Hợp đồng tài chính cá nhân "nhiều chữ, nhiều bẫy" nên ngâm cứu đọc thật kĩ trước khi ký kết
Sáng nay chia sẻ với mọi người 4 loại hợp đồng tài chính cá nhân "nhiều chữ, nhiều bẫy" nên ngâm cứu đọc thật kĩ trước khi ký kết.
Sau nhiều năm trải nghiệm các sản phẩm đầu tư tài chính trên thị trường, mình nhận thấy có một vấn đề mà rất rất nhiều nhiều nhà đầu tư không chú ý đến đó là đọc các hợp đồng đầu tư tài chính. Có quá nhiều điều khoản, thuật ngữ mà có lẽ kể cả dân tài chính như mình cũng khó hiểu hoặc cũng có thể hiểu sai. Rất nhiều câu từ lắt léo trong hợp đồng được biên soạn bởi các chuyên gia luật nhằm mục đích bảo vệ tối đa lợi ích của công ty. Để làm sao khi ra tòa xử lý thì thường là công ty sẽ có lợi hơn trong các cuộc kiện tụng. Người chịu thiệt cuối cùng vẫn là khách hàng.
Vậy những loại hợp đồng nào mà gây sự khó khăn cho người mua khi tiếp cận đọc và hiểu nó:
1. Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ
Đây là hợp đồng dài nhất mình từng nhận được trong các hợp đồng giao dịch tài chính, hiện tại mình đang cầm 2 cái hợp đồng của 2 công ty bảo hiểm đã ký cho mình dài lên tới 70 trang giấy A4. Mình thú thực là đã không đọc hết các nội dung trong hợp đồng này. Có mấy chỗ mình quan tâm nhất là các quyền lợi bảo hiểm và các điều khoản loại trừ bảo hiểm. Nói thực là khi đọc mình cũng cảm thấy như bị tung hỏa mù với rất nhiều các bệnh và các điều kiện loại trừ trong đó. Mỗi công ty một kiểu mẫu hợp đồng bảo hiểm khác nhau nên rất khó đọc và khó tiếp cận với người tiêu dùng.
Vì vậy mà mình nghĩ phải có một cơ quan nhà nước đứng ra đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng theo một mẫu giao dịch chung thống nhất. Trước khi ban hành ký với khách hàng phải được cấp phép của cơ quan nhà nước. Như vậy mới có thể hạn chế được những góc khuất trong hợp đồng.
2. Hợp đồng hợp tác đầu tư kinh doanh
Đây là một sản phẩm đầu tư đặc thù mà hiện nay rất nhiều các tổ chức tài chính đang áp dụng, đặc biệt là các Fintech hay công ty chứng khoán. Có thể nói rằng đầu tư thì bằng tiền thật nhưng cam kết thì khá chung chung đặc biệt là khâu về quản lý dòng tiền, mục đích sử dụng vốn và xử lý các vấn đề rủi ro xảy ra.
Về cơ bản đều dựa trên uy tín của công ty hợp tác mà uy tín đó có lẽ chỉ được Media chứng minh mà không có những dữ kiện pháp lý, tài chính và cơ quan thứ 3 đảm bảo cụ thể.
Người tiêu dùng có lẽ chỉ nhìn và mong nhận được gốc, lãi đầy đủ cũng như gửi nhận, rút tiền dễ dàng. Vì vậy mà họ quên đi những điều khoản mà khi rủi ro xảy ra sẽ được xử lý như thế nào. Thử tưởng tượng về những rủi ro đó và soi chiếu lại trong hợp đồng bạn sẽ thấy vô số lỗ hổng trong đó.
3. Hợp đồng tín dụng Ngân hàng, hợp đồng thế chấp, cam kết 3 bên.
Trước đây khi còn làm một nhân viên tín dụng Ngân hàng, mình cũng đưa cho khách hàng ký các hợp đồng và yêu cầu họ đọc hợp đồng cũng như ký từng trang hợp đồng mình đã đọc. Nhưng phải thừa nhận rằng không ai có thời gian để mà nghiền ngẫm đọc cái hợp đồng này, kể cả những điều khoản cơ bản đơn giản liên quan sát sườn đến quyền lợi khách hàng cũng đôi khi bỏ qua. Hầu như chỉ tin nhân viên tư vấn cho mình mà bỏ qua đọc các nội dung này. Đến khi xảy các vấn đề bắt đầu mới lôi các hợp đồng ra đọc thì có thể mới nhận ra có nhiều thứ đã bị ngoặc vào trong hợp đồng mà khách hàng không có biết.
Đối với các doanh nghiệp khi đi vay thì họ còn có thể đàm phán ngược lại ngân hàng để sửa đổi các văn bản mẫu biểu hợp đồng để làm sao hài hòa lợi ích của hai bên. Nhưng với cá nhân thì khó làm được điều này mà chỉ có cách đơn giản là đồng ý hoặc từ chối mà thôi.
Vì vậy trước khi ký hợp đồng thì nên đọc ký các điều khoản về tài chính và các điều khoản liên quan đến xử lý tranh chấp rủi ro xảy ra. Nếu không đọc được thì nhờ người thân, người quen hoặc bên thứ 3 hỗ trợ mình đọc. Đừng để nhân viên tư vấn đọc thay mình để một ngày lại cảm thấy hối hận.
4. Hợp đồng cho vay, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp.
Đây cũng là một loại hợp đồng nhiều chữ mà trong đó có rất nhiều thuật ngữ mà người cho vay cũng khó hiểu được. Cũng chính bởi vậy mà nhiều người đang và đã hiểu lầm dạng hợp đồng này như gửi tiết kiệm Ngân hàng. Chính cái thuật ngữ CAM KẾT nó được quảng cáo gây hiểu lầm cho mọi người.
Cái từ Cam kết này nói thì dễ nhưng thực hiện mới khó biết làm sao. Nhưng chỉ khi rủi ro xảy đến thì mọi người mới nhận ra rằng cam kết chỉ là cam kết và nó chẳng có giá trị gì khi xử lý rủi ro. Bản chất nó cũng chỉ là gia vị đánh lừa cảm giác nhà đầu tư mà thôi.
Có rất nhiều nội dung trong hợp đồng đảm bảo cho nhà đầu tư có thể đã bị che lấp đi bởi 2 từ cam kết này. Vì vậy mà nếu soi kĩ hợp đồng khi xóa 2 từ "cam kết" này thì chúng ta mới thấy có rất nhiều vấn đề khi rủi ro xảy ra chưa được cụ thể hóa trong hợp đồng.
Hoặc có thể những nội dung trong hợp đồng cho vay này lại được ngoặc với một cái hợp đồng hợp tác nào đó mà chính nhà đầu tư cũng không để ý mà đọc. Mà nếu có muốn đọc cái hợp đồng hợp tác đó thì lại bị tìm mọi cách để không phải đọc.
....
Trên đây là 4 loại hợp đồng nhiều chữ, nhiều bẫy mà bản thân Hòa cảm thấy khó đọc nhất. Xin được chia sẻ trải nghiệm này với ACE với mong muốn mọi người sẽ lưu tâm hơn trước khi ký các loại hợp đồng này.
"Dành càng nhiều thời gian để ngâm cứu hợp đồng tài chính này thì khả năng mất tiền sẽ càng giảm đi nhiều hơn". Cách phòng ngừa rủi ro mất tiền có lẽ cũng chỉ đơn giản vậy thôi.
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận