Hơn 600 triệu USD 'rót' vào Việt Nam
Thời gian qua, liên tục các thương gọi vốn nước ngoài đã được các doanh nghiệp trong nước ký kết.
Mới đây, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, VPB) và Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (DFC) đã ký cam kết khoản vay song phương trị giá 300 triệu USD, kỳ hạn 7 năm. Khoản vay được thu xếp bởi DFC nhằm hỗ trợ nâng cao khả năng tiếp cận tài chính cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), đặc biệt là các doanh nghiệp SME do phụ nữ làm chủ và hỗ trợ các dự án xanh, bền vững tại Việt Nam.
Trước khoản vay được cấp bởi DFC, VPBank đã huy động thành công nhiều khoản vay tài chính quốc tế với tổng giá trị lên tới hơn 1 tỷ USD từ năm 2020.
VPBank nhận được vốn vay trong bối cảnh kinh doanh có nhiều điểm sáng. Nửa đầu năm 2023, dư nợ tín dụng ngân hàng hợp nhất đạt 436.000 tỷ đồng, trong đó tăng trưởng tín dụng của riêng ngân hàng mẹ là 14,3%, cao hơn mức trung bình 9,35% toàn ngành, cùng với sự đóng góp lớn từ các phân khúc chiến lược như khách hàng cá nhân và khách hàng SME.
Khấu trừ các chi phí, lợi nhuận trước thuế ngân hàng tăng mạnh 70% so với cùng kỳ, đạt hơn 15.300 tỷ đồng, tương đương 52% kế hoạch năm. Tương ứng, tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu của VPBank đạt 23,4% và tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản là 3,5%.
Trước đó không lâu, CTCP Kinh doanh F88 cũng vừa huy động thành công khoản vay nước ngoài mới trị giá 50 triệu USD từ quỹ Lending Ark Asia. Khoản vay trị giá hơn 1.200 tỷ đồng này là khoản vay thứ hai mà F88 nhận được từ quỹ Lending Ark Asia, sau khoản vay đầu tiên cũng có trị giá 50 triệu USD vào tháng 11/2022, nâng tổng mức vay Lending Ark cấp cho F88 lên đến 100 triệu USD.
“Khoản tín dụng mới sẽ được sử dụng để thúc đẩy kế hoạch tăng trưởng kinh doanh của F88”, ông Phùng Anh Tuấn, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc F88 cho biết. Với nguồn vốn này, F88 đặt mục tiêu mở rộng việc cung cấp các dịch vụ tài chính cho tệp khách hàng dưới chuẩn ngân hàng tại Việt Nam.
Việc phê duyệt bổ sung hạn mức vay trị giá 50 triệu USD lần thứ hai cho thấy kỳ vọng mà Lending Ark Asia dành cho F88 nói riêng và cho tiềm năng thị trường cho vay dưới chuẩn tại Việt Nam nói chung. Trong nửa đầu năm 2023, dù đối diện với nhiều thách thức nhưng hoạt động kinh doanh của F88 vẫn duy trì tăng trưởng ổn định. Doanh thu 6 tháng đầu năm 2023 tăng 52% so với cùng kỳ 2022.
Tính đến thời điểm 30/6/2023, tổng số khách hàng F88 đã tăng 30% so với cuối năm 2022. Tỷ lệ hài lòng của khách hàng sau giao dịch (CSAT) đạt mức 89%. Tỷ lệ chi phí hoạt động CIR (chi phí hoạt động không bao gồm chi phí dự phòng và xóa sổ nợ xấu) trên tổng thu nhập hoạt động (đã loại trừ chi phí tài chính) trong 6 tháng đầu năm 2023 giảm 16% so với cùng kỳ năm 2022.
Hai khoản đầu tư trên tiếp tục làm nóng dòng vốn rót vào Việt Nam, đặc biệt giữa bối cảnh “mùa đông gọi vốn”. Thống kê từ đầu năm, hơn nửa tỷ USD vẫn đều đặn đầu tư vào các startup Việt.
Trong đó, MFast - nền tảng phân phối sản phẩm tài chính thông qua mạng lưới cộng tác viên – mới đây đã huy động thành công 6 triệu USD trong vòng gọi vốn Series A do Wavemaker Partners dẫn đầu, với sự tham gia của hai nhà đầu tư mới Finnoventure Fund I (quản lý bởi Krungsri Finnovate) và Headline Asia, cùng các nhà đầu tư vòng trước gồm Do Ventures, JAFCO Asia, và Ascend Vietnam Ventures.
MFast ra mắt năm 2017 dưới sự điều hành của cặp anh em song sinh Phan Thanh Long và Phan Thanh Vinh, với trăn trở về khả năng cận với các dịch vụ ngân hàng cơ bản, các gói bảo hiểm hay vay vốn uy tín của người dân. Với dân số 100 triệu, Việt Nam đang trở thành nhân tố quan trọng trong việc thúc đẩy làn sóng tiêu dùng mạnh mẽ tại Đông Nam Á trong vòng 10 năm tới nhờ vào vị trí chiến lược. Trong đó một bộ phận lớn đang bước vào tầng lớp trung lưu (hiện tại tỉ lệ là 40% và dự kiến sẽ tăng lên 75% vào năm 2030), tiềm năng tăng trưởng của thị trường là rất lớn.
Startup fintech này cho biết, nguồn vốn mới sẽ được sử dụng để tiếp tục mở rộng hoạt động và khai thác tiềm năng phân phối các dịch vụ tài chính trên toàn quốc, với kế hoạch mở rộng ra phạm vi khu vực vào năm 2024.
Trong mảng tài chính còn có Kredivo Holdings huy động 270 triệu USD vốn cổ phần trong vòng series D. Trong đó, Mizuho Financial Group dẫn đầu vòng gọi vốn này đóng góp 125 triệu USD, theo Techcrunch. Các nhà đầu tư cũ cũng tham gia gồm có Square Peg Capital, Jungle Ventures, Naver Financial Corporation, GMO Venture Partners và Openspace Ventures.
Giám đốc điều hành Kredivo, Akshay Garg từ chối tiết lộ mức định giá hiện tại, nhưng cho biết giá trị công ty tăng từ 4 – 5 lần “với mỗi lần định giá trong quá khứ”, Techcrunch đưa tin. Kredivo Holdings gần như đã ra mắt công chúng vào năm ngoái trong một thoả thuận SPAC trị giá 2,5 tỷ USD, nhưng sau đó huỷ bỏ vì điều kiện thị trường bất lợi.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận