Hơn 600.000 tỉ đồng nợ vay sẽ được gỡ để cứu doanh nghiệp
Khoản dư nợ khổng lồ đang chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 sẽ được Ngân hàng nhà nước xem xét ban hành chính sách cho phép được tiếp tục cơ cấu lại, miễn, giảm lãi và phí nhằm hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó bởi Covid-19.
Ngân hàng nhà nước vừa công bố dự thảo thông tư tiếp tục cho phép ngân hàng được cơ cấu nợ cho doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trước đó, cơ quan này đã ban hành Thông tư số 01/2020/TT-NHNN và sửa đổi bằng Thông tư số 03/2021/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Hai thông tư trên đã góp phần quan trọng để ngân hàng cơ cấu lại các khoản nợ cho doanh nghiệp và khởi thông dòng vốn. Tuy nhiên, tình hình đại dịch Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp khiến dòng tiền của doanh nghiệp kiệt quệ, hoạt động sản xuất, kinh doanh đầu tư thương mại đình trệ.
Báo cáo của Hiệp hội ngân hàng Việt Nam cho thấy, từ 10.6.2020 đến nay, tại 14 tổ chức tín dụng, có khoảng 600.000 tỉ đồng dư nợ bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Nếu tính trên cả hệ thống số dư nợ còn lớn hơn rất nhiều, tuy nhiên, hiện tại đang chưa được cơ cấu. Hiệp hội này cũng đánh giá, các khoản nợ giải ngân từ sau ngày 10.6.2020 rất nhiều khả năng bị chuyển thành nợ xấu, ảnh hưởng đến hoạt động của tổ chức tín dụng. Cùng đó, ngân hàng không thể hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn tài chính do ảnh hưởng từ Covid-19.
Ngân hàng được giữ nguyên nhóm nợ đã phân loại
Để xử lý vướng mắc này, dự thảo thông tư mới của NHNN sẽ tiếp tục cho phép tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với số dư nợ gốc và/hoặc lãi của khoản nợ. Cụ thể, các khoản nợ phát sinh trước ngày 1.8.2021 từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính (thay vì phát sinh trước ngày 10.6.2020 từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính tại 2 thông tư cũ).
Về số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ cũng được sửa đổi và bổ sung trong các trường hợp, đó là số dư nợ của khoản nợ phát sinh từ ngày 23.1.2020 đến trước ngày 10.6.2020 và quá hạn trước ngày 17.5.2021. Số dư nợ của khoản nợ phát sinh từ ngày 10.6.2020 đến trước ngày 1.8.2021 và quá hạn từ ngày 17.7.2021 đến trước thời điểm dự thảo thông tư có hiệu lực thi hành.
Bên cạnh đó, dự thảo thông tư cũng quy định, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài quyết định việc miễn, giảm lãi, phí theo quy định nội bộ đối với số dư nợ của khoản nợ phát sinh trước ngày 1.8.2021 (thay vì trước ngày 10.6.2020 như thông tư hiện hành) từ hoạt động cấp tín dụng (trừ hoạt động mua, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp) mà nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi đến hạn thanh toán trong khoảng thời gian từ ngày 23.1.2020 đến ngày 30.6.2022 (thay vì đến ngày 31.12.2021 như trước) và khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng, thỏa thuận do doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Điểm đáng chú ý, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được giữ nguyên nhóm nợ đã phân loại theo quy định của NHNN. Điều khoản này sẽ giúp các ngân hàng dễ thở hơn khi tránh được áp lực nợ xấu và giảm trích lập dự phòng rủi ro, có thêm nguồn vốn để cho vay.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận