâu do dịch tả châu Phi là vấn đề được quan tâm trong cuộc họp này.
Thị trường hàng hóa biến động trái chiều
Thông tin chung về thị trường hàng hóa trong nước tháng vừa qua, ông Hoàng Anh Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) thông tin, trong tháng 5, thị trường hàng hóa thế giới tiếp tục có nhiều biến động và chịu ảnh hưởng của các nhân tố kinh tế chính trị. Cụ thể, cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ - Trung Quốc leo thang căng thẳng đã gây áp lực lên cung cầu, giá cả của nhiều hàng hóa trên thế giới. Các nhân tố địa chính trị đã tạo sức ép khác nhau lên giá dầu. Tuy nhiên, do sự gia tăng nguồn dầu dự trữ, mối lo về triển vọng kinh tế thế giới và xung đột thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc kéo dài khiến giá dầu thô ngọt nhẹ giảm mạnh nhất từ đầu năm đến nay vào ngày 23/5 khi giảm 6% so với ngày trước đó.
Giá thịt lợn đang xuống sâu do ảnh hưởng dịch tả châu Phi |
Ở thị trường trong nước, do thời tiết đang vào mùa nắng nóng, nhu cầu đối với một số nhóm hàng thực phẩm giảm, nhu cầu các mặt hàng đồ gia dụng làm mát tăng, mức sử dụng điện và nước sinh hoạt tăng. Nhóm hàng lương thực, thực phẩm giá có xu hướng ổn định hoặc giảm, riêng mặt hàng thịt lợn, do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp nên nhu cầu giảm, giá giảm và ở mức thấp. Một số mặt hàng trái cây có tính mùa vụ cao như vải, xoài, mận… đang chuẩn bị vào vụ thu hoạch rộ nhưng do các địa phương đã triển khai tốt hoạt động xúc tiến thương mại nên giá vẫn giữ ở mức tốt.
Đối với việc điều hành giá xăng dầu, trong tháng 5, giá xăng dầu trong nước chịu ảnh hưởng trực tiếp tục biến động giá các sản phẩm xăng dầu trên thị trường thế giới. Bên cạnh đó, để tăng và bù đắp cho sự giảm mạnh của Quỹ bình ổn thời gian vừa qua, bảo đảm công cụ điều hành giá cho các tháng cuối năm, giá xăng dầu đã được liên Bộ Công Thương, Tài chính điều chỉnh phù hợp với giá trên thị trường thế giới, đồng thời thực hiện trích lập quỹ bình ổn giá đối với E5RON92. Giá đã được điều chỉnh tăng vào kỳ điều hành ngày 2/5 và giảm vào kỳ điều hành ngày 17/5.
Với biến động như vậy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tháng 5 đạt 403.827 tỷ đồng, tăng 1,94% so với tháng trước. Trong đó các nhóm có mức tăng cao là nhóm dịch vụ lưu trú ăn uống và dịch vụ khác; đồ gia dụng và lương thực thực phẩm… Tính chung 5 tháng, ước tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ xã hội đạt 1.983.747 tỷ đồng, tăng 11,57% so với cùng kỳ năm 2018.
Riêng với Chỉ số giá tiêu dùng (CPI), trong tháng 5, CPI tăng 0,49% so với tháng 4, trong đó các nhóm có mức tăng cao (tăng từ 1,28-2,64%) gồm nhà ở và vật liệu xây dựng và nhóm giao thông do tác động của việc điều chỉnh tăng giá xăng dầu, giá cước vận tải, giá điện và tiêu thụ điện nước tăng khi thời tiết nắng nóng thời gian vừa qua. Giá xăng dầu được điều chỉnh tăng vào đầu tháng và giảm vào cuối tháng tác động làm CPI tăng 0,25%. CPI bình quân 5 tháng đầu năm tăng 2,74% so với cùng kỳ năm 2018.
“Nóng” câu chuyện thịt lợn
Ông Hoàng Anh Tuấn cho biết, Tổ Điều hành thị trường trong nước dự báo, các yếu tố chính trị và căng thẳng thương mại giữa các nước lớn tiếp tục ảnh hưởng đến thị trường các mặt hàng thiết yếu; giá xăng dầu diễn biến tăng giảm đan xen, giá một số nông sản tăng nhẹ sẽ tác động đến thị trường các mặt hàng thiết yếu trong nước.
Trong nước, việc điều chỉnh tăng giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý như giá điện, xăng dầu, gas ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến giá một số hàng hóa, dịch vụ. Nhu cầu du lịch, dịch vụ tăng trong dịp nghỉ hè, nhu cầu tiêu thụ điện, nước sinh hoạt tiếp tục tăng khi thời tiết nắng nóng. Tuy nhiên do các mặt hàng tương đối dồi dào nên cung cầu luôn được đảm bảo, mặt bằng giá hàng hóa sẽ không có biến động lớn.
Riêng với vấn đề thịt lợn, Đại diện Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho hay, hiện dịch tả lợn châu Phi đang lan nhanh đến 43 tỉnh, thành phố. Nguồn lây lan ở nhiều nơi nên việc kiểm soát rất khó khăn. Bên cạnh đó, do không có vacxin điều trị bệnh nên không dễ dập dịch.
Do tác động của dịch tả, giá mặt hàng này trong tháng 5 giảm mạnh, giá lợn hơi chỉ còn 28.000 - 31.000 đồng/kg. Nếu so với giá Nhà nước hỗ trợ tiêu hủy là 38.000 đồng/kg thì thấp hơn nhiều.
Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang phối hợp các tập đoàn lớn để chuẩn bị nguồn giống tái đàn khi bệnh được kiểm soát. Đồng thời, chuyển hướng sang nuôi trâu bò và gia cầm. Hiện đàn lợn bò đã tăng 2,7% và đàn gia cầm tăng 7 - 10% so với năm ngoái.
Về phía Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), ngay khi dịch tả lợn bùng phát, Tổng cục đã phối hợp với lực lượng công an, thú y tăng cường kiểm soát, quản lý địa bàn để kiểm tra các cơ sở kinh doanh giết mổ lợn, đảm bảo nguồn gốc xuất xứ. Đồng thời, chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường địa phương tăng cường 100% quân số để chống dịch. Tại các chốt kiểm dịch đều cử người kiểm tra 24/24. Đặc biệt, chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường tuyên truyền người dân không kinh doanh, lưu thông, buôn bán sử dụng lợn không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng chia sẻ, trước diễn biến của tình hình giá cả thịt lợn giảm do dịch bệnh, ngày 30/5, Bộ Công Thương sẽ chủ trì cuộc họp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương để tìm giải pháp thu mua thịt lợn, chế biến và cấp đông để bán ra khi thị trường có nhu cầu.
Ngoài vấn đề thịt lợn, Tổ Điều hành thị trường trong nước đề nghị các Bộ, ngành địa phương tiếp tục có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác điều hành thị trường, giá cả hàng hóa; phối hợp trong công tác thông tin tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận trong dư luận đối với công tác điều hành của nhà nước và bình ổn thị trường hàng hóa.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận